Nghiên cứu mới: Các biến chủng Covid-19 dễ phát tán trong không khí

Sự kiện: Tin tức COVID-19

Nghiên cứu mới còn chỉ ra rằng, khẩu trang y tế và khẩu trang vải có thể làm giảm lượng virus SARS-CoV-2 từ người bệnh truyền vào không khí, nhưng không ngăn được 100%.

Theo nghiên cứu mới, các biến chủng Covid-19 ngày càng dễ lây lan trong không khí. Ảnh minh họa: SUS

Theo nghiên cứu mới, các biến chủng Covid-19 ngày càng dễ lây lan trong không khí. Ảnh minh họa: SUS

Trang NDTV hôm 20/9 đưa tin, nghiên cứu mới, do các nhà khoa học tại Đại học Maryland (Mỹ) dẫn đầu, phát hiện ra rằng, virus SARS-CoV-2 đang tiến hóa theo hướng dễ lây lan trong không khí hơn. 

Kết quả của nghiên cứu mới, được công bố trên tạp chí Clinical Infectious Diseases (tạm dịch: Bệnh truyền nhiễm lâm sàng) hôm 14/9, cho thấy, những người nhiễm biến chủng Alpha (biến chủng tìm thấy đầu tiên ở Anh) thải ra không khí một lượng virus gấp 43 - 100 lần so với người nhiễm chủng virus ban đầu ở Vũ Hán. 

"Nghiên cứu mới nhất của chúng tôi cung cấp thêm bằng chứng về tầm quan trọng của việc nghiên cứu lây lan virus trong không khí", Don Milton, giáo sư tại Đại học Maryland, nói. 

"Chúng tôi biết rằng, biến chủng Delta đang hoành hành khắp thế giới có mức độ lây lan mạnh hơn cả biến chủng Alpha. Nghiên cứu của chúng tôi cho thấy, các biến chủng mới dễ lây lan trong không khí hơn các biến chủng cũ nhiều lần. Vì vậy, chúng tôi phải sử dụng hệ thống thông gió tốt hơn và đeo khẩu trang liên tục", giáo sư Milton nói thêm. 

Các nhà khoa học lưu ý rằng, lượng virus phát tán ra không khí của người nhiễm biến chủng Alpha nhiều hơn gấp 18 lần so với lượng virus có trong nước bọt của người đó. 

"Chúng tôi biết rằng, nước bọt của người nhiễm Covid-19 có một lượng virus rất lớn. Và khi người bệnh hắt hơi, các giọt bắn nhỏ sẽ bắn ra xung quanh và có thể gây lây nhiễm. Nghiên cứu của chúng tôi chỉ ra rằng, lượng virus ở các sol khí nhỏ trong hơi thở của bệnh nhân còn nhiều hơn trong các giọt bắn nước bọt", nghiên cứu sinh Jianyu Lai, một trong những tác giả chính của nghiên cứu, cho hay. 

Nghiên cứu mới còn cho thấy, khẩu trang vải và khẩu trang y tế giúp giảm một nửa lượng virus SARS-CoV-2 phát tán ra không khí xung quanh người bệnh. 

Để kiểm tra tác dụng của khẩu trang trong việc giảm lây lan virus giữa người với người, nghiên cứu đã đo lượng virus SARS-CoV-2 được thải ra không khí của người bệnh lúc đeo và không đeo khẩu trang. 

Các nhà khoa học phát hiện ra rằng, đeo khẩu trang giúp giảm 50% các sol khí nhỏ chứa virus trong không khí xung quanh người nhiễm. Tuy nhiên, khẩu trang vải và khẩu trang y tế không thể ngăn chặn hoàn toàn virus phát tán ra không khí. 

"Điều rút ra từ nghiên cứu là virus SARS-CoV-2 có thể được thải ra môi trường xung quanh qua hơi thở và ngày càng biến đổi theo hướng dễ lây lan hơn trong không khí. Việc đeo khẩu trang giúp giảm lượng virus phát tán ra không khí và giảm nguy cơ lây lan từ người khác", Jennifer German, đồng tác giả nghiên cứu mới, nói.

"Ngoài tiêm chủng, một số biện pháp khác như cải thiện hệ thống thông gió, tăng cường lọc và vệ sinh không khí bằng tia UV, đeo khẩu trang... sẽ rất hữu ích để bảo vệ mọi người khi tới công sở làm việc hoặc tham gia các sự kiện trong nhà", Jennifer nói thêm. 

Nghiên cứu mới: Chủng Delta ảnh hưởng thế nào tới người chưa tiêm vắc xin?

Một nghiên cứu mới ước tính rằng, biến chủng Delta làm tăng gấp đôi nguy cơ nhập viện của người chưa tiêm vắc xin...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Nguyễn Thái - Tổng hợp ([Tên nguồn])
Tin tức COVID-19 Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN