Người dân quốc gia châu Phi khổ sở vì “cơn khát” cát của Trung Quốc
Hoạt động khai thác cát của các công ty Trung Quốc ở một quốc gia châu Phi đang gây ra những hệ lụy nặng nề về môi trường, phá hủy những bãi biển hoang sơ tươi đẹp.
Tình trạng khai thác cát bừa bãi của các công ty Trung Quốc ở Mozambique.
Cộng đồng dân cư Nagonha ở phía bắc Mozambique nằm trên một cồn cát cao với một bên là cây xanh um tùm, một bên là khung cảnh Ấn Độ Dương tuyệt đẹp với những bãi biển màu xanh ngọc.
Nơi đây xứng đáng trở thành một điểm phát triển du lịch mang lại nhiều nguồn lợi cho Mozambique. Thay vào đó, các công ty khai thác cát Trung Quốc đang hủy hoại cảnh quan thiên nhiên và kể cả cuộc sống của người dân địa phương.
Đại diện tổ chức Ân xá Quốc tế đã tới thăm ngôi làng này 4 lần kể từ năm 2015, khi những trận lũ quét chưa từng có tiền lệ tràn qua. Những người lớn tuổi sống nói họ chưa bao giờ trải qua những thảm họa thiên nhiên tương tự. Người dân địa phương cho rằng công ty khai thác Haiyu của Trung Quốc chính là nguyên nhân.
Cả một khu vực bị biến đổi vì công ty Trung Quốc khai thác cát.
“Chúng tôi xứng đáng được bù đắp những tổn thất mà người Trung Quốc gây ra. Máy móc của họ đã chặn không cho nước thoát đi”, Tola, một ngư dân địa phương nói. Người đàn ông này đã mất toàn bộ dụng cụ đánh cá, vốn chỉ có giá 115 USD nhưng ông phải mất cả năm mới mua được.
“Nhà của tôi nằm chính xác ở khu vực con suối kia. Chúng tôi đã đứng đó và chứng kiến ngôi nhà bị dòng nước cuốn đi. Tôi đã khóc”, Roma, người đã mất đi căn nhà 2 phòng ngủ và toàn bộ tài sản, nhớ lại.
Cộng đồng Nagonha với 1.329 người vốn đã rất dễ tổn thương. Cái mà họ gọi là nhà chỉ là 236 căn lều nhỏ lụp xụp xây trên cồn cát nằm giữa kênh Mozambique và một con suối.
Người dân ở đây thiếu nhu yếu phẩm cần thiết, như nước sạch và đường điện. Nhiều nơi ở Mozambique vẫn còn cảnh này vì đất nước vẫn đang trong quá trình tái thiết sau cuộc nội chiến năm 1992.
Người dân nghèo sống trong túp lều tạm bợ.
Thực trạng trên càng khiến cộng đồng dân cư Mozambique dễ bị tổn thương hơn, khi quốc gia đón nhận các khoản đầu tư từ Trung Quốc. Trong một thế kỷ qua, Mozambique đón chào các nhà khai thác Trung Quốc, như một cách để phát triển kinh tế.
Công ty Haiyu đăng ký kinh doanh ở tỉnh Hải Nam, Trung Quốc từ năm 2010 và bắt đầu hoạt động ở Mozambique từ năm 2011 thông qua sự hợp tác với Africa Great Wall Mining Development (AGWMD).
AGWMD là một chi nhánh của tập đoàn Jinan Yuxiao, chuyên sản xuất khoáng uhligite, có nguồn gốc từ cát.
Các khoáng chất trong cát là nguyên liệu chủ yếu để sản xuất xi măng, ngói, gạch, thủy tinh, chất kết dính và đồ gốm sứ. Với tốc độ phát triển cơ sở hạ tầng chóng mặt ở đô thị, Trung Quốc trở thành nước tiêu thụ xi măng và cát lớn nhất thế giới.
Người dân Mozambique vỡ mộng khi công ty Trung Quốc đổ xô đến khai thác cát.
Ban đầu, cộng đồng Nagonha đón chào công ty Trung Quốc. Họ kỳ vọng rằng các công ty này sẽ mang tới việc làm và phát triển cơ sở hạ tầng tại địa phương. Nhưng giờ đây họ đã vỡ mộng.
Hoạt động khai thác cát bao trùm khu vực rộng 280.000m2, chặn các kênh nối từ sông ngòi, đầm phá với đại dương và thậm chí thay đổi cả dòng chảy của nguồn nước ngọt, theo bức ảnh vệ tinh của Tổ chức Ân xá Quốc tế.
Haiyu nói họ không làm điều gì sai, đổ lỗi cho thiên nhiên. Công ty này nói rằng cơn lũ quét mà cộng đồng Nagonha gặp phải là điều không thể kiểm soát. Haiyu cũng từ chối đền bù thiệt hại cho người dân địa phương.
Chính phủ Mozambique hiện đã đình chỉ hoạt động khai thác cát trong khu vực. Nhưng vài tuần trước, hoạt động khai thác lại âm thầm được tiếp tục. Chính quyền chủ trương tái định cư những người muốn chuyển đến nơi khác. Một vài người khác ở lại phản đối hoạt động khai thác của công ty Trung Quốc, nhưng không khác gì “chàng tí hon David đấu với gã khổng lồ Goliath”, theo Quartz.
Người Kenya nói các khoản đầu tư kếch xù kéo theo người Trung Quốc đến sống ở đất nước châu Phi này đem đến cả...