Nga, Ukraine: Ai buồn vui chuyện luận tội ông Trump?

Sự kiện: Donald Trump

Tiến trình điều tra luận tội Tổng thống Donald Trump được đánh giá là sự nhức nhối với Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskiy nhưng lại là cơ hội mà Tổng thống Nga Vladimir Putin khó bỏ qua, trong bối cảnh hai lãnh đạo chuẩn bị cho vòng đàm phán hòa bình ở Pháp sắp tới.

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskiy (trái) và Tổng thống Nga Vladimir Putin (phải) có cảm xúc trái ngược về cuộc điều tra luận tội Tổng thống Mỹ Donald Trump (giữa). Ảnh: RFERL

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskiy (trái) và Tổng thống Nga Vladimir Putin (phải) có cảm xúc trái ngược về cuộc điều tra luận tội Tổng thống Mỹ Donald Trump (giữa). Ảnh: RFERL

Tổng thống Mỹ Donald Trump đang bị đảng Dân chủ tại Hạ viện điều tra luận tội rằng ông đã lạm dụng quyền lực tổng thống. theo đó, ông trump bị cáo buộc đề nghị ông Volodymyr Zelenskiy, tân tổng thống Ukraine, điều tra cha con nhà ông Joe Biden (ứng viên tổng thống 2020) để đổi lại sự hỗ trợ quân sự của Mỹ và một chuyến thăm Nhà Trắng.

Ông Putin: Cơ hội cho Nga trỗi dậy

Có thể nói cuộc điều tra luận tội ông Trump không chỉ là vấn đề của Mỹ hay Ukraine mà tác động đến cả Nga khi cáo buộc “can thiệp bầu cử Mỹ” trước nay vốn luôn dành cho Nga.

Mùa hè rồi, chỉ vài ngày trước khi công tố viên đặc biệt Robert Mueller cảnh cáo Nga sẽ còn tiếp tục can thiệp bầu cử Mỹ, truyền hình nhà nước Nga phát một bản tin đặc biệt dài 30 phút có tựa đề “Sự can thiệp của người Ukraine”.

Trong bản tin, nhà báo Nga Anna Afanasyeva nói “đã đến lúc bắt đầu cuộc điều tra mới về sự can thiệp của Ukraine, nước ngay từ đầu đã ủng hộ đối thủ của Tổng thống Trump - bà Hillary Clinton”.

Bản tin cũng dẫn một số phát ngôn chưa được kiểm chứng của một số nghị sĩ Ukraine và cả lời ông Trump khẳng định Kiev can thiệp bầu cử Mỹ năm 2016 theo hướng bất lợi cho ông. Ông Joe Biden, thời điểm đó còn là phó tổng thống Mỹ, và con trai Hunter Biden cũng được cho là có liên quan đến vụ việc. Nhiều nghị sĩ Cộng hòa Mỹ cũng đưa ra cáo buộc tương tự.

Đến nay, điện Kremlin vẫn hạn chế bình luận về các diễn biến ở Hạ viện Mỹ. Tuy nhiên, nhà phân tích chính trị Masha Lipman ở Moscow nhận định dĩ nhiên ông Putin sẽ hoan nghênh tiến trình luận tội ông Trump như cách Nga hoan nghênh bất kỳ sự bất ổn chính trị nào ở các nước phương Tây.

“Tiến trình luận tội ông Trump lúc này rõ ràng không làm nước Mỹ mạnh hơn” - chuyên gia này nói.

Tại một diễn đàn kinh tế ở Moscow hồi tháng trước, ông Putin cho biết cảm thấy hài lòng khi “cuộc chiến chính trị” ở Mỹ đã lái sự chú ý khỏi cáo buộc Nga can thiệp bầu cử tổng thống Mỹ năm 2016.

Đài NPR cũng cho rằng việc Mỹ tập trung vào Ukraine phần nào giúp Nga thở phào sau những sự tiết lộ và buộc tội từ cuộc điều tra của ông Mueller về Moscow can thiệp giúp ông Trump đắc cử.

Nhiều ý kiến trên truyền thông Nga cũng đồng tình rằng sự hỗn loạn mà ông Trump đem lại đang làm suy yếu nước Mỹ, tạo điều kiện cho Moscow mở rộng ảnh hưởng ở các khu vực chiến lược như Trung Đông hay châu Phi.

Ngay cả nội bộ lãnh đạo Mỹ cũng đồng ý việc Tổng thống Putin đang tìm kiếm lợi ích từ chuyện ông Trump bị điều trần. Trong lá thư gửi đến báo The Wall Street Journal hồi tháng 11, một nhóm hạ nghị sĩ Cộng hòa nói mục tiêu của ông chủ điện Kremlin là làm cho nội bộ nước Mỹ lục đục.Tuy nhiên, bên cạnh những yếu tố trên, việc ông Trump bị luận tội cũng khiến ông Putin chịu không ít phiền phức. Ông Putin muốn Mỹ gỡ trừng phạt, hợp tác kiểm soát vũ khí, cải thiện quan hệ song phương. Nhưng như lời ông thừa nhận, các mục tiêu trên sẽ khó trở thành hiện thực trong môi trường chính trị phức tạp ở Mỹ hiện nay.

