Nga ứng phó trừng phạt ra sao?

Sự kiện: Tin tức Nga

Nga được cho là có thể dựa vào dự trữ vàng, việc bán năng lượng và mối quan hệ với Trung Quốc để giảm tác động của sự trừng phạt từ phương Tây

Mỹ và các đồng minh châu Âu đang gia tăng các biện pháp trừng phạt mới nhằm vào kinh tế Nga để trả đũa chiến dịch quân sự của Moscow tại Ukraine.

Tác động của động thái trừng phạt này đang dần hiện rõ khi Ngân hàng Trung ương Nga hôm 28-2 nâng lãi suất chủ chốt từ 9,5% lên 20% trong động thái được cho là nhằm ngăn người dân rút thêm tiền ra khỏi các ngân hàng trong nước. Bên cạnh đó, sàn giao dịch chứng khoán Moscow ngưng hoạt động trong 2 ngày 28-2 và 1-3 trong lúc giá trị đồng rúp lao dốc.

Chưa hết, theo báo The Washington Post (Mỹ), ngày càng có nhiều công ty phương Tây thông báo chấm dứt hoặc tạm ngưng làm ăn với Nga do ảnh hưởng của sự trừng phạt, trong đó có các tập đoàn năng lượng Shell Plc, BP (đều của Anh), Equinor (Na Uy), hãng General Motors (Mỹ)...

Trước mắt, Tổng thống Nga Vladimir Putin hôm 28-2 đã ký sắc lệnh về các biện pháp kinh tế đặc biệt nhằm ứng phó những hành động "không thân thiện" của Mỹ và các đồng minh. Cụ thể, theo sắc lệnh, doanh nghiệp xuất khẩu của Nga phải bán 80% doanh thu bằng ngoại tệ có được từ ngày 1-1, chuyển ra đồng rúp và gửi vào tài khoản của họ tại các ngân hàng được cấp phép trong vòng 3 ngày làm việc.

Ngoài ra, từ ngày 1-3, công dân Nga bị cấm chuyển ngoại tệ vào tài khoản hoặc gửi tiền tại ngân hàng nước ngoài, đồng thời không được phép gia hạn các khoản vay nước ngoài bằng tiền mặt.

Dòng người xếp hàng chờ sử dụng ATM tại TP Saint Petersburg - Nga hôm 27-2. Ảnh: REUTERS

Dòng người xếp hàng chờ sử dụng ATM tại TP Saint Petersburg - Nga hôm 27-2. Ảnh: REUTERS

Theo hãng tin TASS (Nga), Điện Kremlin nhấn mạnh sắc lệnh trên không phải là biện pháp đáp trả duy nhất của Moscow. Ngoài việc tung thêm đòn trả đũa nhằm vào phương Tây, Nga được cho là có thể dựa vào dự trữ vàng, việc bán năng lượng và mối quan hệ với Trung Quốc để giảm tác động của sự trừng phạt.

Mỹ và Liên minh châu Âu cho đến giờ gần như vẫn để yên cho khí đốt Nga. Vì thế, ông John Smith, cựu quan chức Bộ Tài chính Mỹ, nhận định Moscow có thể đặt cược rằng nhu cầu đối với nguồn cung năng lượng nước này vẫn còn, nhất là trong mùa đông giá lạnh này.

Ngoài ra, theo AP, Nga có thể chuyển hướng sang Trung Quốc để mua những hàng hóa, dịch vụ mà trước đây họ nhập khẩu từ phương Tây. Đáng chú ý, Moscow và Bắc Kinh vào tháng rồi ký thỏa thuận khí đốt trị giá hơn 117 tỉ USD trong vòng 30 năm. Trung Quốc gần đây cũng thông báo dỡ bỏ lệnh cấm đối với lúa mì nhập khẩu từ Nga.

Đài CNN nhận định đợt trừng phạt mới cũng là phép thử cho nền kinh tế "pháo đài" của Nga. Kể từ năm 2014, thời điểm Moscow bị trừng phạt sau khi sáp nhập bán đảo Crimea của Ukraine, Tổng thống Vladimir Putin đã nỗ lực xây dựng một nền kinh tế có khả năng chịu đựng các hình phạt khắc nghiệt hơn thông qua các bước đi như: giảm sử dụng đồng USD, hạn chế chi tiêu chính phủ và tăng cường dự trữ ngoại tệ.

Bà Tyler Kustra, chuyên gia tại Trường ĐH Notthingham (Anh), chỉ ra rằng Nga đã cho sản xuất nhiều sản phẩm trong nước để giúp bảo vệ nền kinh tế trước các trừng phạt.

Một "vũ khí" đối phó khác là dự trữ vàng và ngoại tệ dồi dào của Nga (hiện ở mức 630 tỉ USD). Ông David Lubin, chuyên gia tại Ngân hàng Citi (Mỹ), cho rằng "nền kinh tế pháo đài" đòi hỏi việc tạo ra nguồn dự trữ ngoại tệ lớn có thể được chi tiêu nếu lệnh trừng phạt phát huy tác dụng. Một số khoản dự trữ này đã được triển khai tại Nga thời gian gần đây.

Chẳng hạn, Ngân hàng Trung ương Nga hôm 24-2 cho biết đang can thiệp vào thị trường tiền tệ để hỗ trợ đồng rúp. Một ngày sau đó, ngân hàng này thông báo tăng cường cung cấp tiền mặt để đáp ứng nhu cầu rút tiền từ ATM gia tăng của người dân.

Ông Iikka Korhonen, Viện trưởng Viện Các nền kinh tế mới nổi tại Ngân hàng Trung ương Phần Lan, nhận định nền kinh tế Nga đã được chuẩn bị cho tình hình hiện nay và việc giá dầu tăng lên 100 USD/thùng mang lại nguồn thu lớn cho nước này. Ông Korhonen cho rằng Moscow "có thể xoay xở trong một thời gian" nhưng cảnh báo tốc độ tăng trưởng của Nga sẽ chậm lại hơn nữa nếu các biện pháp trừng phạt kéo dài. 

Quỹ Đầu tư trực tiếp Nga cứng rắn

Quỹ Đầu tư trực tiếp Nga (RDIF) hôm 28-2 tuyên bố sẽ đáp trả các lệnh trừng phạt của Mỹ bằng cách sử dụng mọi công cụ sẵn có để "bảo vệ quyền, danh tiếng, lợi ích hợp pháp" của mình, kể cả việc đưa vấn đề ra tòa án. Thông báo của RDIF nêu rõ quỹ này không bao giờ tham gia hoạt động chính trị, đồng thời luôn tuân thủ luật pháp tại các nước tiến hành hoạt động đầu tư.

Tuyên bố trên được đưa ra sau khi Văn phòng Kiểm soát tài sản nước ngoài (OFAC) thuộc Bộ Tài chính Mỹ áp đặt các biện pháp trừng phạt nhằm vào RDIF, công ty quản lý RDIF và một trong những công ty con của công ty này. Theo RDIF, động thái này cho thấy Mỹ đã chọn con đường "phá hủy cuộc đối thoại mang tính xây dựng giữa các nước".

RDIF được thành lập năm 2011 và có trụ sở ở Moscow. Một trong những mục đích của RDIF là phát triển quan hệ với các nhà đầu tư quốc tế để đầu tư trực tiếp vào Nga. Sau khi đại dịch Covid-19 bùng phát, RDIF đã tài trợ cho việc phát triển vắc-xin Sputnik V của Nga. Vì thế, RDIF cáo buộc biện pháp trừng phạt của Mỹ còn là sự cạnh tranh không công bằng, từ đó "khiến hàng tỉ người trên thế giới có thể không tiếp cận được các loại vắc-xin hiệu quả và an toàn do Nga sản xuất".

Huệ Bình

Quan chức cấp cao EU thừa nhận điều không thể làm khi trừng phạt Nga

Các nhà lãnh đạo phương Tây cuối tuần qua đã nhất trí về một loạt các biện pháp trừng phạt mới nhằm vào Nga.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Hoàng Phương ([Tên nguồn])
Tin tức Nga Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN