Ngoài Quan Vũ, thần tài của người Trung Quốc còn có những ai?

Thần tài từ lâu đã trở thành một yếu tố văn hóa quan trọng trong đời sống ở nhiều nước châu Á. Người Trung Quốc, Ấn Độ, Thái Lan hay Hàn Quốc đều thờ cúng thần tài, dù mỗi nước có sự khác nhau nhất định. Riêng ở Trung Quốc, có ít nhất 5 nhân vật được người dân coi là Thần tài.

Người Trung Quốc trong ngày Vía Thần Tài năm 2017. Ảnh: Shutterstock

Người Trung Quốc trong ngày Vía Thần Tài năm 2017. Ảnh: Shutterstock

Tục thờ Thần tài ở Trung Quốc

Theo trang Chinese Fortune Calendar, người Trung Quốc chọn ngày mùng 5 Tết âm lịch là ngày Vía Thần tài (hay ngày Thần tài), khác với Việt Nam là mùng 10 Tết âm lịch. Nhiều gia đình làm lễ rước Thần tài vào nhà từ sáng sớm. Sau khi làm lễ, người Trung Quốc đốt pháo để "mời" Thần tài vào nhà. Đó là lý do mà nhiều du khách mới tới Trung Quốc thường nghe thấy tiếng pháo nổ lách tách vào sáng sớm mùng 5 Tết.

Nhiều cửa hàng mở cửa vào ngày này vì coi đây là ngày may mắn. Nhiều chủ cửa hàng đặt một chiếc bàn ở trước cửa ra vào rồi bày biện hoa quả, bánh kẹo, nến và các món ăn để thờ Thần tài. Nhiều ông chủ còn thuê cả đội múa lân, múa rồng đến khuấy động cho ngày khai xuân.

Một người đóng giả làm Thần tài sẽ xuất hiện và đi vào cửa hàng để lấy may. Chủ cửa hàng sẽ đáp lễ bằng phong bao lì xì.

Một người hóa trang thành Thần tài ở Trung Quốc. Ảnh: News.cn

Một người hóa trang thành Thần tài ở Trung Quốc. Ảnh: News.cn

Những ai được xem là Thần tài ở Trung Quốc?

Theo trang Chinese Fortune Calendar, người Trung Quốc có rất nhiều nhân vật được coi là Thần tài nhưng phổ biến nhất là 5 cái tên: Triệu Công Minh, Quan Vũ, Tỷ Can, Phạm Lãi, và Lưu Hải.

Triệu Công Minh

Triệu Công Minh được cho là vị thần tài có ảnh hưởng nhất ở Trung Quốc. Theo truyền thuyết, ông sở hữu nhiều phép thuật, có thể hô mưa, gọi gió và tạo ra sấm chớp. Triệu Công Minh còn cai quản việc kiểm soát bệnh dịch, quyết định số mệnh của nhiều người.

Trong tác phẩm Phong Thần Bảng, Khương Tử Nha đã phong cho Triệu Công Minh là Long Hổ Chính Nhất Huyền Đàn Chân quân và cai quản 4 vị thần: Chiêu Bảo Thiên Tôn Tiêu Thăng, Nạp Trân Thiên Tôn Tấn Bảo, Chiêu Tài Sứ Giả Đặng Cửu Công, Lợi Thị Tiên Quan Diêu Thiểu Tư.

Các vị thần này được cho là ban phước lộc, may mắn cho những người làm ăn buôn bán. Chức hiệu của 4 vị thần này đã thể hiện tất cả: Chiêu bảo (gọi vật quý), Nạp trân (thu vật báu), Chiêu tài (gọi tiền về), Lợi thị (buôn bán có lãi). Từ đó, dân gian Trung Quốc tôn 4 vị tiên này và Triệu Công Minh thành thần tài.

Trước đây, hình tượng Triệu Công Minh được xây dựng là nhân vật có gương mặt sạm đen, râu rậm, mặc áo giáp, đội mũ, tay cầm roi và thường ngồi trên lưng một con hổ đen. Sau đó, khi được tôn là thần tài, người dân đã thay đổi hình tượng của ông bằng cách thêm vàng bạc, châu báu quanh người ông.

Theo trang Chinese Fortune Calendar, Triệu Công Minh bị giết bằng những mũi tên bắn vào mắt và tim. Vì vậy, dân gian quan niệm ông là thần tài không có mắt và tim, sẽ giúp bất cứ ai trở nên giàu có.

Quan Vũ

Một thần tài khác khá phổ biến là Quan Vũ (Quan Vân Trường), vị tướng nổi tiếng của nhà Thục Hán, thời Tam Quốc (220 – 280, TCN). Ông được xây dựng với hình tượng là người mặt đỏ, râu dài, trang phục màu xanh lá và thường sử dụng thanh long đao nặng 40 kg.

Hình ảnh Quan Vũ

Hình ảnh Quan Vũ

Quan Vũ nổi tiếng là người chính trực, trung nghĩa, giỏi võ và đánh thắng nhiều trận, chém đầu vô số tướng địch. Sau thời nhà Minh và nhà Thanh, ngày càng nhiều doanh nhân tôn thờ Quan Vũ. Họ cho rằng, kinh doanh rất cần những người đáng tin cậy, trung thành, chính trực. Ngoài ra, các doanh nhân cũng muốn giành được nhiều hợp đồng như Quan Vũ luôn giành chiến thắng trước kẻ địch. Kể từ đó, Quan Vũ được giới kinh doanh xem là thần tài.

Theo trang Fengshui Mall, hình ảnh thường thấy của Quan Vũ là cầm thanh đại đao ngồi trên lưng ngựa hoặc đứng dưới đất. Hình ảnh Quan Vũ đứng thể hiện rõ sự oai phong, đầu đội trời chân đạp đất. Hình ảnh Quan Vũ ngồi trên lưng ngựa được cho là tượng trưng cho sự nhanh chóng và khả năng tăng tốc để vượt khó.

Tỷ Can

Tỷ Can, một nhân vật lịch sử nổi tiếng thời nhà Thương. Khi còn sống, ngoài việc cầu nguyện cho dân, ông còn tham gia tăng cường sức sản xuất lúc bấy giờ bằng một loạt biện pháp hiệu quả, làm giàu cho đất nước.

Trong tiểu thuyết Phong Thần Bảng, Tỷ Can là một viên quan trung thành và mưu trí dưới thời nhà Thương, đồng thời cũng là chú của hoàng đế.

Đát Kỷ, hoàng hậu của Trụ Vương (hoàng đế nhà Thương), là một con hồ ly 9 đuôi hóa thành. Tỷ Can đã giết nhiều đồng loại của Đát Kỷ nên hoàng hậu muốn trả thù. Đát Kỷ giả vờ bị ốm và nói với Trụ Vương rằng, phải có trái tim của Tỷ Can mới hồi phục được như trước. Trụ Vương mê muội cho gọi Tỷ Can vào cung và đòi trái tim. Tỷ Can lấy trái tim mình rồi quay người bước đi. Theo Phong Thần Bảng, trước khi vào cung, Tỷ Can được Khương Tử Nha, người có phép thần thông, báo trước hung tin. Khương Tử Nha làm phép giúp Tỷ Can dù mất tim vẫn có thể sống sót.

Tỷ Can sau đó rời cung điện và quyên góp tiền bạc, châu báu cho người dân. Vì không còn trái tim nên bất cứ ai muốn phát tài ông đều giúp đỡ. Cuối cùng, ông được phong là Thần tài trong tiểu thuyết Phong Thần Bảng.

Phạm Lãi

Theo dân gian Trung Quốc, một Thần tài khác là Phạm Lãi - trung thần của Việt Vương Câu Tiễn. Ông là một trong những vị thần hết lòng phò tá Việt Vương trong cơn hoạn nạn.

Sau khi giúp vua gây dựng cơ đồ, Phạm Lãi cùng gia đình về ở ẩn. Ông trở thành một nhà buôn thành đạt và giàu có nhưng không keo kiệt. Ông sẵn sàng giúp đỡ những người nghèo khó.

Chính việc giỏi kiếm tiền nhưng sẵn sàng từ bỏ tiền tài, danh vọng, địa vị và thường giúp đỡ người nghèo khó khiến ông được người đời tôn trọng và coi là Thần tài.

Lưu Hải

Theo dân gian Trung Quốc, Lưu Hải là một nhân vật có thật ở thời Ngũ Đại (907 - 960). Hình tượng Lưu Hải được xây dựng là một người hay cầm chuỗi tiền xu, được dùng để dụ Kim Thiềm (Cóc vàng) từ dưới nước lên bờ.

Tranh vẽ Lưu Hải và Kim Thiềm

Tranh vẽ Lưu Hải và Kim Thiềm

Ông cũng là đệ tử của Lã Động Tân (một vị trong Bát Tiên). Theo truyền thuyết, Lưu Hải thích chu du mọi nơi để trừ yêu phục ma, tạo phúc cho nhân gian.

Thời đó, Kim Thiềm là yêu tinh chuyên quấy phá, làm hại dân lành. Lưu Hải quyết ra tay thu phục. Với tài trí và mưu kế của mình, Lưu Hải khiến Kim Thiềm bị thương và phải khuất phục. Khi Lưu Hải hàng phục Kim Thiềm, nó bị thương nên chỉ còn 3 chân. Sau khi thu phục Kim Thiềm, Lưu Hải dùng xâu tiền để dụ nó đi khắp nơi nhả tiền giúp dân nghèo. Từ đó, người ta tôn thờ Lưu Hải là Thần tài, còn Kim Thiềm được gọi là Chiêu Tài Thiềm (Cóc gọi tiền tài).

Theo truyền thuyết, Chiêu Tài Thiềm thường xuất hiện vào đêm trăng tròn, nếu nó tới gần nhà ai, người đó sẽ có vinh hoa phú quý. Theo trang Fengshui Mall, Chiêu Tài Thiềm không chỉ được người dân Trung Quốc quan niệm là giúp thu hút tiền bạc mà còn được cho là có thể giúp làm tiêu tan chất độc và chữa bệnh.

Nguồn: [Link nguồn]

Làm thế nào Quan Vũ được nâng tầm trở thành huyền thoại ở Trung Quốc?

Võ Thánh Quan Vũ là một trong những nhân vật nổi tiếng nhất ở Trung Quốc, được người dân ở mọi tầng lớp khác nhau...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Nguyễn Thái - Tổng hợp ([Tên nguồn])
Tết Âm lịch năm 2021 Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN