Nga ứng xử thận trọng với xung đột Israel - Hamas

Nga đưa ra quan điểm thận trọng với cả hai bên trong cuộc xung đột Israel – Hamas. Tuy nhiên, cuộc xung đột này cũng tạo cho Mátxcơva cơ hội để lật ngược thế cờ với Mỹ, thách thức nỗ lực cô lập của phương Tây đối với Nga vì vấn đề Ukraine.

Tổng thống Nga Vladimir Putin. (Ảnh: Sputnik)

Tổng thống Nga Vladimir Putin. (Ảnh: Sputnik)

Dù thiếu đòn bẩy để đóng vai trò trung gian ở Trung Đông, Nga có thể tấn công vào khía cạnh uy tín của Mỹ trong cách ứng xử với cuộc xung đột này.

Cuộc chiến Israel – Hamas khiến chiến trường Ukraine ít được chú ý hơn, đồng thời sự hỗ trợ cũng giảm sút.

Tuy nhiên, Mátxcơva có thể gặp rủi ro nếu xử lý không khéo quan hệ với Israel, khi đến nay Israel vẫn chưa gửi vũ khí cho Ukraine.

Tổng thống Nga Vladimir Putin lên án cuộc tấn công của Hamas vào miền nam Israel ngày 7/10. Ông cũng cảnh báo Israel chớ phong tỏa Dải Gaza, so sánh hành động này với cuộc bao vây của Đức Quốc xã ở Leningrad trong Thế chiến 2.

Ông Putin cho rằng cuộc chiến này là thất bại của ngoại giao Mỹ, cáo buộc Washington đã từ bỏ nỗ lực để thành lập một nhà nước Palestine.

Đầu tháng này, ông Putin cho biết Mátxcơva có thể đóng vai trò trung gian hòa giải. Ông cảm ơn cả Israel và người Palestine.

Tuần trước, một dự thảo nghị quyết mà Nga trình lên Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc đã lên án hành động bạo lực với dân thường, nhưng không đề cập đến Hamas. Dự thảo không nhận được sự ủng hộ của nhiều thành viên trong Hội đồng Bảo an.

Trung Quốc là một trong vài quốc gia ủng hộ dự thảo của Nga, cho thấy hai bên chia sẻ quan điểm chung về vấn đề này. Đặc phái viên của Nga và Trung Quốc về Trung Đông gặp nhau gần đây để thảo luận về việc phối hợp hạ nhiệt tình hình, nhấn mạnh quan điểm ủng hộ giải pháp hai nhà nước cho Israel và Palestine.

Trong khi Tổng thống Mỹ Joe Biden, Thủ tướng Anh Rishi Sunak và các lãnh đạo phương Tây khác đã thăm Israel để thể hiện ủng hộ, ông Putin chờ 9 ngày sau cuộc tấn công hôm 7/10 mới gọi điện cho Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu, dù trước đó họ có quan hệ cá nhân khá thân thiết. Nhà lãnh đạo Nga cũng đã thảo luận về cuộc xung đột với lãnh đạo Ai Cập, Iran, Iraq, Syria và Chính quyền Palestine.

Ông Putin gửi lời chia buồn tới gia đình những người Israel thiệt mạng trong cuộc tấn công của Hamas, đồng thời nhấn mạnh quan điểm “lên án và phản đối mạnh mẽ bất kỳ hành động nào nhằm biến dân thường thành nạn nhân”, thông cáo của Điện Kremlin về nội dung cuộc điện đàm cho biết.

Nhà lãnh đạo Nga nhấn mạnh sự cần thiết phải có “giải pháp hòa bình thông qua phương tiện chính trị và ngoại giao”. Văn phòng thủ tướng Israel cho biết, ông Netanyahu nói với ông Putin rằng Israel sẽ không dừng lại cho đến khi xóa sổ Hamas.

Trong khi đó, các quan chức Nga chỉ trích mạnh mẽ việc Israel không kích Dải Gaza.

Ông Konstantin Kosachev, Phó Chủ tịch Thượng viện Nga, nói rằng dù Hamas khơi mào cuộc chiến, nhưng phản ứng của Israel là “không tương xứng” và “vô nhân đạo”.

Phản ứng của Điện Kremlin phản ánh cả chính trị trong nước, nơi người theo đạo Hồi chiếm 15% dân số Nga. Lãnh đạo Chechnya Ramzan Kadyrov ủng hộ mạnh mẽ người Palestine, chỉ trích Israel chiếm đất và phong tỏa.

Quan điểm của Mátxcơva nhanh chóng được Hamas hoan nghênh. Lực lượng này đánh giá cao lời kêu gọi ngừng bắn của Nga. Quan điểm của Nga cũng được đề cao ở thế giới Ả-rập, nơi nhiều người cáo buộc Mỹ và các đồng minh đang bênh vực Israel quá mức và làm ngơ khi số người chết ở Dải Gaza tăng cao.

Tuy nhiên, quan điểm này có thể ảnh hưởng đến quan hệ thân thiết của Nga với Israel, sau khi Israel từ chối tham gia cùng phương Tây để trừng phạt Mátxcơva hay gửi vũ khí cho Ukraine.

Ngày 25/10, báo Times of Israel đưa tin, một nhà ngoại giao nước này thể hiện quan điểm “không hài lòng với vai trò của Nga”, bày tỏ hy vọng Điện Kremlin sẽ có quan điểm “cân bằng hơn”.

Amir Weitmann, một thành viên hàng đầu trong đảng Likud của ông Netanyahu, cho rằng Nga hỗ trợ Hamas. Phát biểu trên đài RT, chính trị gia này cảnh báo rằng sau khi Israel đánh bại Hamas, “chúng tôi sẽ đảm bảo rằng Ukraine sẽ thắng, chúng tôi sẽ đảm bảo rằng các bạn sẽ phải trả giá cho những gì mình đã làm”.

Khi được hỏi về những chỉ trích của Israel đối với lập trường của Mátxcơva trong cuộc chiến, người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov nhấn mạnh rằng Nga lên án chủ nghĩa khủng bố và thúc đẩy lệnh ngừng bắn nhanh chóng cũng như việc thành lập một nhà nước Palestine.

Ông Andrei Kortunov, Giám đốc học thuật của Hội đồng các vấn đề quốc tế Nga, cho rằng Mátxcơva có thể tận dụng mối quan hệ gần gũi với Iran và Syria để dàn xếp thỏa thuận cho cuộc xung đột Israel – Hamas.

“Nga có thể là một phần của liên minh đa phương để tạo ra sự đảm bảo an ninh. Điều rất quan trọng là duy trì cách tiếp cận cân bằng, tinh tế để không khiến bên nào xa lánh”, ông nói.

Bà Izabella Tabarovsky, cố vấn cấp cao tại Viện Kennan, cũng cho rằng tình hình hiện nay là cơ hội để Tổng thống Putin nâng cao hình ảnh sau 2 năm chiến sự ở Ukraine.

Nguồn: [Link nguồn]

Ông Putin và ông Biden bình luận về xung đột Israel - Hamas

Hai nhà lãnh đạo Nga - Mỹ đã lên tiếng về xung đột Israel - Hamas tại 2 sự kiện riêng biệt, trong đó ông Putin có lời cảnh báo về cuộc xung đột.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Bình Giang - AP ([Tên nguồn])
Tin tức Nga Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN