Nga tuyên bố đã giải mã tên lửa ATACMS của Mỹ, không sót một bí mật nào

Các chuyên gia Nga tuyên bố đã phân tích toàn bộ cấu trúc phức tạp của tên lửa ATACMS của Mỹ, nhằm khám phá những khả năng quan trọng của tên lửa cũng như tìm biện pháp đối phó.

Các chuyên gia Nga được cho đã phân tích toàn bộ cấu trúc phức tạp của tên lửa Hệ thống Tên lửa Chiến thuật Lục quân Mỹ (ATACMS) – một phát hiện có thể có tác động đáng kể đến xung đột hiện nay tại Ukraine.

Không để sót một bí mật nào của tên lửa ATACMS

Hãng tin RIA Novosti của Nga dẫn lời một chuyên gia vũ khí giấu tên rằng cấu trúc của tên lửa ATACMS đã được phân tích, và chức năng của tên lửa này giờ chẳng còn là bí mật.

Tên lửa ATACMS trong một đợt bắn thử nghiệm. Ảnh: White Sands Missile Range/John Hamilton

Tên lửa ATACMS trong một đợt bắn thử nghiệm. Ảnh: White Sands Missile Range/John Hamilton

Cách đây vài ngày, Nga đã bắt đầu nghiên cứu sâu vào vũ khí này, nhằm khám phá những khả năng quan trọng của tên lửa cũng như tìm biện pháp đối phó.

Hôm 2-7, truyền thông nhà nước Nga đưa tin các chuyên gia nước này đã kiểm tra đầy đủ ngòi nổ phức tạp và đa thành phần của tên lửa ATACMS, đồng thời lần đầu đăng tải video cho thấy cấu trúc bên trong của tên lửa này.

Một chuyên gia Nga cho hay: “Đầu đạn được phát triển cho tên lửa diệt hạm và sau đó lắp đặt cho tên lửa ATACMS. Chúng tôi đã vô hiệu hóa ngòi nổ cùng với kíp nổ trung gian được gắn vào đó”.

Người này nói thêm bộ phận chính của tên lửa, sau khi được mở ra, sẽ tiết lộ cơ chế tinh vi có khả năng điều chỉnh sự cài đặt để phù hợp yêu cầu của mỗi nhiệm vụ.

Cũng theo vị chuyên gia này, ngòi nổ đặt ở vị trí sẵn sàng khai hỏa, đánh dấu bằng chữ A rất dễ nhìn thấy. Nó sử dụng cơ chế lắc tầm xa với một con lắc có thể di chuyển được và tự kích hoạt sau một khoảng thời gian nhất định.

“Bên cạnh đó, ở phần bên trong còn có một trục quay, có chức năng đóng mạch bên trong ngòi nổ. Có 4 hạt nổ đã được lắp đặt. Cách thức chính để khởi động cơ chế là sử dụng các phần tử từ tính” – chuyên gia Nga giải thích thêm.

Thiết kế phức tạp như vậy nhằm đảm bảo tên lửa được sử dụng một cách an toàn. Các chuyên gia Nga đã nghiên cứu kỹ lưỡng ngòi nổ. Và một chuyên gia vũ khí khẳng định: “Chúng tôi không để sót một bí mật nào”.

Cùng với ngòi nổ, các chuyên gia vũ khí Nga được cho đã lần đầu tiên truy cập vào hệ thống điều chỉnh và hướng dẫn bay của tên lửa ATACMS. Các đầu đạn của tên lửa có hệ thống dẫn đường và 3 con quay hồi chuyển laser vòng, giúp tên lửa di chuyển theo quỹ đạo chính xác. Hệ thống dẫn đường được trang bị ăng-ten GPS có chức năng điều chỉnh quỹ đạo tên lửa ở đầu và cuối hành trình.

Binh sĩ Ukraine bảo vệ tiền tuyến ở tỉnh Kharkiv tháng 5-2024. Ảnh: Kostiantyn Liberov/Libkos/Getty Images

Binh sĩ Ukraine bảo vệ tiền tuyến ở tỉnh Kharkiv tháng 5-2024. Ảnh: Kostiantyn Liberov/Libkos/Getty Images

Mỹ bắt đầu cung cấp biến thể tầm trung của tên lửa ATACMS cho Ukraine vào mùa thu năm ngoái. Tên lửa ATACMS phiên bản tầm xa – có khả năng đánh trúng mục tiêu cách 300 km – cũng đã được chuyển tới Ukraine hồi tháng 4.

Kể từ khi được triển khai trên chiến trường Ukraine, tên lửa ATACMS đã tỏ ra rất hiệu quả, tấn công và phá hủy các tài sản quan trọng của Nga, trong đó có trung tâm hậu cần và các hệ thống phòng không tiên tiến như S-400.

Nga sẽ tìm ra cách đối phó hiệu quả tên lửa ATACMS?

Việc phân tích chi tiết các bộ phận tên lửa ATACMS có khả năng giúp Nga thay đổi cục diện chiến trường, đồng thời cung cấp cho Moscow kiến thức cần thiết để đối phó một trong những vũ khí tầm xa hiệu quả nhất của Ukraine.

Các chuyên gia Nga tin rằng việc nghiên cứu tên lửa ATACMS sẽ cho phép họ xác định những khả năng quan trọng của tên lửa này. Chẳng hạn, việc phân tích khả năng cơ động của ATACMS sẽ giúp Nga xác định được những tên lửa phòng không nào nó có thể né tránh và tên lửa nào nó không thể chống lại.

Nghiên cứu này cũng mang lại cho Nga sự hiểu biết sâu sắc về độ chính xác của tên lửa ATACMS, cũng như xác định xem biện pháp gây nhiễu điện tử có hiệu quả trong việc đối phó nó hay không. Nắm được những khía cạnh này, Nga có thể tìm ra cách thay đổi hiệu suất hoạt động của ATACMS, khiến tên lửa này không thể tiếp cận mục tiêu đã định.

Binh sĩ Nga phóng tên lửa vào vị trí Ukraine. Ảnh: Russian Defense Ministry / Handout/Anadolu/ Getty Images

Binh sĩ Nga phóng tên lửa vào vị trí Ukraine. Ảnh: Russian Defense Ministry / Handout/Anadolu/ Getty Images

Ông Viktor Litovkin – cựu đại tá quân đội Nga và hiện là nhà phân tích quân sự - nói với RIA Novosti: “Đầu tiên, các nhà thiết kế Nga sẽ phân tích toàn bộ dữ liệu để xem tên lửa sẽ bay như thế nào, hướng tới mục tiêu ra sao, liệu nó được dẫn đường bằng GPS, vệ tinh hay máy bay không người lái (UAV) hạng nặng… Họ sẽ tìm ra điểm yếu và điểm mạnh của tên lửa”.

Sau khi phân tích tình hình, các chuyên gia vũ khí Nga sẽ đưa ra khuyến nghị cho quân đội Nga về chiến thuật đánh chặn tên lửa hiệu quả bằng hệ thống tên lửa phòng không hoặc cải thiện khả năng tác chiến điện tử để gây nhiễu hệ thống dẫn đường của tên lửa. Đặc biệt, các chuyên gia có thể tư vấn về các phương pháp làm gián đoạn liên lạc của tên lửa hay vô hiệu hóa GPS của tên lửa.

Chuyên gia Litovkin còn lưu ý rằng việc giải mã tên lửa ATACMS sẽ cho phép quân đội Nga phát hiện các bãi phóng và vị trí tên lửa nhanh hơn. Ông đồng thời nhấn mạnh rằng phương Tây nên công nhận tính ưu việt của vũ khí và các biện pháp đối phó của Nga.

“Phương Tây nên thừa nhận rằng tất cả nỗ lực của họ đều vô ích. Các vũ khí và biện pháp đối phó của Nga hiệu quả hơn nhiều so với xe tăng, tên lửa và pháo của họ. Đây là tín hiệu gửi tới toàn thế giới chứ không riêng gì phương Tây rằng vũ khí phương Tây không thể sánh bằng vũ khí của Nga” – vị đại tá về hưu của Nga kết luận.

Nguồn: [Link nguồn]

Hệ thống dẫn đường của tên lửa đạn đạo ATACMS mà Nga thu giữ là thật và thuộc thành phần tên lửa mới được Mỹ cung cấp cho Ukraine kể từ tháng 4/2024, báo Ukraine Kyiv Post tiết lộ.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo TRI TÚC ([Tên nguồn])
Xung đột Nga - Ukraine Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN