Người đàn ông Nhật cố tình phát tán Covid-19: Vì sao không ngăn chặn?
Bắt đầu từ ngày 10.3, Nhật Bản siết chặt kiểm soát biên giới nhằm ngăn dịch Covid-19, nhưng chiến lược cách ly có thể không thành công vì thiếu quy định pháp lý, đặc biệt là đối với công dân trong nước.
Theo Japan Times, kể từ ngày 10.3, công dân Hàn Quốc và Trung Quốc nhập cảnh vào Nhật Bản sẽ bị đưa đi cách ly 2 tuần tại cơ sở tập trung. Quy định này có hiệu lực đến ngày 31.3. Nhật Bản cũng cân nhắc mở rộng quy định siết chặt nhập cảnh với công dân Italia.
Trong cuộc trả lời phỏng vấn hôm 10.3, quan chức Bộ Y tế Nhật Bản thừa nhận không có cách nào buộc mọi người phải cách ly. “Theo quy định hiện hành, Bộ Y tế chỉ có thể yêu cầu cách ly tự nguyện”, quan chức này nói.
Đối với người sống ở Nhật có địa chỉ cụ thể, các quan chức chỉ có thể yêu cầu họ cách ly tại nhà hoặc khách sạn trong 2 tuần. Nhưng vì không có chế tài pháp lý nên việc tự cách ly còn hạn chế.
Điển hình là trường hợp của một người đàn ông ngoài 50 sống ở tỉnh Aichi. Người này dương tính với Covid-19 và được yêu cầu tự cách ly tại nhà ở Gamagori cho đến khi có nhân viên y tế đến đưa đi.
Người đàn ông sau đó không những không tự cách ly mà còn đến nhiều địa điểm công cộng, bao gồm một quán bar, hét to rằng “tôi nhiễm virus”, nhằm chủ ý phát tán virus.
Tetsu Isobe, giáo sư luật tại Đại học Keio, nói rằng việc yêu cầu người dân tự kiểm dịch để ngăn ngừa virus là rất khó vì hạn chế pháp lý.
Nhân viên y tế Nhật Bản hướng dẫn khách nhập cảnh từ Hàn Quốc.
Nếu một du khách không phải là công dân Nhật và bị nhiễm Covid-19 thì Đạo luật Kiểm soát Nhập cư và Nhận diện Người tị nạn cho phép áp dụng quy định kiểm soát đối với người này vì sự an toàn của công dân Nhật, Isobe nói, đề cập đến việc bắt buộc đưa người bệnh vào viện.
Nhưng nếu một người không đến từ vùng có dịch, không có triệu chứng thì quan chức Nhật sẽ không thể buộc họ cách ly, Isobe giải thích.
Chính phủ Nhật hiện đang nỗ lực sửa đổi luật trong trường hợp xảy ra dịch bệnh. Luật sửa đổi cho phép Thủ tướng ban bố tình trạng khẩn cấp nếu cần thiết, từ đó hạn chế hoạt động của người dân để kiểm soát dịch bệnh.
Tuy nhiên, cơ quan chức năng của Nhật vẫn không thể buộc người dân ở nguyên tại chỗ vì liên quan đến Điều 22 trong Hiến pháp. Đó là đảm bảo quyền tự do lựa chọn và thay đổi nơi cư trú của người dân, theo Isobe.
Bộ Y tế khuyến cáo về việc cách ly, theo dõi sức khỏe trong phòng chống Covid-19: - Đối với những người tiếp xúc gần với bệnh nhân dương tính với Covid-19: Phải cách ly ngay tại cơ sở y tế trong vòng 14 ngày, đồng thời lấy mẫu bệnh phẩm để xét nghiệm. - Đối với người tiếp xúc với người tiếp xúc gần với bệnh nhân dương tính với Covid-19: Cách ly, theo dõi sức khỏe tại nhà, nơi lưu trú, cư trú trong vòng 14 ngày và thông báo với chính quyền cơ sở (phường, xã, thị trấn) và phải theo dõi chặt chẽ tình hình sức khỏe. Nếu thấy có biểu hiện sốt, ho, hắt hơi, sổ mũi, mệt mỏi, ớn lạnh hoặc khó thở thì lập tức cho cách ly ngay tại cơ sở y tế và lấy mẫu bệnh phẩm để xét nghiệm. - Thường xuyên đeo khẩu trang, che miệng khi ho, hắt hơi. - Rửa tay bằng xà phòng liên tục để tránh nguy cơ lây truyền bệnh cho những người khác. - Chia sẻ lịch trình di chuyển của bản thân với nhân viên y tế. - Gọi ngay đến đường dây nóng thông báo thông tin: 19003228 và 19009095. |
Nguồn: [Link nguồn]
Người đàn ông Nhật nhiễm Covid-19 từ cha mẹ dù không bộc lộ bất cứ triệu chứng nào ở thành phố Gamagori và sau đó...