Nga tuyên bố phá hủy thêm 2 hệ thống HIMARS do Mỹ cung cấp cho Ukraine
Bộ Quốc phòng Nga ngày 1/8 thông báo quân đội nước này đã phá hủy thêm hai hệ thống pháo phản lực phóng loạt HIMARS, nâng tổng số pháo phản lực Mỹ bị Nga tuyên bố phá hủy lên con số 6.
Ukraine mới nhận thêm 4 hệ thống HIMARS do Mỹ cung cấp vào ngày 1/8.
Các lực lượng Nga “giáng đòn không kích với độ chính xác cao” ở khu vực tỉnh Kharkiv vào ngày 1/8, theo hãng thông tấn Nga TASS.
“Sau đợt không kích chính xác nhằm vào một nhà máy năng lượng của Ukraine ở Kharkiv, thêm hai hệ thống HIMARS bị phá hủy”, phát ngôn viên Bộ Quốc phòng Nga, Igor Konashenkov cho biết. “53 binh sĩ Ukraine và lính đánh thuê nước ngoài cũng bị hạ gục”.
Ở thời điểm phát ngôn viên Bộ Quốc phòng Nga đưa ra tuyên bố, quân đội Ukraine vận hành 12 hệ thống HIMARS. Sau tuyên bố của Nga, Mỹ xác nhận có thêm 4 hệ thống HIMARS đã được chuyển tới Ukraine vào ngày 1/8, theo báo Mỹ Newsweek.
Từ ngày 5 – 20/7, Nga tuyên bố phá hủy 4 hệ thống HIMARS. Tuy nhiên, tướng Mark Milley, Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân Mỹ, phát biểu vào ngày 20.7: “Chưa có bất kì hệ thống HIMARS nào bị Nga phá hủy. Các lực lượng Ukraine đang sử dụng vũ khí tầm xa này một cách hiệu quả”.
Tổng số hệ thống pháo phản lực HIMARS mà Mỹ cung cấp cho Ukraine đến nay vẫn dừng ở con số 16. Hôm 1/8, Mỹ thông báo viện trợ thêm 550 triệu USD vũ khí cho Ukraine, gồm đạn rocket cho các hệ thống HIMARS, 75.000 quả đạn pháo 155mm.
Cũng trong ngày 1/8, Vadim Skibitsky, Phó Cục trưởng Cục tình báo quân đội Ukraine nói Kiev luôn tham vấn với Mỹ “trước mỗi lần khai hỏa hệ thống HIMARS”.
"Điều này cho phép Mỹ dừng bất cứ cuộc tập kích tiềm năng nào nếu họ cảm thấy không hài lòng”, ông Skibitsky nói thêm. Giám sát các lần quân đội Ukraine khai hỏa hệ thống HIMARS cũng là cách để Mỹ kiểm soát đạn dược, tránh tình trạng Ukraine phóng rocket không kiểm soát.
Mỗi quả đạn rocket dẫn đường bằng GPS sử dụng cho hệ thống HIMARS rất đắt đỏ và cần nhiều thời gian để sản xuất, theo báo Mỹ The Drive.
Các hệ thống pháo phản lực HIMARS do Mỹ sản xuất đang gây tiếng vang lớn trong cuộc xung đột ở Ukraine, nhưng điểm yếu của hệ thống này là chỉ sử dụng đạn rocket dẫn đường...
Nguồn: [Link nguồn]