Nghi phạm tấn công bằng xe tải ở Đức thực ra là ai?
Kẻ tấn công bằng xe tải từng bị cảnh sát Đức theo dõi gắt gao nhưng vẫn trong tình trạng chưa trục xuất được vì thiếu giấy tờ.
Chân dung nghi phạm Amri.
Lệnh bắt khẩn cấp nghi can người Tunisia Anis Amri, 24 tuổi đã được Đức phát đi trên toàn châu Âu ngày hôm qua 21.12. Vụ tấn công làm ít nhất 12 người chết và hàng chục người khác bị thương. Amri được cho là có súng và rất nguy hiểm. Tên này có 6 tên gọi khác nhau và sở hữu 3 quốc tịch.
Theo Daily Mail, nghi phạm Amri đăng kí xin tị nạn chính trị ở Đức tháng 7.2015. Nguồn tin mật cho biết Amri đang có âm mưu tấn công khủng bố và y đã bị liệt vào danh sách theo dõi hàng đầu ở Đức.
Công tố viên liên bang Đức cũng đề xuất trao thưởng 100.000 euro cho bất kì thông tin nào giúp bắt giữ Amri. Trước khi bỏ trốn, người này mặc áo tối màu, đi giày màu sáng và đeo khăn quàng trắng.
Vụ tấn công đẫm máu khiến 12 người thiệt mạng và ít nhất 48 người bị thương.
Chính quyền cho biết họ tìm thấy chứng minh thư của Amri bên dưới ghế lái của chiếc xe tải gây án ở khu chợ Giáng sinh. Thomas de Maiziere, Bộ trưởng Nội vụ Đức nói rằng Amri đang bị truy lùng trên toàn châu Âu: “Chúng tôi đang điều tra theo mọi hướng có thể”.
Khi nộp đơn tị nạn chính trị, Amri bị từ chối vì chính quyền nghi ngờ hắn có liên hệ với nhiều tổ chức Hồi giáo cực đoan. Ngoài ra, tên này cũng dính líu tới mạng lưới Salafist của giáo sĩ Ahmad Abdelazziz. Giáo sĩ này bị bắt giữ hồi tháng 11 vừa qua vì nghi ngờ hỗ trợ và tuyển mộ binh lính cho khủng bố IS.
Ngoài ra, trong hồ sơ truy nã của Amri ghi rõ tên này đang bị tình nghi tuyển mộ người thực hiện một vụ tấn công đẫm máu và đang tìm cách mua súng hạng nặng ở Pháp. Từ tháng 3 tới tháng 9, cảnh sát Đức cũng nhận được thông tin Amri định ăn trộm ở một gia đình để lấy tiền mua vũ khí.
Tuy nhiên, nghi can người Tunisia đột nhiên biến mất khỏi “radar” của lực lượng an ninh từ tháng 11. Nguyên nhân được cho là thông tin cung cấp giữa địa bàn Amri cư trú và cảnh sát liên bang Đức không nhất quán khiến nghi phạm bỏ trốn thành công. Amri sống chủ yếu ở thành phố Berlin từ tháng 2.2016 tới nay và rất hay đổi địa điểm cư trú.
Sau khi đơn tị nạn bị từ chối, Amri không bị trục xuất ngay mà trong tình trạng “lơ lửng”. Nỗ lực trục xuất Amri về Tunisia không thành vì tên này không có giấy tờ cần thiết và chính quyền Tunisia cũng phủ nhận đây là công dân nước mình.
Naved B bị bắt và được thả sau đó 12 tiếng.
Trước đó, Đức buộc phải thả thanh niên 23 tuổi người Pakistan vì không có bằng chứng buộc tội. Cơ quan điều tra thẩm vấn 12 tiếng đồng hồ nhưng không có cơ sở kết luận Naved B là thủ phạm vụ tấn công đẫm máu.