Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB): Dự báo tăng trưởng kinh tế Việt Nam năm 2022 đạt 6,5%
Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) rất lạc quan và đánh giá tích cực triển vọng phát triển kinh tế Việt Nam, đồng thời giữ nguyên dự báo tăng trưởng kinh tế Việt Nam năm 2022 đạt 6,5% và năm 2023 đạt 6,7%. Đây là thông tin được (ADB) tại Việt Nam cho biết tại buổi họp báo công bố Báo cáo phát triển triển vọng phát triển châu Á và tình hình phát triển kinh tế Việt Nam năm 2022 diễn ra sáng 6-4, tại Hà Nội.
Tại buổi họp báo, các chuyên gia của ADB đã chia sẻ về tình hình phát triển kinh tế, tăng trưởng GDP, tỷ lệ lạm phát và các vấn đề khác của kinh tế Việt Nam. Phát biểu tại buổi công bố, Giám đốc quốc gia Ngân hàng Phát triển châu Á) tại Việt Nam Andrew Jeffries cho biết, Báo cáo triển vọng phát triển châu Á đánh giá về sự phát triển gần đây tại khu vực châu Á-Thái Bình Dương trong trung hạn và các dự báo về phát triển kinh tế vĩ mô trong khu vực. Theo ông Andrew Jeffries, trong năm 2021 có rất nhiều kỳ vọng đối với nền kinh tế Việt Nam, song với sự bùng phát của đại dịch Covid-19, khiến tăng trưởng kinh tế chỉ đạt gần 2,6%.
Các điều kiện phát triển kinh tế vĩ mô của Việt Nam được đánh giá đang khá ổn định và tiếp tục xu hướng tích cực
Năm nay, ADB hy vọng tăng trưởng kinh tế Việt Nam đạt được mục tiêu 6,5% và 6,7% vào năm 2023. Những kỳ vọng này, ông Andrew Jeffries cho rằng có thể đạt được thông qua tỷ lệ bao phủ vaccine phòng Covid-19 rất cao của Việt Nam, qua đó giúp Chính phủ, cơ quan chức năng triển khai những biện pháp ngăn chặn mang tính chất linh hoạt đối với dịch bệnh, đồng thời mở rộng thương mại, tăng cường hơn nữa sự hợp tác trong khu vực cũng như đẩy mạnh phát triển du lịch.
Giám đốc quốc gia Ngân hàng Phát triển châu Á tại Việt Nam đánh giá cao Chính phủ Việt Nam đã có chương trình phục hồi-phát triển kinh tế và đã được Quốc hội phê duyệt vào tháng 1-2022 để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Cũng theo Giám đốc quốc gia Ngân hàng Phát triển châu Á tại Việt Nam, trong Báo cáo, ADB đã nêu ra một số rủi ro gây sụt giảm tăng trưởng kinh tế Việt Nam, như diễn biến phức tạp của Covid-19 với các biến chủng virus mới, tỷ lệ lây nhiễm tăng cao; sự phục hồi kinh tế trên toàn cầu chậm cũng ảnh hưởng tới xuất khẩu của Việt Nam...
Tuy nhiên, ông Andrew Jeffries cho rằng các điều kiện phát triển kinh tế vĩ mô của Việt Nam vẫn đang khá ổn định và tiếp tục xu hướng tích cực; môi trường đầu tư vẫn đang đẩy mạnh cải cách, cùng với đó sự tham gia vào các hiệp định thương mại đa phương đã và đang giúp nền kinh tế Việt Nam có cơ hội để thu hút nhiều hơn nữa đầu tư - thương mại, đồng thời hỗ trợ cho sự phục hồi nền kinh tế.
Trình bày báo cáo về tình hình phát triển kinh tế Việt Nam, ông Nguyễn Minh Cường, Chuyên gia kinh tế quốc gia của ADB cho biết, trong bối cảnh tình hình dịch bệnh được kiểm soát một cách hiệu quả, bức tranh tăng trưởng kinh tế ở châu Á rất tích cực. Theo đó, ADB đánh giá, khi các nước bắt đầu chuyển sang xu hướng mở cửa đồng thời với độ bao phủ vaccine cao, các chuỗi cung ứng sản xuất, lao động được nối lại, tăng trưởng kinh tế của các nước đang phát triển ở châu Á sẽ mạnh lên trong năm 2022, ước đạt 5,2% và 5,3% vào năm 2023. ADB cũng dự báo lạm phát trong khu vực có xu hướng tăng nhưng nhìn chung vẫn trong tầm kiểm soát.
Về tình hình kinh tế Việt Nam, nhìn lại bức tranh kinh tế năm 2021, theo ông Nguyễn Minh Cường, dịch bệnh đã tác động rất mạnh đến kinh tế Việt Nam và tăng trưởng GDP đã sụt giảm rất mạnh xuống gần 2,6%. Đặc biệt, khi dịch bệnh bùng phát lên đến đỉnh điểm vào quý III-2021, tăng trưởng kinh tế chỉ ở mức âm. Nhưng ngay khi Việt Nam chuyển hướng sang kiểm soát dịch bệnh một cách linh hoạt hơn, lập tức tăng trưởng kinh tế có dấu hiệu phục hồi trở lại vào cuối năm 2021. Và những dấu hiệu phục hồi đã trở nên rõ rệt hơn vào quý I-2022.
Sang năm 2022, trong bối cảnh bức tranh tương đối sáng sủa và tích cực của kinh tế châu Á cũng như tình hình kiểm soát được dịch bệnh, ADB dự báo tăng trưởng kinh tế của Việt Nam năm 2022 tương đối khả quan, giữ nguyên dự báo ở mức 6,5% và năm 2023 là 6,7%. “Hầu hết các chỉ số tăng trưởng kinh tế Việt Nam mới được công bố cho thấy sự phục hồi đã xuất hiện. Tất nhiên, mức độ chắc chắn và mạnh mẽ còn phải đợi đến những quý tiếp theo nhưng trong bối cảnh bao phủ vaccine cao và mở cửa trở lại nền kinh tế, dự báo tăng trưởng kinh tế của ADB đối với Việt Nam là tích cực”, ông Nguyễn Minh Cường nhấn mạnh.
Tại buổi họp báo, ông Andrew Jeffries và ông Nguyễn Minh Cường đã giải đáp một số nội dung liên quan mà báo chí quan tâm như sự phát triển của thị trường trái phiếu doanh nghiệp, thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) và xuất khẩu của Việt Nam.
Ngày 30/3, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã tiếp Đại sứ Mỹ tại Việt Nam Marc E. Knapper đến chào xã giao nhân dịp bắt đầu nhiệm kỳ công tác.
Nguồn: [Link nguồn]