Người đàn ông dùng máu của mình cứu sống hơn 2 triệu trẻ em

Kháng thể đặc biệt trong máu của ông đã được dùng để sản xuất ra loại vắc xin cứu sống rất nhiều trẻ sơ sinh.

Người đàn ông dùng máu của mình cứu sống hơn 2 triệu trẻ em - 1

Kháng thể đặc biệt trong máu của Harrison đã giúp cứu sống hơn 2 triệu trẻ em

James Harrison, được biết đến với cái tên "Người đàn ông có cánh tay vàng", đã hiến máu gần như mỗi tuần một lần trong 60 năm. Sau tất cả những đóng góp đó, người đàn ông 81 tuổi người Úc đã “nghỉ hưu” hôm 21/12 năm ngoái, đánh dấu sự kết thúc của một “sự nghiệp vĩ đại”.

Theo Dịch vụ hiến máu của Hội Chữ thập đỏ Australia (ARCBS), Harrison đã giúp cứu sống hơn 2,4 triệu trẻ em nước này.

Kháng thể độc đáo

Máu của Harrison chứa các kháng thể độc đáo có khả năng chống lại bệnh tật, Kháng thể này được sử dụng để phát triển một loại thuốc tiêm có tên Anti-D, giúp chống lại bệnh Rhesus.

Rhesus, còn gọi là bệnh tán huyết ở trẻ sơ sinh, là một biến chứng có thể xảy ra khi một phụ nữ có thai mang Rh-âm sản xuất kháng thể chống lại các tế bào hồng cầu có Rh-dương của em bé. Trong những trường hợp xấu nhất, nó có thể gây ra tổn thương não, hoặc khiến các em bé tử vong.

Bệnh Rhesus có thể được ngăn chặn khi người mẹ mang Rh-âm được tiêm một hợp chất đặc biệt gọi là kháng thể Anti-D, trong vòng 72 giờ sau khi sinh em bé.

Harrison đã tạo nên sự khác biệt như thế nào?

Harrison đã trải qua một cuộc phẫu thuật ngực rất nguy hiểm khi mới 14 tuổi, ARCBS cho biết.

Nhờ được hiến tặng máu, người đàn ông này đã được cứu mạng, vì vậy ông đã tự nguyện trở thành người hiến máu.

Vài năm sau, các bác sĩ phát hiện ra máu của người đàn ông này chứa kháng thể có khả năng được sử dụng để tạo ra thuốc tiêm Anti-D, vì vậy Harrison đã chuyển sang hiến huyết tương để giúp đỡ được nhiều người nhất có thể.

Các bác sĩ chưa biết chính xác tại sao máu của Harrison có kháng thể hiếm này, nhưng họ nghĩ rằng có thể là do lượng máu mà ông được hiến sau khi phẫu thuật năm 14 tuổi. Ông là một trong số không quá 50 người Australia có kháng thể này.

“Mỗi túi máu đều quý giá, nhưng máu của Harrison đặc biệt phi thường. Máu của ông được dùng như một loại thuốc cứu người. Nhiều liều vắc xin Anti-D đã được tạo ra từ máu của Harrison”. Jemma Falkenmire của ARCBS nói với CNN năm 2015.

“Hơn 17% phụ nữ Australia có nguy cơ mắc Rhesus, vì vậy James đã giúp cứu rất nhiều mạng sống”, Falkenmire nói thêm.

Anh hùng của quốc gia

Ở Australia, cho đến năm 1967, có hàng ngàn trẻ sơ sinh tử vong mỗi năm nhưng các bác sĩ không biết nguyên nhân. Nhiều phụ nữ bị sảy thai và vô số các em bé bị tổn thương não, Falkenmire cho biết.

Nếu không có huyết tương được hiến bởi Harrison, bệnh Rhesus có lẽ đã cướp đi hơn 2 triệu sinh mạng trẻ em. Do đó, Harrison được coi là anh hùng của quốc gia, theo ARCBS.

Người đàn ông này đã được trao nhiều giải thưởng vì lòng tốt của mình, bao gồm Huân chương Australia, một trong những danh hiệu cao quý nhất của đất nước.

“Đó là điều tôi có thể làm. Hiến máu là một trong những “tài năng” của tôi, có lẽ là tài năng duy nhất”, Harrison nói.

Harrison đã hiến máu lần cuối tháng 12 năm ngoái (ở Australia, bạn không thể hiến máu khi quá 81 tuổi). Falkenmire và đồng nghiệp ở ARCBS hy vọng những người có kháng thể tương tự sẽ hiến tặng huyết tương để sản xuất vắc xin Anti-D.

“Tất cả những gì chúng ta có thể làm là hy vọng sẽ có những người khác đủ tốt bụng để làm điều đó một cách không vụ lợi như Harrison đã làm”, cô nói.

Hiến máu cứu cô gái, người đàn ông gặp điều kỳ diệu 11 năm sau

Người đàn ông không ngờ rằng mình có duyên kỳ ngộ với người phụ nữ mà mình từng hiến máu cứu sống cách đây 11...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Nguyễn Ngọc - Theo CNN ([Tên nguồn])
Thời sự Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN