Ngân hàng Thế giới lạc quan về kinh tế Việt Nam
Báo cáo mới nhất được Ngân hàng Thế giới (WB) công bố ngày 27-9 dự báo kinh tế Việt Nam sẽ tăng trưởng 7,2% năm 2022 - tăng so với mức 5,3% đưa ra hồi tháng 4.
Theo trang Nikkei Asia, đây được xem là mức tăng trưởng cao nhất tại khu vực Đông Á và Thái Bình Dương (không tính đến Nhật Bản, Hàn Quốc và CHDCND Triều Tiên). Mức tăng trưởng của cả khu vực này được dự báo là 3,2%, giảm so với con số 5% đưa ra trước đó.
Theo WB, tăng trưởng của khu vực Đông Á và Thái Bình Dương chịu tác động từ sự suy yếu của kinh tế Trung Quốc. Nếu không tính nền kinh tế lớn thứ hai thế giới, khu vực này dự kiến tăng trưởng 5,3%.
Theo trang The Guardian, chính sách không khoan nhượng với COVID-19 và cuộc khủng hoảng thị trường nhà ở khiến WB hạ dự báo tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc xuống còn 2,8%. Đây là lần đầu tiên con số này của Bắc Kinh được dự báo thấp hơn phần còn lại của khu vực kể từ năm 1990.
Ngân hàng Thế giới vừa nâng dự báo tăng trưởng kinh tế Việt Nam. Trong ảnh là một nhà máy lắp ráp xe ở TP Hải Phòng. Ảnh: Reuters
Cũng theo báo cáo của WB, dự báo tăng trưởng kinh tế dành cho Indonesia là không đổi (5,1%). Tuy nhiên, con số này đối với Malaysia, Philippines, Thái Lan đều tăng, lần lượt lên 6,4%; 6,5% và 3,1%.
Ngược lại, dự báo tăng trưởng của Lào và Mông Cổ bị giảm do lạm phát, lãi suất cao và đồng nội tệ yếu ảnh hưởng tiêu cực đến sức mua và khả năng trả nợ của hai nước này. Tương tự Trung Quốc, theo WB, kinh tế Lào và Mông Cổ đều tăng trưởng dưới 3% trong năm nay. Tuy nhiên, cả 3 nền kinh tế này được kỳ vọng phục hồi trong năm 2023.
WB nhận định tăng trưởng ở nhiều nước tại khu vực Đông Á và Thái Bình Dương được thúc đẩy bởi những yếu tố như: nhu cầu trong nước phục hồi, các biện pháp hạn chế liên quan COVID-19 được nới lỏng và xuất khẩu tăng trưởng. "Quá trình phục hồi kinh tế đang diễn ra ở hầu hết quốc gia tại khu vực Đông Á và Thái Bình Dương" - Phó Chủ tịch WB Manuela V. Ferro đánh giá.
Dù vậy, WB cảnh báo kinh tế khu vực này có thể gặp khó bởi nhu cầu toàn cầu sụt giảm, nợ gia tăng và sự phụ thuộc vào các biện pháp kinh tế ngắn hạn để đối phó tình trạng giá lương thực và nhiêu liệu leo thang. Cụ thể, tăng trưởng kinh tế toàn cầu chậm lại đang dần làm giảm nhu cầu về các mặt hàng xuất khẩu của khu vực Đông Á và Thái Bình Dương.
Lạm phát bên ngoài tăng khiến lãi suất tăng theo, qua đó làm cho dòng vốn chạy khỏi khu vực và khiến đồng tiền mất giá tại một số quốc gia. Những diễn biến này làm tăng gánh nặng trả nợ và ảnh hưởng xấu đến các quốc gia bước vào đại dịch với gánh nặng nợ cao.
Ông Aaditya Mattoo, nhà kinh tế trưởng khu vực Đông Á và Thái Bình Dương của WB, cho rằng các nhà hoạch định chính sách đang phải đối mặt với lựa chọn khó khăn giữa đối phó lạm phát và hỗ trợ phục hồi kinh tế. Theo chuyên gia này, việc thực thi những chính sách tốt hơn về lương thực, nhiên liệu và tài chính sẽ vừa thúc đẩy tăng trưởng vừa phòng chống lạm phát.
Trong diễn biến đáng chú ý, Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) ngày 27-9 công bố kế hoạch cung cấp ít nhất 14 tỉ USD trong giai đoạn 2022-2025 nhằm giúp đối phó khủng hoảng lương thực ở châu Á - Thái Bình Dương. “Phản ứng của chúng tôi sẽ mang tính toàn diện, tập trung vào cả khía cạnh trước mắt và lâu dài của vấn đề an ninh lương thực” - Chủ tịch ADB Masatsugu Asakawa khẳng định. |
Nguồn: [Link nguồn]
Giám đốc Điều hành của WEF đánh giá Việt Nam là một bộ phận quan trọng của thương mại thế giới và chuỗi cung ứng toàn cầu; cho rằng Việt Nam không chỉ đạt những thành...