Người dân đảo nhỏ ở Đài Loan sống trong nỗi sợ chiến tranh với TQ
Quần đảo nhỏ, cách Trung Quốc đại lục gần 5 km, có thể là nơi bị ảnh hưởng đầu tiên nếu chiến tranh nổ ra giữa Bắc Kinh và Đài Loan.
Shiyu, một phần nhỏ của quần đảo Kim Môn, nằm cách thành phố Hạ Môn của Trung Quốc đại lục chỉ vài km. Ảnh: Reuters
Bà Tsai Li-chu, giáo viên nghỉ hưu 70 tuổi, sống ở quần đảo Kim Môn (Kinmen), thuộc đảo Đài Loan, nhớ lại những ngày tháng tuổi trẻ khi tiếng pháo nổ vang trời vào 19h mỗi tối. Các đợt pháo kích bắt nguồn từ Trung Quốc đại lục.
"Tôi nhớ mình đã phải chạy tới nơi trú ẩn cùng các con, có đứa còn nhất nhỏ", bà Tsai chia sẻ.
Các cuộc pháo kích, hầu hết là đạn pháo chứa đầy truyền đơn, chỉ dừng lại khi Mỹ chính thức thiết lập quan hệ với Trung Quốc đại lục và cắt đứt quan hệ với Đài Loan vào cuối những năm 1970. Nhưng mâu thuẫn giữa Đài Loan và Trung Quốc đại lục không hề biến mất.
Giờ đây, mối quan hệ Đài Loan - Trung Quốc đang ở thời điểm tồi tệ nhất trong nhiều thập kỷ. Kim Môn, một quần đảo nhỏ cách Đài Bắc hơn 300 km nhưng chỉ cách thành phố Hạ Môn của Trung Quốc đại lục chưa đầy 5 km, được coi là tiền tuyến.
Trung Quốc luôn coi Đài Loan là một phần lãnh thổ không thể tách rời. Dưới thời ông Tập Cận Bình, Bắc Kinh muốn thu hồi hòn đảo này mà không dùng vũ lực, nhưng nếu cần thiết, vũ lực vẫn sẽ được sử dụng. Trong khi đó, giới chức Đài Loan tìm cách tiếp tục duy trì chế độ tự quản. Những sự mâu thuẫn này khiến đôi bên không thể tìm được tiếng nói chung.
Trong bối cảnh Mỹ ngày càng ủng hộ Đài Loan, từ thời ông Trump tới thời ông Biden vẫn cam kết duy trì điều này, Bắc Kinh đáp trả bằng lời lẽ quyết liệt và tăng cường hoạt động quân sự.
Năm ngoái, Quân đội giải phóng nhân dân Trung Quốc (PLA) đã tăng cường các cuộc tập trận và các chuyến bay do thám vào khu vực Đài Loan tuyên bố là vùng nhận dạng phòng không. Lần đầu tiên sau 2 thập kỷ vượt qua giới tuyến vào tháng 8/2020.
Bắc Kinh từng cảnh báo: "Những ai đùa với lửa sẽ bị lửa thiêu và Đài Loan đòi độc lập là đồng nghĩa với chiến tranh".
Trong một bài phát biểu vào tháng 2 năm nay, lãnh đạo Đài Loan Thái Anh Văn cho biết, vấn đề giữa Đài Loan và Trung Quốc đã phát triển từ vấn đề song phương thành mối quan tâm của "khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương hay thậm chí là toàn cầu".
Một số nhà phân tích cho rằng, một cuộc chiến sắp xảy ra, tùy thuộc vào nhu cầu chính trị trong nước của ông Tập, người coi việc "lấy lại" Đài Loan là nhiệm vụ tất yếu.
Drew Thompson, một cựu quan chức Bộ Quốc phòng Mỹ từng chịu trách nhiệm quản lý quan hệ song phương Mỹ - Trung Quốc và Mỹ - Đài Loan, nhận định: "Thu hồi Đài Loan có lẽ là phương án tốt nhất để ông Tập tăng cường uy tín và hình ảnh. Nhưng đổi lại, nhà lãnh đạo Trung Quốc sẽ chơi một canh bạc lớn khi phải sử dụng vũ lực để thu hồi Đài Loan".
Những nhà phân tích khác nói rằng, viễn cảnh một cuộc chiến giữa Trung Quốc đại lục và Đài Loan có thể xảy ra sau một thập kỷ nữa hoặc hơn, phụ thuộc nhiều vào Mỹ. Ngoài ra, họ còn chỉ ra các hoạt động thuộc "chiến lược vùng xám" của Bắc Kinh - dùng để thu được lợi ích về lãnh thổ mà không dùng tới vũ lực - là mối quan tâm hiện nay.
"Hiện tại, PLA chưa đủ khả năng để vừa chiếm Đài Loan lại vừa ngăn Mỹ can thiệp vào quá trình đó. Muốn thu hồi được Đài Loan, Bắc Kinh phải làm được cả 2 điều trên. Trung Quốc có lẽ sẽ mất khoảng 1 thập kỷ hoặc lâu hơn để có thể làm được", giáo sư Steve Tsang, giám đốc viện Soas Trung Quốc ở Anh, nhận định.
Điều xảy ra với quần đảo Kim Môn lại càng khó dự đoán hơn. Một số nhà quan sát cho rằng, quần đảo này có thể là phép thử tiềm năng của Trung Quốc với Mỹ, nước đã ra tín hiệu nhưng không bao giờ công khai tuyên bố hỗ trợ quân sự cho Đài Loan nếu bị Trung Quốc tấn công.
Giáo sư Tsang cho rằng Kim Môn sẽ vẫn an toàn vào thời điểm này vì nếu chiếm riêng quần đảo này, Bắc Kinh sẽ không có lợi ích, chưa kể là còn gây hại. Cựu quan chức Thompson nhận định, Kim Môn sẽ sớm thất thủ nếu chiến tranh xảy ra.
Mối quan hệ của quần đảo Kim Môn với Trung Quốc đại lục có từ thời nhà Minh và nhà Thanh. Quần đảo này có hợp tác kinh tế và văn hóa với đại lục.
"Bạn không thể hiểu tình hình hiện tại nếu không nắm vững lịch sử", Chen Kuo-li, một cựu quân nhân nói. "Nhiều người trên đảo Kim Môn có thành viên gia đình ở Trung Quốc đại lục. Về mặt chính trị, có thể chúng tôi không có lựa chọn, nhưng về mặt cá nhân, chúng tôi muốn tiếp tục hợp tác và kết nối với đại lục".
Với những người sinh ra trong bối cảnh thiết quân luật và chiến tranh, việc mạo hiểm quay lại với xung đột và sự nghèo đói đi kèm là điều họ không muốn. Với họ, điều quan tâm duy nhất chỉ là không có chiến tranh. Việc nhất quyết đòi tách khỏi đại lục sẽ đồng nghĩa với chiến tranh và cản trở sự phát triển kinh tế của họ.
"Thế hệ trẻ ngày nay chưa trải qua tình cảnh thời chiến hay thuyết quân luật, vì vậy, họ không nhận thức được những đau khổ của thời chiến. Họ giống như thực vật trong nhà kính vậy, không biết bão giông là như thế nào. Hệ quả là họ không biết trân trọng hòa bình", ông Chen nói.
Nguồn: [Link nguồn]
Quân đội Trung Quốc có thể sử dụng tàu dân sự để bí mật đưa đặc nhiệm đánh úp các cảng biển của Đài Loan, tạo...