Ngao Bái quyền lực nghiêng trời, vì sao lại bại dưới tay hoàng đế Khang Hi “non nớt”?

Trong mắt Ngao Bái, hoàng đế Khang Hi còn quá non nớt để đối đầu với ông ta.

Lên ngôi từ khi còn nhỏ, Khang Hi bị Ngao Bái chèn ép (ảnh từ phim truyền hình Trung Quốc)

Lên ngôi từ khi còn nhỏ, Khang Hi bị Ngao Bái chèn ép (ảnh từ phim truyền hình Trung Quốc)

Năm 1661, Khang Hi mới 8 tuổi đã lên ngôi hoàng đế. Trước mặt ông là vô vàn thử thách, nhiều thế lực âm mưu lật đổ ngai vàng.

1. Diệt trừ Ngao Bái

Ngay từ khi còn nhỏ, Khang Hi đã tỏ ra thông minh, ham học hơn người. Biểu hiện của ông khiến Thuận Trị (cha của Khang Hi) rất hài lòng.

Lên 5 tuổi, Khang Hi mắc bệnh đậu mùa - căn bệnh vào thời đó bị coi là vô phương cứu chữa. Dịch đậu mùa thời đó liên tục bùng phát ở Bắc Kinh khiến nhiều người tử vong. Khang Hi may mắn khỏi bệnh, khiến Thuận Trị càng thấy ấn tượng và cho rằng ông là “điềm lành”, theo Thanh sử.

Khi Khang Hi 6 tuổi, hoàng đế Thuận Trị gọi ông và các anh em tới hỏi chí hướng của từng người (Thuận Trị có 4 con trai). Trong khi những người khác không trả lời được, Khang Hi đáp: “Đợi sau này lớn lên sẽ học hỏi theo phụ hoàng”. Thuận Trị lấy làm đắc ý, quyết tâm chọn Khang Hi làm người kế vị.

Năm 1661, Thuận Trị chết vì bệnh đậu mùa. Ngôi vị được truyền lại cho Khang Hi.

Một số tư liệu lịch sử mô tả Khang Hi lúc mới lên ngôi có thân hình cao ráo, cân đối, đôi mắt to, khuôn mặt sáng láng nhưng có một vài vết sẹo do bệnh đậu mùa để lại, theo Sohu.

Khi Khang Hi vừa lên ngôi, Hiếu Trang Hoàng Thái hậu (bà nội của Khang Hi) hỏi ông muốn làm hoàng đế ra sao. Khang Hi đáp: “Chỉ mong thiên hạ thái bình, an dân lạc nghiệp”. Đây là lời lẽ hiếm có từ một đứa trẻ mới 8 tuổi.

Theo thông lệ nhà Thanh, hoàng đế mới lên ngôi sẽ có 4 đại thần phụ chính - những người được chỉ định hỗ trợ nhà vua lo chính sự. 4 đại thần phụ chính của Khang Hi là Ngao Bái, Sách Ni, Át Tất Long và Tô Khắc Tát Cáp, tất cả đều là người Mãn. Trong đó, Ngao Bái là người có quyền lực lớn nhất.

Khang Hi dùng kế lạ, bắt giam Ngao Bái (ảnh từ phim truyền hình Trung Quốc)

Khang Hi dùng kế lạ, bắt giam Ngao Bái (ảnh từ phim truyền hình Trung Quốc)

Thanh sử chép, Ngao Bái từ nhỏ đã nổi tiếng khỏe mạnh, tinh thông binh pháp, dũng cảm thiện chiến, giỏi bắn cung, cưỡi ngựa. Ông là khai quốc công thần của nhà Thanh, từng lập chiến công bắt sống 2 đại tướng nhà Minh là Hồng Thừa Trù và Tổ Đại Thọ.

Năm 1643, vua Mãn Thanh là Hoàng Thái Cực qua đời. Em trai ông là Đa Nhĩ Cổn tranh giành ngôi vua với Hào Cách, con trai trưởng của Hoàng Thái Cực. Ngao Bái là đại tướng của Mãn Thanh đã ra sức phản đối Đa Nhĩ Cổn lên ngôi. Hào Cách sau đó bị Đa Nhĩ Cổn ám hại. Dưới sự phò tá của Ngao Bái và nhiều trung thần, Thuận Trị (con trai thứ 9 của Hoàng Thái Cực) được lập làm vua.

Tương truyền, Ngao Bái từng dùng kiếm kề cổ Đa Nhĩ Cổn, ép ông ta thề rằng sẽ không tranh giành ngôi vị.

Dưới thời Thuận Trị, Ngao Bái giữ chức Cửu môn Đề đốc, nắm quyền trị an trong kinh thành Bắc Kinh. Ông cũng là thủ lĩnh của Chính Hồng kỳ (cánh quân mạnh nhất trong 8 cánh quân của nhà Thanh), Thanh sử chép.

