Nga tuyên bố ‘không có ý định’ tiếp tục đàm phán hiệp ước hòa bình với Nhật
Phản ứng của Nga được đưa ra sau khi Nhật áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với Nga liên quan chiến dịch quân sự đặc biệt của Moscow ở Ukraine.
Bộ Ngoại giao Nga ngày 21-3 cho biết Moscow sẽ chấm dứt các cuộc đàm phán về hiệp ước hòa bình với Tokyo do các biện pháp trừng phạt mà Nhật áp đặt đối với Nga liên quan tình hình ở Ukraine.
Trụ sở Bộ Ngoại giao Nga. Ảnh: TASS
“Trong tình hình hiện tại, phía Nga không có ý định tiếp tục đàm phán hiệp ước hòa bình với Nhật, vì không thể thảo luận về việc ký kết một hiệp ước cơ bản trong quan hệ song phương với một quốc gia có lập trường rõ ràng không thân thiện và cố gắng gây tổn hại đến lợi ích của đất nước chúng tôi” – hãng thông tấn TASS dẫn tuyên bố của Bộ Ngoại giao Nga cho biết.
Bộ Ngoại giao Nga tuyên bố nước này đã quyết định chấm dứt các chuyến đi miễn thị thực của công dân Nhật trên cơ sở các thỏa thuận về trao đổi miễn thị thực giữa Quần đảo Nam Kuril của Nga và Nhật năm 1991 và thỏa thuận năm 1999 về các quy tắc đi lại đơn giản cho những người Nhật muốn thăm nơi ở trước đây của họ ở Nam Kuril.
Quần đảo Nam Kuril là nhóm bốn hòn đảo phía nam quần đảo Kuril tranh chấp giữa Nga với Nhật. Tokyo gọi nhóm đảo hiện do Nga quản lý này là Lãnh thổ phương Bắc.
Cũng theo Bộ Ngoại giao Nga, Moscow sẽ ngừng đối thoại với Nhật về hoạt động kinh tế chung ở Nam Kuril/Lãnh thổ phương Bắc và ngăn chặn việc Nhật tiếp tục vị thế là đối tác đối thoại theo lĩnh vực của Tổ chức Hợp tác Kinh tế Biển Đen.
“Mọi trách nhiệm gây tổn hại đến quan hệ song phương và lợi ích của Nhật thuộc về Tokyo, quốc gia đã có ý thức lựa chọn ủng hộ chính sách chống Nga thay vì phát triển quan hệ hợp tác và láng giềng cùng có lợi” – cơ quan Nga cho biết.
Nga và Nhật đã không ký hiệp ước hòa bình sau Chiến tranh Thế giới Thứ hai do cả hai bên đều tuyên bố chủ quyền đối với 4 hòn đảo nói trên.
Theo TASS, Nhật trước đó đã đưa ra một số gói trừng phạt chống lại Nga liên quan tình hình ở Ukraine. Tổng cộng 300 sản phẩm đã bị cấm xuất khẩu sang Nga, bao gồm chất bán dẫn, thiết bị vận chuyển và an toàn hàng không, phương tiện liên lạc, sản phẩm quân sự, bao gồm vũ khí, phần mềm và thiết bị lọc dầu. Những hạn chế như vậy áp dụng cho 49 công ty và tổ chức ở Nga, bao gồm Rosoboronexport, Rostech, cơ quan an ninh liên bang FSB và cơ quan tình báo nước ngoài SVR.
Nhật đã phong tỏa tài sản của một số ngân hàng như Otkrytie, Novikombank, Sovcombank, VTB, Rossiya Bank, Promsvyazbank và VEB.RF. Ngoài ra, các hạn chế cá nhân cũng được áp đặt đối với giới lãnh đạo Nga, bao gồm Tổng thống Vladimir Putin và một số doanh nhân Nga.
Bộ Ngoại giao Nga đã gửi thông điệp tới đại sứ Mỹ, phản ứng về những tuyên bố “không thể chấp nhận được” của Tổng thống Mỹ Joe Biden về ông Putin.
Nguồn: [Link nguồn]