Nghị quyết ngừng bắn ở Gaza: Israel nổi giận với Mỹ
Trong 3 lần trước, Mỹ đã sử dụng quyền phủ quyết để hủy bỏ các nghị quyết của Liên Hợp Quốc về lệnh ngừng bắn ở Gaza. Nhưng lần này, Washington đã làm khác và vấp phải phản ứng từ phía đồng minh ở Trung Đông.
Đại sứ Mỹ tại Liên Hợp Quốc trong phiên họp tại trụ sở Liên Hợp Quốc ở thành phố New York ngày 25/3. Ảnh: Reuters
Ngày 25/3, chính quyền của ông Biden không phủ quyết nghị quyết ngừng bắn ở Gaza của Hội đồng Bảo An Liên Hợp Quốc. Việc Washington bỏ phiếu trắng, tạo điều kiện cho nghị quyết được thông qua.
Động thái của Mỹ thu hút sự chú ý lớn và được xem như một dấu hiệu cho thấy sự thất vọng ngày càng tăng của ông Biden với giới lãnh đạo Israel, vốn đang thúc đẩy chiến dịch quân sự ở Gaza.
Tuy nhiên, những người ủng hộ Palestine cho rằng, điều quan trọng là phải xem xét lại một cách cơ bản về sự hỗ trợ của Mỹ dành cho Israel thay vì chỉ dừng lại ở lời nói và hành động mang tính biểu tượng.
"Đó là một sự thay đổi. Tuy nhiên, sự thay đổi đó không ngăn được việc Mỹ vận chuyển vũ khí cho Israel. Đó mới là vấn đề quan trọng", nhà phân tích chính trị Adam Shapiro nói.
Động thái của Mỹ vấp phải phản ứng dữ dội từ Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu. Ông Netanyahu chỉ trích Washington vì không phủ quyết nghị quyết ngừng bắn của Liên Hợp Quốc.
Văn phòng của ông Netanyahu cáo buộc Washington làm tổn hại đến các nỗ lực quân sự của Israel ở Gaza, nhấn mạnh căng thẳng ngày càng gia tăng với ông Biden.
Mỹ - Israel bất đồng quan điểm
Giới chức Mỹ tuyên bố, nước này vẫn giữ nguyên chính sách của nước này ở Trung Đông, bất chấp động thái mới ở Liên Hợp Quốc.
"Việc không phủ quyết nghị quyết ngừng bắn không thể hiện sự thay đổi trong chính sách của nước Mỹ", John Kirby, cố vấn An ninh Quốc gia Nhà Trắng, tuyên bố ngày 25/3. "Chúng tôi luôn nhất quán trong việc ủng hộ lệnh ngừng bắn như một phần của thỏa thuận trả tự do cho con tin".
Tuy nhiên, đó không phải là cách ông Netanyahu hiểu. Thủ tướng Israel cho rằng, việc Washington bỏ phiếu trắng "rõ ràng là xa rời quan điểm nhất quán của Mỹ ở Hội đồng Bảo An kể từ đầu xung đột Israel - Hamas".
Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu. Ảnh: Reuters
Đáp trả động thái của Mỹ, ông Netanyahu lập tức hủy chuyến thăm của phái đoàn Israel tới thủ đô Washington, DC. Phái đoàn này có nhiệm vụ thảo luận về cách ngăn chặn một cuộc tấn công của Israel vào thành phố Rafah, nơi lánh nạn tương đối an toàn ở miền nam Gaza.
Israel trước đó dọa hủy chuyến đi nếu Mỹ không phủ quyết nghị quyết của Liên Hợp Quốc.
Chính quyền của ông Biden đã kêu gọi Israel không tiến hành một cuộc tấn công toàn diện vào Rafah, cảnh báo nếu điều đó xảy ra sẽ gây hại cho dân thường và càng khiến Israel bị cô lập. Trong bối cảnh đó, nhiều quan chức Mỹ coi chuyến đi của phái đoàn Israel (hiện đã bị hủy) là một ví dụ về nỗ lực của Washington nhằm kiềm chế xung đột.
Ngày 25/3, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ Matthew Miller mô tả động thái hủy bỏ chuyến đi của ông Netanyahu là "đáng ngạc nhiên và đáng tiếc".
Nhà phân tích Shapiro cho rằng, động thái của Thủ tướng Israel là một "gáo nước lạnh" đối với ông Biden. Ông Shapiro đặt dấu hỏi về việc Mỹ, một siêu cường, lại không thể gây sức ép với Israel, một đồng minh nhỏ hơn nhiều và đang phụ thuộc vào viện trợ của Washington.
Ý nghĩa nhưng "chưa đủ"
Nancy Okail, chủ tịch Trung tâm Chính sách Quốc tế (tổ chức tư vấn có trụ sở ở Mỹ), cho rằng, động thái của Mỹ ngày 25/3 là "có ý nghĩa" vì đã đưa chính sách của Mỹ đến gần hơn với lời tuyên bố ngừng xung đột.
"Tuy nhiên, hành động này đến quá muộn và vẫn chưa đủ", Al Jazeera dẫn lời ông Okail. "Washington cần thực hiện các hành động cụ thể để cho thấy chính quyền Mỹ nghiêm túc như thế nào trong việc hỗ trợ lệnh ngừng bắn và hòa bình lâu dài, cũng như việc đảm bảo viện trợ nhân đạo được cung cấp kịp thời, đầy đủ tới người dân Palestine. Một số hành động cụ thể mà Mỹ có thể cân nhắc là việc đánh giá liệu có nên tiếp tục gửi vũ khí cho Israel hay không".
Cho đến nay, các quan chức Mỹ vẫn loại trừ việc ra điều kiện khi duy trì viện trợ cho Israel.
Tổng thống Mỹ Joe Biden. Ảnh: Reuters
Khi xung đột Israel - Hamas chưa có dấu hiệu dừng lại, chính quyền Biden cho biết, đang nghiên cứu một giải pháp toàn diện cho cuộc xung đột, trong đó có đề xuất thành lập một nhà nước Palestine, cùng với các biện pháp đảm bảo an ninh cho Israel, đồng thời thiết lập quan hệ ngoại giao chính thức giữa Israel và các nước Ả Rập.
Tuy nhiên, ông Netanyahu đã thẳng thừng bác bỏ giải pháp 2 nhà nước, nhấn mạnh Israel phải duy trì kiểm soát an ninh ở Gaza.
"Quả bóng đang ở trong chân của chính quyền ông Biden. Và họ có nhiều lựa chọn", nhà phân tích chính trị Shapiro nói, đề cập đến các lựa chọn dừng viện trợ và dừng cung cấp vũ khí cho Israel. "Có những lựa chọn mà nếu chính quyền của ông Biden muốn sử dụng, họ sẽ nhận được sự ủng hộ rộng rãi từ công chúng Mỹ".
Phép thử với Mỹ Giới chức Mỹ kêu gọi chính phủ Israel bảo vệ dân thường Palestine và cho phép thêm viện trợ ở Gaza, nhưng đến nay Washington vẫn không đặt ra các điều kiện khi duy trì viện trợ cho Israel nhằm đạt được các mục tiêu này. Tariq Kenney-Shawa, một nhà nghiên cứu chính sách Mỹ ở tổ chức tư vấn Al-Shabaka (Palestine), cho rằng, phép thử thực sự về quan điểm của Mỹ là việc liệu nước này có cấp "danh sách vũ khí mong muốn" mà Israel dự kiến yêu cầu hay không. Bộ trưởng Quốc phòng Israel Yoav Gallant đang có chuyến công du ở Mỹ. Truyền thông Mỹ và Israel đều đưa tin, ông Gallant sẽ đưa danh sách vũ khí cụ thể mà Israel muốn dùng trong xung đột ở Gaza cho phía Mỹ. |
Nguồn: [Link nguồn]
Quan hệ Mỹ-Israel có dấu hiệu đi xuống trong thời gian qua, khi giới lãnh đạo hai nước liên tục bất đồng về cuộc xung đột đang diễn ra ở Gaza.