Cậy công lớn, Ngao Bái thường tỏ ra ngang tàng, coi thường hoàng đế nhỏ Khang Hi.

Năm 1666, Ngao Bái tự ý giết quan Tổng đốc tỉnh Sơn Đông là Chu Xương Tô mà không hỏi ý Khang Hi. Hành động này đã chọc giận 3 phụ chính đại thần còn lại, nhưng chẳng ai dám lên tiếng.

Ngao Bái chủ trương chỉ dùng người Mãn làm quan, kỳ thị người Hán. Điều này đi ngược lại chính sách “Mãn – Hán hòa hợp” của Khang Hi. Phe cánh các quan lại người Mãn ủng hộ Ngao Bái rất đông. Khang Hi bề ngoài không phản đối, nhưng âm thầm tìm cách diệt trừ Ngao Bái.

Theo Qulishi, nhằm khiến Ngao Bái chủ quan, Khang Hi phong ông ta làm Nhất đẳng công - tước vị cao nhất mà một người không thuộc dòng dõi hoàng gia được phong. Ngao Bái rất đắc ý vì điều này.

Lấy cớ đánh dẹp phản loạn, Khang Hi điều bớt các võ tướng trung thành với Ngao Bái đi xa. Bản thân ông cũng giả vờ ham mê tửu sắc, thường bày trò vui chơi trong cung.

Khang Hi lập một đội thị vệ riêng, gồm toàn những người trẻ tuổi. Ngày ngày ông cùng các thị vệ luyện tập đấu vật, võ nghệ. Ngao Bái cho rằng đây chỉ là “trò con nít”.

Năm 1669, Ngao Bái vào cung, Khang Hi lệnh cho đội thị vệ thân tín xông vào bắt giữ. Ngao Bái không địch nổi nhiều người, bị giam vào ngục. Khang Hi vạch 30 tội lớn của Ngao Bái, cách hết chức tước.

Vì có công lớn với các đời vua trước, Ngao Bái được Khang Hi tha chết, nhưng những kẻ thân tín của ông ta đều bị xử tử. Không lâu sau khi bị giam, Ngao Bái chết trong ngục. Khang Hi 16 tuổi chính thức nắm quyền điều hành triều đình, theo Thanh sử.

Khang Hi nhiều lần tự cầm quân, đánh bại các thế lực phản loạn (ảnh từ phim truyền hình Trung Quốc)

Khang Hi nhiều lần tự cầm quân, đánh bại các thế lực phản loạn (ảnh từ phim truyền hình Trung Quốc)

2. Diệt trừ Ngô Tam Quế

Theo Sohu, quân Mãn Châu có thể lật đổ nhà Minh là do nhiều tướng lĩnh nhà Minh làm phản. Sau khi chinh phục Trung Hoa, nhà Thanh phong tước “vương” cho 3 hàng tướng nhà Minh là Ngô Tam Quế (trấn thủ Vân Nam), Thượng Khả Hỷ (trấn thủ Quảng Đông) và Cảnh Trọng Minh (trấn thủ Phúc Kiến).

Trong đó, lực lượng của Ngô Tam Quế là hùng mạnh nhất. Năm 1643, ông ta cũng chính là người cho mở cửa Sơn Hải Quan (một trong những cửa ải lớn nhất thuộc Vạn Lý Trường Thành) để quân Mãn Châu tràn vào Trung Hoa.

3 viên hàng tướng nhà Minh nắm giữ binh lực lớn bị Khang Hi coi là “cái gai trong mắt”. Ông quyết tâm loại bỏ họ để củng cố sự cai trị của nhà Thanh.

Năm 1673, Thượng Khả Hỷ dâng tấu xin nghỉ vì tuổi già và muốn con trai là Thượng Chi Tín nắm giữ binh quyền ở Quảng Đông. Khang Hi cho phép Thượng Khả Hỷ nghỉ, nhưng không cho Thượng Chi Tín kế chức, theo Thanh sử.

Quân Thanh đánh bại quân phiến loạn vùng Vân Nam (tranh: Sohu)

Quân Thanh đánh bại quân phiến loạn vùng Vân Nam (tranh: Sohu)

Động thái của Khang Hi khiến Ngô Tam Quế bất mãn. Năm 1673, Ngô Tam Quế lấy danh nghĩa “phục Minh diệt giặc”, hô hào 2 tỉnh Quảng Đông và Phúc Kiến cùng chống nhà Thanh. Thượng Chi Tín và Cảnh Tinh Trung (cháu trai Cảnh Trọng Minh) nổi dậy hưởng ứng. Tuy nhiên, lực lượng chống Thanh chính vẫn là Ngô Tam Quế. Sử nhà Thanh gọi sự kiện này là “Loạn Tam phiên”.

Lo sợ quân phiến loạn đánh đến Bắc Kinh, nhiều đại thần cho rằng, nên xử tử một số viên quan có tư tưởng “chống Minh” để tạm hòa hoãn với Ngô Tam Quế. Khang Hi bác bỏ quan điểm này. Ông đứng ra làm tổng chỉ huy chiến dịch chống “Loạn Tam phiên”.

Để chia rẽ lực lượng quân phiến loạn, Khang Hi ra chiếu chấp thuận cho Thượng Chi Tín và Cảnh Tinh Trung tiếp tục giữ tước vương và nắm quyền ở Quảng Đông, Phúc Kiến. Thượng Chi Tín và Cảnh Tinh Trung tạm thời thần phục.

Liên minh với Quảng Đông và Phúc Kiến tan rã khiến lực lượng Vân Nam của Ngô Tam Quế nhanh chóng suy yếu. Ông ta cũng không được đông đảo người Hán ủng hộ vì mang tiếng là phản thần nhà Minh.

Tranh vẽ Khang Hi (tranh: Sohu)

Tranh vẽ Khang Hi (tranh: Sohu)

Năm 1677, Ngô Tam Quế để thua một trận lớn ở Vân Nam. Năm 1678, quân Thanh tiếp tục thắng trận ở Thiểm Tây. Tướng lĩnh dưới quyền Ngô Tam Quế tỏ ra yếu kém hơn hẳn so với những viên tướng người Mãn Châu (vốn quen chinh chiến). Sau trận thua ở Thiểm Tây, nhiều viên tướng của Ngô Tam Quế ra đầu hàng.

Cùng năm 1678, Ngô Tam Quế chết. Ngô Thế Phan – cháu Ngô Tam Quế – tiếp tục những nỗ lực yếu ớt cuối cùng chống Thanh. Năm 1680, Khang Hi chia quân làm 3 cánh, tấn công toàn bộ vùng Vân Nam. Ngô Thế Phan sợ hãi phải uống thuốc độc chết, Thanh sử chép.

Sau khi bình định Vân Nam. Khang Hi cũng trừng trị 2 viên tướng từng nổi dậy làm phản là Thượng Chi Tín và Cảnh Tinh Trung.

Ngoài dẹp “Loạn tam phiên”, trong sự nghiệp cai trị của mình, Khang Hi cũng thu hồi đất Đài Loan (do phiến quân của Trịnh Thành Công kiểm soát), đánh bại Nga, Mông Cổ, ép Triều Tiên phải thần phục. Trong chiến dịch chống Mông Cổ để bảo vệ tỉnh Hắc Long Giang, Khang Hi đã 3 lần tự cầm quân ra trận. Tất cả trận đánh do ông chỉ đạo đều thắng lợi, theo Qulishi.

Tranh vẽ cảnh hoàng đế nhà Thanh tuần du Giang Nam (tranh: Sina)

Tranh vẽ cảnh hoàng đế nhà Thanh tuần du Giang Nam (tranh: Sina)

Ngoài tài năng quân sự, Khang Hi cũng là hoàng đế giỏi trị quốc. Ông chủ trương thực hiện chính sách “Mãn – Hán hòa hợp”, trọng dụng nhiều quan lại người Hán. Khang Hi cũng cho thi hành nhiều chính sách tiến bộ, nhằm đưa ruộng đất về tay nông dân và giảm nhẹ sưu thuế.

Khang Hi đặc biệt căm ghét quan lại tham nhũng. Ông đề cao sự liêm khiết và tính giản dị. Khang Hi 6 lần tuần du vùng Giang Nam (các tỉnh phía Nam Trung Quốc). Trong các lần tuần du, ông chú trọng tu sửa đê điều và trừng trị những quan lại tham nhũng. Các viên quan dâng lên sản vật, mỹ nữ đều bị Khang Hi trách phạt. Đây là điểm rất khác so với Càn Long (cháu nội Khang Hi) – người cũng từng 6 lần tuần du Giang Nam, trang chuyên về lịch sử Wenshigu đánh giá.

Khang Hi cai trị nhà Thanh 61 năm (Càn Long không dám vượt qua số năm tại vị này). Ông thể hiện tài năng ngay từ khi còn nhỏ và được giới nghiên cứu lịch sử đánh giá là một trong những hoàng đế “thần đồng”, vĩ đại nhất lịch sử Trung Quốc.

Hoàng đế nhà Minh thác loạn “không ai bằng”, nhưng trị quốc gây bất ngờ

Lên ngôi từ năm 14 tuổi, những hành động kỳ lạ của vị hoàng đế thích nuôi động vật hoang dã này đến nay vẫn gây tranh cãi trong giới sử gia Trung Quốc. Nhiều người gọi...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Vương Nam – tổng hợp ([Tên nguồn])
Bí ẩn lịch sử thế giới Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN