Nga liên tiếp đạt bước tiến, Mỹ có thể cung cấp vũ khí uy lực cho Ukraine ngay tuần tới
Chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden đang nghiêng về phương án cung cấp cho Ukraine các hệ thống pháo phản lực hiện đại, bao gồm phiên bản M142 HIMARS mới nhất, CNN dẫn nguồn tin giấu tên cho biết.
Hệ thống rocket phóng loạt M142 HIMARS của quân đội Mỹ.
Theo báo Mỹ The Drive, Ukraine đang rất cần các hệ thống pháo phản lực như HIMARS, nhưng ngay cả khi nắm trong tay vũ khí hiện đại hàng đầu của Mỹ, cục diện xung đột chưa chắc có thể thay đổi rõ rệt.
Mỹ sẽ cung cấp cho Ukraine một loạt các vũ khí nằm trong gói hỗ trợ mới vào tuần tới, rất có thể bao gồm các hệ thống phóng rocket M270 hoặc HIMARS, CNN cho biết.
Cả hai hệ thống này đều có khả năng bắn đạn rocket cỡ 227mm hoặc thậm chí là tên lửa đạn đạo chiến thuật. Trong nhiều tháng, Mỹ đã trì hoãn việc cung cấp các hệ thống pháo phản lực (MLRS) cho Ukraine.
Nhưng các bước tiến liên tiếp của quân đội Nga ở vùng Donbass trong tuần này có thể đã khiến giới chức Mỹ quyết định rằng cần hành động mạnh hơn. Theo The Drive, các bước tiến của Nga gần đây có dấu ấn rất lớn nhờ pháo binh, trong đó có pháo tự hành, pháo phản lực phóng loạt và lựu pháo.
M270 là xe phóng rocket/tên lửa dựa trên khung gầm của xe chiến đấu bộ binh Bradley. Một xe phóng M270 có khả năng mang theo 24 đạn rocket hoặc 2 đạn tên lửa chiến thuật.
Mỗi xe phóng M142 HIMARS có 6 bệ phóng rocket.
M142 HIMARS thực chất là phiên bản rút gọn của M270. Mỗi xe phóng được trang bị 6 ống phóng rocket hoặc một tên lửa đạn đạo, gắn trên khung cầm xe tải giúp gia tăng tối đa sự cơ động, cũng như giúp chuyên chở trên máy bay vận tải C-130 một cách dễ dàng.
Tầm bắn của hai loại vũ khí này tùy thuộc vào loại đạn sử dụng, xa nhất đối với đạn rocket là 70km và đối với tên lửa đạn đạo chiến thuật là 300km.
Theo The Drive, M270 hay M142 HIMARS có thể giúp gia tăng đáng kể năng lực chiến đấu của quân đội Ukraine. Các hệ thống này có tầm bắn xa hơn, chính xác hơn bất cứ hệ thống pháo phản lực nào khác mà quân đội Ukraine từng sở hữu.
Nhưng khác với pháo phản lực của Nga, MLRS của Mỹ có nhược điểm là không phù hợp để khai hỏa với số lượng lớn và tần suất cao. Nhiều khả năng Mỹ cũng sẽ cung cấp cho Ukraine đạn rocket với số lượng hạn chế, tránh tình trạng Kiev “sử dụng hết trong thoáng chốc”, theo The Drive.
Các hệ thống MLRS tiêu tốn đạn rocket rất nhanh, nếu không kiểm soát, Mỹ có thể rơi vào tình trạng thiếu hụt đạn rocket trong kho vũ khí dự trữ.
M142 HIMARS có thể phóng tên lửa đạn đạo chiến thuật.
Tuần trước, giới chức Lầu Năm Góc đã gặp CEO của hãng sản xuất vũ khí Lockheed Martin, bàn về việc mở rộng dây chuyền sản xuất các hệ thống MLRS và đạn rocket.
Bên cạnh đó, các hệ thống M270 hoặc M142 HIMARS mà Mỹ trang bị cho Ukraine có thể không đạt hiệu suất chiến đấu cao nhất. Mỹ cũng có thể tháo bỏ một số thiết bị quan trọng trên xe phóng, tránh tình trạng bí mật quân sự rơi vào tay Nga.
Đầu tháng này, Mỹ đã chuyển giao cho Ukraine 90 lựu pháo M777 155mm. Nhưng Mỹ không cung cấp hệ thống điều khiển hỏa lực kỹ thuật số.
Kết quả là lựu pháo M777 ở Ukraine chỉ có thể ngắm bắn bằng cách thủ công, giảm khả năng tấn công mục tiêu một cách chính xác trong thời gian ngắn.
Nguồn: [Link nguồn]
Thống đốc tỉnh Lugansk nói quân đội Ukraine rút lui ở nhiều khu vực, trong khi toàn bộ thành phố Lyman đã rơi vào tay Nga.