Nga tung "đòn" khiến châu Âu điêu đứng
Nga đã dừng hoàn toàn việc cấp khí đốt tới châu Âu qua ngả Belarus vào ngày 21.12, khiến giá khí tự nhiên tăng cao kỷ lục ở châu Âu giữa mùa đông lạnh giá.
Phát ngôn viên Điện Kremlin, Dmitry Peskov.
Trả lời câu hỏi của các phóng viên, phát ngôn viên Điện Kremlin Dmitry Peskov nói việc Nga dừng cấp khí đốt qua hệ thống đường ống Yamal-châu Âu không liên quan đến chính trị hay việc chờ chứng nhận đường ống Dòng chảy Phương Bắc 2 (Nord Stream 2).
“Đây hoàn toàn là vấn đề thương mại. Để biết lý do cụ thể, hãy liên hệ với Gazprom”, ông Peskov nói. “Các vấn đề trên không hề liên quan”.
Ngày 21.12, châu Âu thông báo tập đoàn dầu khí Gazprom thuộc sở hữu nhà nước của Nga đã ngừng hoàn toàn việc cung cấp khí đốt qua đường ống Yamal-châu Âu. Lưu lượng qua đường ống này giảm xuống còn 6% công suất vào ngày 18.12, 5% vào 19.12 và giảm xuống mức 0 vào sáng 21.12.
Sơ đồ đường ống dẫn khí đốt từ Nga qua Belarus tới châu Âu.
Động thái mới này đến vào thời điểm Nga và châu Âu đang trải qua mùa đông lạnh giá. Nhiệt độ ban ngày ở thủ đô Moscow được dự báo có thể giảm xuống mức âm 20 độ C vào tuần này.
Theo ghi nhận của Reuters, giá khí tự nhiên ở châu Âu đã tăng lên mức kỷ lục sau động thái mới của Nga. Giá khí đốt kỷ lục ảnh hưởng trực tiếp đến thị trường điện của châu Âu, vốn đang chịu nhiều sức ép do Pháp giảm công suất của các nhà máy điện hạt nhân.
Trong thời gian qua, Nga đã hạn chế cung cấp khí đốt cho châu Âu theo đường ống từ Belarus qua Ba Lan hoặc Ukraine, do căng thẳng leo thang với hai quốc gia Đông Âu.
Đường ống mới đưa khí đốt từ Nga thẳng tới Đức, không qua Ba Lan hay Ukraine.
Thay vào đó, Nga tập trung đầu tư cho đường ống Dòng chảy Phương Bắc 2, kết nối thẳng từ Nga tới Đức qua biển Baltic. Đường ống đã hoàn thành vào tháng 9.2021, nhưng đến nay chưa được phía châu Âu cấp phép.
Một số quan chức phương Tây cáo buộc Nga cố tình cắt giảm nguồn cung khí đốt, gây sức ép buộc EU phải chấp thuận đường ống dẫn khí đốt mới.
Căng thẳng Nga-phương Tây hiện cũng đang leo thang, trước nguy cơ Moscow tấn công quốc gia láng giềng Ukraine. Giới chức Ukraine cũng chỉ trích Nga không giữ lời hứa về việc tăng sản lượng khí đốt tới châu Âu.
Theo báo Nga RT, khoảng 20% lượng khí đốt Nga cung cấp cho châu Âu đi qua ngả Belarus. Đại diện Gazprom nói tập đoàn ưu tiên cung cấp khí đốt phục vụ nhu cầu nội địa, trước khi tính tới xuất khẩu.
Tháng 12 của 30 năm trước, Liên Xô sụp đổ và Ukraine không còn nằm trong tầm kiểm soát của Moscow.
Nguồn: [Link nguồn]