Ngoài phổi, virus Corona có thể gây tổn thương 4 bộ phận khác trong cơ thể người
Vẫn còn nhiều điều các nhà khoa học chưa rõ về virus Corona nhưng có một điều rõ ràng là virus này có thể gây tổn thương đến nhiều cơ quan khác trong cơ thể người.
Bác sĩ xem ảnh chụp CT phổi của bệnh nhân ở Vũ Hán.
Virus Corona đã lây nhiễm tới hơn 67.000 người trên toàn cầu và khiến hơn 1.500 người chết, chủ yếu ở Trung Quốc.
Nếu dịch bệnh tiếp tục lây lan, không ai có thể biết virus Corona có thể trở nên nguy hiểm đến mức nào.
Nhưng chuyện gì xảy ra với cơ thể người bệnh nhiễm virus Corona? National Geographic mới đây đã có bài phân tích nêu rõ những cơ quan nội tạng bị tổn thương đầu tiên.
Lá phổi: “Vùng số không”
Đối với hầu hết các bệnh nhân, virus Corona bắt đầu lây lan từ phổi và kết thúc cũng ở phổi, vì chúng nằm trong nhóm các virus gây suy hô hấp.
Sau đại dịch SARS, WHO mô tả virus dạng này gây ra tổn thương ở phổi trong 3 giai đoạn: Sự nhân lên của virus, tăng phản ứng miễn dịch và phá hủy phổi. Người bệnh gặp triệu chứng như cúm mùa, bị sốt và ho, nặng hơn là viêm phổi, suy hô hấp và tử vong.
Không phải người bệnh nào cũng trải qua cả 3 giai đoạn. Các báo cáo ban đầu cho thấy virus Corona gây triệu chứng nhẹ với 82% số ca nhiễm. Số còn lại là các ca nghiêm trọng và đe dọa tính mạng.
Ngay khi xâm nhập vào cơ thể người, virus Corona lập tức xâm chiếm các tế bào phổi, bao gồm tế bào tạo chất nhầy và tế bào có lông mao.
Chất nhầy giúp phổi luôn ẩm ướt để tránh các mô khỏi mầm bệnh từ bên ngoài và các tế bào lông mao có tác dụng như dọn sạch các tác nhân đến từ bên ngoài.
Virus Corona đặc biệt ưa thích lây nhiễm trên các tế bào lông mao, tiêu diệt các tế bào này, làm tổn thương đường thở của bệnh nhân, Phó giáo sư Matthew B. Frieman, chuyên gia về virus Corona ở Đại học Marylands, Mỹ, nói.
Bệnh nhân nhiễm virus Corona sẽ rơi vào trạng thái khó thở. Đó là khi hệ miễn dịch đưa các tế bào bạch cầu đến phổi để diệt virus. Nhưng vì hệ miễn dịch chưa nhận dạng được virus Corona nên kết quả là các tế bào bạch cầu làm tổn thương đến tất cả mọi thứ, bao gồm cả tế bào khỏe mạnh.
Phần màu trắng (khoanh đó) cho thấy tổn thương của bệnh nhân nhiễm virus Corona.
“Bạn bị tổn thương nhiều hơn từ chính hệ miễn dịch”, Frieman nói. Đến giai đoạn 3, phổi của người bệnh bị tổn thương nặng nề, dẫn đến cái chết. Nếu may mắn sống sót, người bệnh phải sống cùng các tổn thương vĩnh viễn.
“Nhìn chung, phổi bệnh nhân nhiễm virus sẽ đầy chất dịch và khiến người bệnh không thể thở được”, Frieman nói. “Đó là lý do vì sao người ta tử vong”.
Hệ tiêu hóa
Đối với dịch SARS và MERS, một phần tư số bệnh nhân bị tiêu chảy và virus Corona mới có thể gây ra triệu chứng tương tự. Nhưng tại sao một loại virus xâm nhập vào đường hô hấp lại ảnh hưởng đến hệ tiêu hóa?
Đó là bởi virus hoạt động rất mạnh khi xâm nhập vào cơ thể người, trong quá trình nhân bản, chúng nhắm đến cả những tế bào bên ngoài hệ hô hấp, miễn là có thể xâm nhập được để sản sinh thêm nhiều virus hơn nữa.
Trong trường hợp của virus SARS và MERS, chúng xâm nhập đến tận tế bào trong ruột già và ruột non, gây ra tình trạng tiêu chảy. Virus Corona bắt nguồn ở Vũ Hán có đặc tính tương tự hay không thì vẫn chưa rõ ràng, Frieman nói. Nhưng có dấu hiệu cho thấy virus tồn tại trong phân người.
Thành mạch máu
Một nghiên cứu năm 2014 chỉ ra rằng 92% số bệnh nhân nhiễm virus MERS có biểu hiện viêm nhiễm bên ngoài phổi, thậm chí gây suy thận và trụy tim.
Cytokine là một dạng protein được hệ miễn dịch sử dụng để đánh dấu các mục tiêu cần loại trừ. Bạch cầu sau đó sẽ tìm đến tế bào có vấn đề được đánh dấu bằng Cytokine để tiêu diệt tế bào này, bảo vệ cơ thể.
Nhưng virus Corona khiến hệ miễn dịch phản ứng quá mức, tạo ra một lượng lớn cytokine bám vào vô số tế bào khỏe mạnh trong phổi. “Thay vì tiêu diệt các mục tiêu cụ thể, hệ miễn dịch đang giết chết mọi tế bào sống”.
Tình trạng này xảy ra cả ở bên ngoài lá phổi. Cytokine làm suy yếu thành mạnh máu, gây ra tình trạng “chảy máu ở ngay trong mạnh máu”, làm giảm nồng độ oxy cấp cho các tế bào ở khắp cơ thể.
Các nhà khoa học cho đến nay chưa hiểu rõ những bệnh nhân nào có nguy cơ bị tổn thương cả ở ngoài phổi, có thể là do tiền sử bị bệnh tim hay bệnh tiểu đường.
Tổn thương gan
Các bác sĩ an ủi lẫn nhau khi làm việc trong khu vực cách ly ở tỉnh Sơn Đông, Trung Quốc.
Các virus thuộc dạng virus Corona như SARS, MERS và cả COVID-19 đều có thể khiến cho người bệnh bị tổn thương gan, thậm chí gây suy gan.
“Virus ngấm vào máu có thể xâm nhập đến khắp mọi nơi trong cơ thể, đặc biệt là gan”, Anna Suk-Fong Lok, trợ lý trưởng khoa nghiên cứu lâm sàng tại Đại học Y Michigan và cựu chủ tịch Hiệp hội nghiên cứu về bệnh gan ở Mỹ, nói.
Gan có tác dụng thải độc cho cơ thể. Ở cơ thể người bình thường, các tế bào gan chết đi, thải ra một lượng enzyme vào máu. Các tế bào gan mới sẽ ngay lập tức thay thế tế bào cũ nên gan chịu được nhiều tổn thương.
Ở người nhiễm virus SARS và MERS, lượng enzyme trong máu tăng vọt, là dấu hiệu cảnh báo tổn thương gan. Lok nói các nhà khoa học chưa rõ virus Corona trực tiếp giết chết tế bào gan, hay gây tổn thương nhờ vào hệ miễn dịch.
Tổn thương thận
Cuối cùng, có khoảng 6% bệnh nhân nhiễm virus SARS và 25% bệnh nhân nhiễm virus MERS bị tổn thương thận cấp tính. Các nghiên cứu chỉ ra rằng các dạng virus Corona đều có thể làm điều tương tự. 91,7% số bệnh nhân nhiễm SARS bị suy thận dẫn đến kết cục tử vong.
Trong cơ thể người, thận đóng vai trò như màng lọc máu. Nhiều người nhiễm SARS có dấu hiệu virus xâm nhập đến cả ống thận, thông qua dòng máu.
Nhưng các nghiên cứu trước đây của các nhà khoa học chưa phát hiện khả năng virus Corona có thể tự nhân bản ở trong thận. Do đó, nguyên nhân gây suy thận là do huyết áp thấp, nhiễm trùng huyết hoặc rối loạn chuyển hóa.
Nhìn chung, virus Corona bắt đầu lây nhiễm ở phổi, gây suy hô hấp và trong một số trường hợp cụ thể, virus thông qua dòng máu gây tổn thương đến cả hệ tiêu hóa, gan và thận của bệnh nhân.
Tính đến ngày 12.2, đã có hơn 4.800 người nhiễm virus Corona khỏi bệnh và được xuất viện ở Trung Quốc và trên thế giới,...
Nguồn: [Link nguồn]