Ngoại trưởng Mỹ đến Trung Quốc với ba ưu tiên hàng đầu
Đài BBC hé lộ 3 mục tiêu của Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken trong chuyến thăm Trung Quốc giữa lúc Washington không kỳ vọng kết quả đột phá.
Ngoại trưởng Blinken ngày 18-6 đã tới Bắc Kinh trong chuyến thăm Trung Quốc đầu tiên của một ngoại trưởng Mỹ sau gần 5 năm. Chuyến đi diễn ra sau khi ông Blinken hủy bỏ kế hoạch thăm Bắc Kinh hồi tháng 2 do căng thẳng liên quan khinh khí cầu do thám giữa Mỹ và Trung Quốc.
Giữa hai nước có nhiều vấn đề khiến họ quan tâm, bao gồm những bất đồng cấp cao cũng như các lĩnh vực hợp tác tiềm năng.
Đầu tiên và quan trọng nhất, chuyến thăm của ông Blinken là để thiết lập lại các tương tác ngoại giao dưới bất kỳ hình thức nào. Các quan chức Mỹ cho biết ông Blinken sẽ thúc đẩy việc thiết lập các kênh liên lạc mở để đảm bảo việc cạnh tranh với Trung Quốc không biến thành xung đột.
Trong một cuộc họp báo trước khi Ngoại trưởng Blinken đặt chân đến Bắc Kinh, ông Kurt Campbell, điều phối viên Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương của Nhà Trắng, nhận định bây giờ là thời điểm tốt để bàn thảo về vấn đề nêu trên nhằm làm giảm nguy cơ xung đột. Theo ông Campbell, hai bên cần cùng nhau làm việc, không thể để những bất đồng chia rẽ, cản trở hướng tới những ưu tiên toàn cầu.
Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken đến thủ đô Bắc Kinh - Trung Quốc ngày 18-6. Ảnh: Reuters
Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken tới thăm Trung Quốc trong bối cảnh quan hệ hai nước đang căng thẳng trên nhiều lĩnh vực. Ảnh: Reuters
Trước đó, trong cuộc điện đàm với Ngoại trưởng Antony Blinken hôm 14-6, Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Tần Cương nói rằng Mỹ nên "ngừng can thiệp vào công việc nội bộ của Trung Quốc và ngừng làm tổn hại đến chủ quyền, an ninh và lợi ích phát triển của Trung Quốc dưới danh nghĩa cạnh tranh".
Giới phân tích cho rằng xoa dịu xung đột thương mại sẽ là vấn đề quan trọng kế tiếp trong chuyến thăm của nhà ngoại giao hàng đầu Mỹ tới Trung Quốc.
Mối quan hệ của Tổng thống Mỹ Joe Biden với Trung Quốc bắt đầu không mấy suôn sẻ, một phần vì ông không hủy bỏ các biện pháp thương mại do người tiền nhiệm Donald Trump ban hành.
Trong một số lĩnh vực, ông Biden thậm chí còn siết chặt hơn, chẳng hạn việc Mỹ hạn chế xuất khẩu chip sang Trung Quốc nhằm duy trì ưu thế trong các công nghệ điện tử tiên tiến nhất.
Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken (trái) đến Bắc Kinh ngày 18-6. Ảnh: Reuters
Về phía Trung Quốc, Cơ quan Quản lý Không gian mạng Trung Quốc (CAC) thông báo cấm các đơn vị khai thác hạ tầng thông tin quan trọng trong nước mua sản phẩm của công ty sản xuất chip Mỹ do "rủi ro nghiêm trọng về an ninh mạng" và an ninh quốc gia.
Sau cùng, chuyến thăm Trung Quốc của ngoại trưởng Mỹ nhằm muốn ngăn chặn xung đột. Theo các chuyên gia, ông Blinken có thể nhắc lại cảnh báo rằng sẽ có những hậu quả nghiêm trọng nếu Trung Quốc hỗ trợ quân sự và tài chính cho Nga trong cuộc xung đột với Ukraine.
Theo ông Daniel Kritenbrink, trợ lý ngoại trưởng Mỹ phụ trách Đông Á, mục tiêu chính của Ngoại trưởng Blinken sẽ là các cuộc thảo luận "thẳng thắn, trực tiếp và mang tính xây dựng" với Trung Quốc.
Thế nhưng, ông Kritenbrink tỏ ra thận trọng về triển vọng đạt được tiến bộ.
Nguồn: [Link nguồn]
Iran chính thức mở cửa đại sứ quán của nước này ở Riyadh, thủ đô của Ả Rập Saudi vào ngày 6/6 - một bước tiến nữa của hai cường quốc ở Trung Đông nhằm chấm dứt...