Người chiến thắng bầu cử tổng thống Mỹ có ảnh hưởng ra sao tới Ukraine?
Trong bối cảnh cuộc bầu cử Mỹ 2024 sắp diễn ra, Ukraine đang theo dõi sát sao vì kết quả có thể quyết định số phận của nước này trong xung đột với Nga.
Phó Tổng thống Mỹ Kamala Harris bắt tay Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky hôm 26/9. Ảnh: Bloomberg.
Trong khi Phó Tổng thống Kamala Harris cam kết tiếp tục hỗ trợ quân sự và tài chính một cách mạnh mẽ cho Kiev, cựu Tổng thống Donald Trump lại cho rằng có thể nhanh chóng chấm dứt xung đột, nhưng không cung cấp chi tiết cụ thể. Dưới đây là hai kịch bản có thể xảy ra đối với Ukraine.
Kịch bản tốt nhất cho Ukraine
Theo Evelyn Farkas, giám đốc điều hành Viện McCain ở Mỹ, viễn cảnh lý tưởng nhất là bà Harris cùng đảng Dân chủ thắng toàn diện, nắm giữ cả Nhà Trắng và Quốc hội.
Trong trường hợp đó, Mỹ sẽ cung cấp hỗ trợ ổn định, bao gồm tài chính và vũ khí cho Ukraine, với mục tiêu giúp nước này “đạt được chiến thắng”.
Một yếu tố quan trọng khác trong kịch bản này là việc chọn lựa nhân sự trong chính sách đối ngoại của bà Harris. Ứng viên hàng đầu cho vị trí cố vấn an ninh quốc gia của bà Harris, Phil Gordon có thể thay đổi cách tiếp cận so với đội ngũ của Tổng thống Joe Biden.
Michael McFaul, cựu Đại sứ Mỹ tại Nga, cho rằng bà Harris và ông Gordon có thể sẽ không quá lo ngại về nguy cơ leo thang. Điều này có thể mở ra cơ hội để Ukraine sớm gia nhập NATO. Chính quyền Harris còn có thể mạnh tay cung cấp các vũ khí tiên tiến mà dưới thời Biden vẫn bị hạn chế.
Ngoài ra, bà Harris đã nhiều lần nhắc lại quan hệ thân thiết với Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky, đồng thời cam kết không đàm phán với Nga mà không có một thỏa thuận có lợi cho Ukraine. Điều này có thể là điểm tựa mạnh mẽ cho Kyiv để duy trì vị thế trong các cuộc đàm phán hòa bình trong tương lai.
Ukraine sẽ ra sao nếu ông Trump đắc cử?
Cựu Tổng thống Donald Trump gặp ông Zelensky hôm 27/9 ở New York (Mỹ). Ảnh: Global Images Ukraine.
Ngược lại, nếu ông Trump giành chiến thắng, đây có thể là viễn cảnh tồi tệ cho Ukraine. Ông Trump nhiều lần chỉ trích việc viện trợ cho Ukraine và đổ lỗi cho ông Zelensky về việc khơi mào xung đột. Kiev lo ngại ông sẽ rút Mỹ khỏi xung đột hoặc buộc Ukraine nhượng bộ Nga.
Các chuyên gia lo ngại, kế hoạch chấm dứt xung đột của ông Trump sẽ bao gồm việc Ukraine từ bỏ khoảng 20% lãnh thổ và từ bỏ tham vọng gia nhập NATO.
Sự trở lại của ông Trump cũng có thể làm thay đổi cách tiếp cận của Mỹ đối với NATO. Trong nhiệm kỳ đầu, ông Trump từng đe dọa rút Mỹ khỏi liên minh. Theo cựu cố vấn an ninh quốc gia Mỹ John Bolton, Washington rút khỏi NATO trong nhiệm kỳ thứ hai của Trump là “điều hoàn toàn có thể xảy ra”.
Điều này được cho là sẽ đòn giáng mạnh vào lợi ích của Mỹ và phương Tây, đặc biệt là khi Ukraine ngày càng phụ thuộc vào viện trợ từ Mỹ và Châu Âu.
Chuyên gia McFaul cảnh báo nếu ông Trump giành chiến thắng và dừng hỗ trợ Ukraine, Nga có thể nhân cơ hội này gia tăng sức ép. Elon Musk - một trong những tỷ phú ủng hộ ông Trump mạnh mẽ nhất là người được cho là có mối quan hệ mật thiết với Điện Kremlin. Ông Musk đã từng hạn chế quân đội Ukraine sử dụng dịch vụ vệ tinh Starlink. Điều này càng làm gia tăng lo ngại về việc Ukraine có thể bị Mỹ bỏ rơi hoàn toàn dưới thời ông Trump.
Trong khi một số người khác, bao gồm cựu Thủ tướng Anh Boris Johnson, vẫn lạc quan rằng ông Trump sẽ không từ bỏ Ukraine, nhiều quan chức và nhà phân tích cho rằng chiến thắng của bà Harris là sự đảm bảo tốt nhất cho tương lai của Ukraine trong xung đột.
Ứng viên tổng thống đảng Cộng hòa tỏ ra “rất tự tin” về cơ hội của mình trong cuộc bầu cử.
Nguồn: [Link nguồn]