Ngày Valentine, có nhất thiết nam phải tặng quà cho nữ?
Valentine (lễ Tình nhân) diễn ra vào ngày 14/2 hàng năm. Ngày lễ của các cặp đôi trên toàn thế giới được cho là bắt nguồn từ một vị thánh bí ẩn trong Công giáo, nhưng tục lệ trong ngày này ở mỗi nơi lại có sự khác nhau.
Nguồn gốc lễ Valentine có liên quan đến một vị thánh trong Công giáo (ảnh: History)
1. Nguồn gốc lễ Valentine
Theo History, nguồn gốc của lễ Valentine liên quan đến một vị thánh trong Công giáo. Tuy nhiên, có tới 3 người tên Valentine và Valentino được giáo hội Công giáo phong thánh.
Một trong những truyền thuyết phổ biến nhất là ngày Valentine được tổ chức nhân danh linh mục Valentino di Interamna. Ông sống vào khoảng thế kỷ thứ 3 ở Rome, dưới thời hoàng đế La Mã Claudius II.
Thời kỳ này, đế chế La Mã chứng kiến nhiều biến động và hỗn loạn. Claudius II là hoàng đế rất hiếu chiến. Ông ta tổ chức nhiều cuộc thanh trừng đẫm máu nhằm vào những thành bang không phục tùng và ép đàn ông phải nhập ngũ.
Khi quân số giảm dần, Claudius II cho rằng nguyên nhân là do nhiều người đàn ông còn lưu luyến vợ con. Ông ta ra lệnh cấm tổ chức tất cả đám cưới và lễ đính hôn.
Linh mục Valentino di Interamna là người phản đối lệnh cấm vô lý này. Ông bí mật tổ chức lễ kết hôn cho các cặp đôi trong nhà thờ của mình. Valentino di Interamna bị phát hiện và tống giam. Ông được cho là bị xử tử vào ngày 14/2/273.
Theo truyền thuyết, trước khi bị hành hình, Valentino di Interamna đã gửi một tấm thiệp mừng đến con gái của một viên quản ngục tốt bụng. Cô gái này bị mù lòa bẩm sinh nhưng được Valentino di Interamna chữa khỏi nhờ phép lạ.
Trong tấm thiệp, linh mục Valentino di Interamna viết dòng chữ “dal vostro Valentino”, tiếng Anh là “From your Valentine” (tạm dịch: “từ Valentine của bạn”). Cái chết của vị linh mục dũng cảm khiến người dân Rome thương tiếc. Ngày 14/2 sau đó được chọn làm ngày lễ Tình nhân nhằm vinh danh ông.
Có một truyền thuyết khác cho rằng người gửi thiệp mừng cho con gái của viên quản ngục là thánh Valentine từ Terni (thành phố cổ ở Italia, gần thành Rome).
Trước khi được phong thánh, Valentine là giám mục. Ông tham gia giải cứu những người bị hoàng đế Claudius II bắt giam nhưng không thành công. Giám mục Valentine bị Claudius II ra lệnh xử tử vào ngày 14/2.
Một giáo sĩ khác tên Valentine cũng được Công giáo phong thánh. Ông được cho là người tử vì đạo.
Từ Italia, ngày lễ Valentine dần nổi tiếng và được truyền bá khắp châu Âu. Ngày nay, lễ Valentine được tổ chức ở nhiều nước như Canada, Mexico, Anh, Pháp, Úc, Mỹ... Ở các nước châu Á như Việt Nam, Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Quốc… lễ Tình nhân cũng được chào đón.
Xuất hiện từ thế kỷ thứ 3, nhưng đến nay cụm từ “From your Valentine” vẫn còn khá phổ biến. Ở châu Âu và Mỹ, thay vì viết tên, nhiều người thường viết “From your Valentine” lên những tấm thiệp tình yêu.
Ở châu Âu và châu Mỹ, đàn ông thường là người tặng quà cho phụ nữ vào dịp Valentine (ảnh: Flaberry)
2. Ai cần tặng quà trong lễ Valentine ?
Theo Readers Digest, không có quy định cụ thể về việc ai sẽ tặng quà cho ai trong dịp Valentine. Tặng quà Valentine là hành động tự nguyện nhằm thể hiện tình cảm. Người nhận quà cũng không vì vụ lợi. Vì vậy, việc phái nam hay phái nữ chủ động tặng quà trong lễ Tình nhân không phải điều quan trọng.
Theo History, vì thánh Valentine là nam giới nên ở khu vực Bắc Mỹ và châu Âu, nam giới thường chủ động tặng quà phụ nữ. Truyền thống này đã có từ hàng trăm năm qua.
Ở Nhật Bản, vào ngày 14/2, phụ nữ sẽ tặng quà cho nam giới kèm lời chúc tình cảm. Đây cũng là dịp để các cô gái tỏ tình với người mình thương yêu. Đến ngày 14/3, các chàng trai sẽ tặng quà “đáp lễ”. Nếu đồng ý lời tỏ tình, họ cũng sẽ gửi thông điệp yêu thương tới cô gái.
Ở Việt Nam, phụ nữ hay nam giới là người tặng quà vào dịp Valentine đều được.
Ở Hàn Quốc, ngoài ngày 14/2 còn có ngày Valentine đen vào ngày 14/4, hay còn gọi là “Quốc tế độc thân”. Vào ngày này, những người độc thân thường tụ tập vui chơi và cùng nhau ăn món mỳ tương đen.
Người Trung Quốc ngoài lễ Valentine còn có lễ Thất tịch (7/7 âm lịch). Đây được cho là ngày lễ tình nhân của riêng Trung Quốc.
Thiệp, hoa hồng và socola là những món quà không thể thiếu trong lễ Tình nhân (ảnh: Winni)
3. Những món quà truyền thống trong dịp Valentine
Thiệp mừng là món quà lâu đời và phổ biến nhất trong dịp Valentine. Theo NPR, người Mỹ bắt đầu tặng cho nhau những tấm thiệp được làm thủ công từ những năm 1700.
Đến năm 1840, Esther A. Howland – nữ doanh nhân người Mỹ – đã sản xuất hàng loạt thiệp Valentine với mẫu mã đa dạng. Bà Howland giúp thiệp Valentine trở nên phổ biến khắp nước Mỹ và được mệnh danh là “Mẹ của lễ Tình nhân của Mỹ”.
Ở châu Âu, thiệp mừng Valentine trở nên phổ biến từ những năm 1900 nhờ sự phát triển của công nghệ in ấn. Trong thời kỳ người Âu – Mỹ còn ngại ngùng với việc bày tỏ tình cảm trực tiếp thì những tấm thiệp Valentine được xem là cách tuyệt vời để gửi gắm lời yêu thương.
Ngày nay, vẫn có khoảng 1 tỷ tấm thiệp Valentine được bán ra mỗi năm trong dịp lễ Tình nhân, theo NPR.
Hoa hồng đỏ và socola cũng là những món quà không thể thiếu trong dịp Valentine. Màu đỏ của hoa hồng tượng trưng cho tình yêu và sự đam mê mãnh liệt. Hoa hồng cũng là biểu tượng của Aphrodite – nữ thần của tình yêu và sắc đẹp trong thần thoại Hy Lạp, theo Reuters.
Vị ngọt và đắng của socola tượng trưng cho những cảm xúc đặc biệt trong tình yêu. Ở châu Âu, socola (loại kẹo kết hợp giữa bột cacao, đường và sữa) từng được xem là món ăn quý và chỉ được dùng trong những dịp đặc biệt như Valentine. Người Aztec (sống ở vùng Trung Mỹ) coi socola như một loại thuốc giúp tăng ham muốn và cải thiện sức khỏe.
Cơ quan Tình báo Trung ương Mỹ (CIA) đã khiến không ít người dùng mạng xã hội cảm thấy hơi rùng mình khi đăng tải một bài thơ “lãng mạn” nhân ngày lễ Tình nhân.
Nguồn: [Link nguồn]