Ông Zelenskiy lâm vào thế khó ở Pháp

Khác với Nga, Ukraine là nước liên quan trực tiếp đến cuộc điều tra luận tội Tổng thống Donald Trump một cách bất đắc dĩ. Theo báo USA Today, trong cuộc họp báo cuối tháng 11, Tổng thống Volodymyr Zelenskiy đã nổi giận khi một phóng viên đài CNN hỏi liệu ông có sẵn sàng điều tra Tập đoàn năng lượng Burisma sau cuộc điện đàm của ông Trump không.

“Tôi nghĩ mọi người ở Ukraine đều quá mệt về Burisma. Chúng tôi có đất nước của mình. Chúng tôi có độc lập của mình và có những vấn đề của mình. Chỉ vậy thôi!” - tổng thống Ukraine chia sẻ.

Hiển nhiên luôn có chuyện xảy ra trong một chiến dịch tranh cử. Nhưng cuộc đua chính trị nội bộ này đã vượt quá giới hạn. Tôi không nghĩ trong lịch sử Mỹ từng có chuyện gì như thế này.

Tổng thống Nga VLADIMIR PUTIN nhận định về nội bộ chính trị Mỹ 

Theo nhiều nghị sĩ Mỹ, những gì ông Trump trao đổi với người đồng cấp Zelenskiy và cuộc điều tra luận tội ông sau đó đã đẩy Ukraine, một đồng minh chiến lược của Mỹ trong đối sách với Nga, vào thế khó. Nghị sĩ Dân chủ Chris Murphy cho rằng ông Trump đã lợi dụng sự yếu thế của ông Zelenskiy và Ukraine cho mục đích cá nhân.

Theo đó, ông Trump lẽ ra phải thể hiện sự ủng hộ công khai và mạnh mẽ với ông Zelenskiy thời điểm ông mới nhậm chức. Tuy nhiên, ông Trump không những từ chối gặp người đứng đầu Kiev tại Nhà Trắng mà còn phong tỏa khoản hỗ trợ quân sự gần 400 triệu USD mà Ukraine đang rất cần để đối phó với phe đòi ly khai ở phía đông được Nga hậu thuẫn.

NPR nhận định với Nga, việc Ukraine bị kéo vào cuộc đấu đá nội bộ chính trị Mỹ là một cơ hội quan trọng. Mỗi bước đi sai lầm của các lãnh đạo Ukraine thân phương Tây luôn được truyền thông Nga chú ý và miêu tả Ukraine như một nạn nhân điển hình khi liên minh với một cường quốc không ổn định như Mỹ.

Đầu tháng 11, ông Putin cho rằng Ukraine thay vì tìm kiếm vận may “ở các nước xa bên kia đại dương” thì hãy nên học cách chung sống với láng giềng (là Nga). Phát ngôn của tổng thống Nga nhiều khả năng là đang đề cập đến cuộc gặp đầu tiên giữa lãnh đạo hai bên, dự kiến sẽ diễn ra vào ngày 9-12 tại Pháp.

Ông Zelenskiy muốn ông Trump cùng đàm phán với Nga ở Pháp?

Theo đài CNN, trước khi bắt đầu cuộc điện đàm ngày 25-7, Tổng thống Zelenskiy đã đề nghị ông Donald Trump tham gia cuộc đàm phán với Tổng thống Vladimir Putin sắp tới nhằm gia tăng áp lực lên Nga. Tuy nhiên, với việc ông Trump đang mắc kẹt trong tiến trình luận tội của đảng Dân chủ, ông Zelenskiy càng thêm cô lập hơn trước Nga.

Trong khi đó, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron, người sẽ chủ trì cuộc đàm phán, trong những tháng gần đây đã tỏ ý định ủng hộ cải thiện quan hệ với Nga. Thủ tướng Đức Angela Merkel, người cũng sẽ tham gia cuộc gặp Putin, Zelenskiy, thì đang bận rộn giải quyết các vấn đề nội địa. 

Nguồn: [Link nguồn]

Bức ảnh ông Trump bị ”chĩa súng vào lưng” gây bão

Cựu Chủ tịch Hội đồng châu Âu Donald Tusk đã gây tranh cãi khi đăng tải lên bức ảnh ông chỉ 2 ngón tay, tạo dáng như...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo ĐĂNG KHOA ([Tên nguồn])
Donald Trump Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN