Nga từng điều 2 hạm đội, cứu nguy Mỹ giữa lúc “dầu sôi lửa bỏng” ra sao?
Không phải lúc nào quan hệ Mỹ - Nga cũng căng thẳng như hiện nay. Trong quá khứ, Nga từng điều quân đội giúp đỡ vào lúc Mỹ khó khăn nhất.
Cuộc chiến giữa 2 phe miền Bắc, miền Nam trong nội chiến Mỹ (tranh: History)
Tháng 4/1861, Mỹ nổ ra cuộc nội chiến kéo dài 4 năm giữa Liên bang miền Bắc (25 bang) với Liên minh miền Nam (11 bang). Nguyên nhân là phe miền Nam phản đối kế hoạch bãi bỏ chế độ nô lệ đối với người da màu của Tổng thống Mỹ Abraham Lincoln.
Ngay từ đầu cuộc chiến, Nga đã bày tỏ sự ủng hộ hoàn toàn đối với chính quyền của Tổng thống Lincoln. Nga tuyên bố đây là chính quyền hợp pháp duy nhất của Mỹ, theo Russia Beyond.
Năm 1862, Ngoại trưởng Nga Alexander Gorchakov viết thư cho Thư ký Đại sứ quán Mỹ ở Nga. Trong thư, ông Gorchakov ám chỉ rằng, Nga bị một số thế lực lôi kéo vào liên minh ủng hộ phe miền Nam. Tuy nhiên, Moscow một mực từ chối.
Trong khi nội chiến Mỹ xảy ra, các cường quốc châu Âu không ngồi yên. Anh, Pháp (2 nước mạnh nhất Tây Âu thời bấy giờ) tỏ thái độ ủng hộ phe miền Nam. Lý do là các chủ đồn điền bông của phe miền Nam sử dụng nô lệ da màu và bán rẻ bông cho Anh, Pháp.
Về mặt hình thức, Anh tuyên bố trung lập trong cuộc nội chiến Mỹ. Tuy nhiên, Anh cho phép các hoạt động ủng hộ phe miền Nam với tư cách “cá nhân”. Nhiều xưởng đóng tàu của Anh đã giúp phe miền Nam đóng tàu chiến. Hai tàu chiến Alabama và Florida đóng ở Liverpool (Anh) đã giúp phe miền Nam đánh chìm hàng chục tàu thương mại của Liên bang miền Bắc, theo USA Today.
Hạm đội Nga tới New York (tranh: Russia Beyond)
Tháng 6/1863, Anh điều 5 tàu chiến đến cảng Esquimalt ở Canada nhằm gây sức ép với Liên bang miền Bắc Mỹ.
Về phần Pháp, nước này bí mật bán vũ khí cho phe miền Nam.
Theo Russian7, Anh và Pháp từng không ít lần thảo luận về việc điều quân vào miền Nam nước Mỹ, nhưng kịch bản này đã không xảy ra.
Trái ngược với Anh và Pháp, Nga duy trì quan hệ tốt với Washington ngay từ khi Mỹ mới thành lập. Năm 1776, chiến tranh giành độc lập ở Mỹ bùng nổ. Moscow từ chối đề nghị hỗ trợ của London về việc điều 20.000 lính đến Mỹ để bảo vệ người Anh, chống lại dân Mỹ.
Tháng 9/1863, trong khi nội chiến Mỹ diễn ra căng thẳng, Nga bí mật điều 12 tàu chiến đến Mỹ.
6 tàu chiến cùng khoảng 3.000 quân do Chuẩn đô đốc Stepan Lessovsky chỉ huy cập cảng New York. 6 tàu chiến khác, cùng khoảng 1.200 quân, do Chuẩn đô đốc Popov chỉ huy cập cảng San Francisco. Đây là những tàu chiến chạy bằng động cơ hơi nước hiện đại nhất thời bấy giờ của Nga, theo Russia Beyond.
Các hạm đội Nga đã tuần tra, bảo vệ bờ biển của phe miền Bắc, ngăn hải quân miền Nam tập kích bất ngờ.
Vũ hội giữa các thủy thủ Nga với người dân New York (tranh: Russia Beyond)
“Hạm đội của chúng tôi được dân Mỹ tiếp đón nồng nhiệt, thậm chí có phần hơi thái quá. Bạn không nên xuất hiện ở bờ biển với bộ quân phục. Những người phụ nữ sẽ đến và vây lấy bạn”, một người lính trên hạm đội Nga viết.
Ngày 5/11/1863, chính quyền New York đã mở tiệc chiêu đãi các thủy thủ Nga. Theo New York Times, các vị khách dự tiệc được phục vụ khoảng 12.000 con hàu, 1.850 con gà tây và gà lôi. Hơn 3.500 chai rượu được mở.
Đáp lại sự chào đón của người dân New York, thay mặt nước Nga, Chuẩn đô đốc Lessovsky đã quyên tặng 4.700 USD cho thành phố.
“Nga đã gửi các hạm đội đến Mỹ để thể hiện sự ủng hộ nhiệt thành với Liên bang miền Bắc”, nhà sử học người Mỹ James Callahan viết.
Ngoài bảo vệ phe miền Bắc Mỹ, Nga cũng có tính toán riêng, theo nhà sử học Nga Nikolai Bolkhovitinov.
Nửa sau thế kỷ 19 là thời kỳ khó khăn đối với Nga về quan hệ quốc tế. Sau khi thua trận trong Chiến tranh Crimea (1853 – 1856) trước liên quân Anh, Pháp và Đế chế Ottoman, vị thế của Nga ở châu Âu bị giảm sút.
Trong Chiến tranh Crimea, các tàu của Mỹ đã cung cấp thực phẩm cho quân đội Nga, bất chấp sự ngăn cản của Anh, Pháp.
Tháng 1/1863, Ba Lan (vốn bị Nga cai trị từ năm 1815) đã nổi dậy chống Nga. Nga cần nhanh chóng dập tắt cuộc nổi dậy này, trước khi Anh và Pháp có thể can thiệp vào Ba Lan. Trong thế bị cô lập ở châu Âu, Nga quyết định phát triển quan hệ với Mỹ, theo USNI.
Bằng việc điều 12 tàu chiến đến Mỹ, Nga có thể tấn công các tàu thương mại của Anh, Pháp, nếu 2 nước này tấn công Nga hoặc tham chiến ở Ba Lan.
Thời bấy giờ, khoảng 70% các tàu buôn của Anh, Pháp rong ruổi trên biển bằng buồm. Nếu chiến tranh xảy ra, 12 tàu chiến chạy động cơ hơi nước của Nga sẽ là nỗi khiếp sợ với thương nhân Anh, Pháp.
Theo Russia Beyond, Chuẩn đô đốc Lessovsky đã nhận được mật lệnh của cấp trên khi đưa hạm đội đến New York. Theo đó, hạm đội Nga được lệnh tham chiến nếu Anh, Pháp điều quân hỗ trợ Liên minh miền Nam. Nếu Anh, Pháp tuyên chiến với Nga, hạm đội này sẽ tấn công các tàu buôn của Anh, Pháp.
“Trong trường hợp có chiến tranh, hạm đội sẽ phá hủy hoạt động của kẻ thù và tấn công vào những địa điểm được bảo vệ kém của đối phương. Hoạt động của hạm đội chủ yếu ở Đại Tây Dương, nhưng ông có thể điều chuyển lực lượng theo cách ông cho là hợp lý nhất”, mật lệnh viết.
Kịch bản trên đã không xảy ra vì Anh, Pháp không đưa quân vào miền Nam Mỹ, cũng không tuyên chiến với Nga. Tháng 6/1864, cuộc nổi dậy ở Ba Lan bị Nga dập tắt. Trước đó, Anh và Pháp đã buộc Nga phải tuyên bố Ba Lan độc lập.
Thủy thủ hạm đội Nga chụp ảnh ở Mỹ (ảnh: Russia Beyond)
Tháng 7/1864, 12 tàu chiến của Nga được lệnh rút khỏi Mỹ. Thời điểm này, phe miền Bắc gần như đã nắm chắc phần thắng trong tay.
Tháng 5/1865, nội chiến Mỹ chấm dứt với phần thắng thuộc về Liên bang miền Bắc.
Sự có mặt của 2 hạm đội Nga đã góp phần giúp phe miền Bắc thắng trận. Nếu không có 12 tàu chiến Nga, 2 cảng chiến lược New York và San Francisco có thể bị tấn công bất cứ lúc nào và khiến lực lượng miền Bắc hoang mang.
Cựu Ngoại trưởng Mỹ William Seward nhận định, sự bảo vệ của 12 tàu chiến Nga là một phần nguyên nhân khiến Anh, Pháp không can thiệp và cuộc nội chiến Mỹ.
Đại tướng Oleksandr Syrskyi – Tư lệnh Lực lượng Lục quân Ukraine – đã tới thị sát Bakhmut lần thứ 3 trong vòng chưa đầy một tuần.
Nguồn: [Link nguồn]