Ngày đầu tiên của đợt di cư lớn nhất thế giới năm nay diễn ra như thế nào?
Kỳ nghỉ Tết kéo dài 40 ngày của Trung Quốc (Xuân Vận), đợt di cư lớn nhất thế giới, chính thức bắt đầu hôm 17/1 với tâm thế thận trọng, trong bối cảnh các ca nhiễm Covid-19, có cả biến thể Omicron, xuất hiện ở ít nhất 10 tỉnh thành và khu vực ở nước này.
Nhân viên nhà ga Quý Dương, tỉnh Quý Châu, tặng quà năm mới cho hành khách hôm 17/1. Ảnh: Tân Hoa xã
Khi chuyến tàu đầu tiên rời ga xe lửa Tây Bắc Kinh lúc 5h34 sáng 17/1, thủ đô của Trung Quốc chính thức bước vào kỳ Xuân Vận.
Theo ghi nhận của phóng viên Thời báo Hoàn cầu tại ga Tây Bắc Kinh, hành khách - chủ yếu là sinh viên và lao động từ tỉnh ngoài - đem theo hành lý và đi vào ga theo trật tự, không có tình trạng chen lấn xô đẩy.
Truyền thông địa phương đưa tin, lưu lượng hành khách trong ngày đầu tiên của kỳ Xuân Vận khá ổn định tại các ga tàu ở các thành phố khác, không có tình trạng xếp hàng dàng nối đuôi nhau như những năm trước.
Không còn tình trạng chen lấn, xô đẩy trong ngày đầu của kỳ Xuân Vận năm nay. Ảnh: Thời báo Hoàn cầu - Tân Hoa xã
Bị ảnh hưởng bởi các ổ dịch xuất hiện trong nước, tàu hỏa đến và đi từ các vùng có dịch đã bị tạm dừng hoạt động hoặc giảm chuyến. Nhiều người đã chọn ở lại ăn Tết tại nơi làm việc. Một số thành phố đã trao quà hoặc thưởng tiền cho những người lựa chọn không về quê ăn Tết.
Theo Hoàn cầu, ga xe lửa Tây Bắc Kinh sẽ đưa đón 3 triệu hành khách trong toàn bộ kỳ Xuân Vận, trung bình mỗi ngày tiếp đón khoảng 75.000 khách. Ba nhà ga lớn ở thành phố Thượng Hải dự kiến có khoảng 174.000 lượt đi lại trong ngày đầu tiên của kỳ Xuân Vận.
Phòng chống dịch bệnh vẫn là ưu tiên hàng đầu của kỳ Xuân Vận lần này. Các mã sức khỏe và khẩu trang là những thứ thiết yếu khi tham gia hệ thống giao thông công cộng ở Trung Quốc.
Ghi nhận của báo chí địa phương cho thấy, các công nhân nhà ga xe lửa Tây Bắc Kinh đã tăng tần suất khử trùng trên tàu và nhà ga, bao gồm cả hệ thống điều hòa thông khí và các phòng chờ. Ngoài ra, 5 con robot khử khuẩn tự động cũng được triển khai tại hành lang chính của nhà ga.
Robot khử khuẩn hoạt động tại ga Tây Bắc Kinh. Ảnh: Tân Hoa xã
Tại ga xe lửa Hongqiao ở thành phố Thượng Hải, phóng viên của Hoàn cầu ghi nhận các công nhân cầm theo tấm biển nhắc nhở hành khách đeo khẩu trang đúng cách trong suốt chuyến đi và giữ khoảng cách an toàn với mọi người.
Hôm 17/1 cũng là ngày đầu tiên người dân Trung Quốc có thể mua vé tàu hỏa cho đêm Giao thừa. Cảnh tượng người dân tranh giành vé như các năm trước hiếm thấy ở năm nay. Dữ liệu từ Qunar - một công ty du lịch trực tuyến của Trung Quốc - cho thấy, chỗ ngồi trên các chuyến tàu đến các địa điểm nổi tiếng đều còn ghế hôm 17/1.
Theo Bộ Giao thông Vận tải Trung Quốc, ước tính có khoảng 24,89 triệu lượt di chuyển ghi nhận trên cả nước hôm 17/1.
Tổng cộng 280 triệu lượt đi của hành khách tàu hỏa được kỳ vọng trong thời gian cao điểm đi lại của kỳ Xuân Vận, theo các sở giao thông vận tải.
Cục Hàng không Dân dụng Trung Quốc (CAAC) cho biết, khoảng 600.000 chuyến bay chở khách đã được lên lịch trình cho kỳ Xuân Vận năm nay, và khoảng 20.000 chuyến bay bổ sung luôn sẵn sàng mọi lúc. Trung Quốc kỳ vọng có khoảng 35 triệu lượt di chuyển bằng máy bay - tương đương với con số năm ngoái.
Hơn 1,18 tỷ lượt di chuyển dự kiến diễn ra trên khắp Trung Quốc trong thời gian cao điểm 20 ngày của kỳ Xuân Vận, tăng 35,6% so với cùng kỳ năm ngoái. Tuy nhiên, do nguy cơ bùng phát ổ dịch Covid-19 vẫn hiện hữu, còn nhiều bất ổn cho kỳ Xuân Vận năm nay.
Nếu một đợt bùng phát xảy ra, dịch vụ đường sắt lập tức bị tạm dừng hoặc giảm bớt. Các chuyến bay cũng phải điều chỉnh linh hoạt để ứng phó, theo các quy định chống dịch gần nhất.
Người dân Trung Quốc bắt đầu kỳ Xuân Vận trong bối cảnh lo ngại về dịch bệnh lây lan. Ảnh: Tân Hoa xã
Wang Guangfa, một chuyên gia về hô hấp tại Bệnh viện số 1 - Đại học Bắc Kinh, chia sẻ với Hoàn cầu rằng, đợt Xuân Vận năm nay diễn ra trong bối cảnh có những ổ dịch lẻ tẻ như năm ngoái. Lưu lượng hành khách khổng lồ chắc chắn sẽ làm tăng nguy cơ lây lan. Tuy nhiên, khả năng bùng phát diện rộng là rất thấp vì các biện pháp chống dịch được ưu tiên hàng đầu.
Bị ảnh hưởng bởi các ổ dịch lẻ tẻ, không ít người Trung Quốc không thể trở về quê và chấp nhận ở lại ăn Tết nơi đất khách quê người.
Nhiều thành phố như Bắc Kinh, Thiên Tân hay các tỉnh như Hà Nam, Giang Tô, khu tự trị Nội Mông, đã kêu gọi lao động tỉnh khác ở lại ăn Tết. Nhiều thành phố cho biết sẽ hỗ trợ tiền mặt hoặc phiếu giảm giá cho lao động nhập cư lựa chọn ở lại.
Tính tới ngày 17/1, 10 tỉnh thành và khu vực ở Trung Quốc đã ghi nhận có ca nhiễm Covid-19. Trong đó, 8 khu vực và 6 tỉnh đã phát hiện có ca nhiễm biến thể Omicron, rất dễ lây lan.
Nguồn: [Link nguồn]
Trung Quốc bước vào đợt nghỉ Tết kéo dài 40 ngày (Xuân Vận) bắt đầu từ hôm 17/1. Xuân Vận - đợt di cư lớn nhất thế...