Nga, Trung Quốc, Thổ Nhĩ Kỳ lên tiếng về tình hình ở Syria

Sự kiện: Tin tức Syria
00:00 / 0:00
Chuẩn
Tốc độ đọc

Trước tình hình ở Syria, các nước Nga, Trung Quốc và Thổ Nhĩ Kỳ đồng loạt lên tiếng bày tỏ quan ngại.

Cuộc tấn công của nhóm phiến quân Hayat Tahrir-al-Sham (HTS) cùng các lực lượng đồng minh nhằm vào quân đội chính phủ Syria tiếp tục leo thang trong ngày qua.

Trước diễn biến này, nhiều quốc gia như Nga, Trung Quốc và Thổ Nhĩ Kỳ đã đồng loạt lên tiếng bày tỏ quan ngại và đưa ra các tuyên bố phản ứng.

Nga

Ngày 2-12, phát ngôn viên Điện Kremlin - ông Dmitry Peskov cho biết Nga sẽ tiếp tục hỗ trợ Tổng thống Syria - ông Bashar Assad khi chính phủ Damascus đang nỗ lực đối phó nhóm phiến quân Hayat Tahrir-al-Sham (HTS) và đồng minh nhóm này, đài RT đưa tin.

Ông Peskov nhấn mạnh "tất nhiên Nga vẫn tiếp tục ủng hộ ông Assad", đồng thời nói thêm rằng Moscow và Damascus đã liên lạc và đang phân tích những diễn biến đang diễn ra.

"Chúng tôi sẽ đề ra các biện pháp nhằm ổn định tình hình ở Syria" - ông Peskov nhấn mạnh.

Nhóm phiến quân nổ súng vào quân đội Syria ở quận Al-Rashidin (ngoại ô TP Aleppo, tỉnh cùng tên). Ảnh: AFP

Nhóm phiến quân nổ súng vào quân đội Syria ở quận Al-Rashidin (ngoại ô TP Aleppo, tỉnh cùng tên). Ảnh: AFP

Trước đó, ông Peskov đã mô tả vụ tấn công này là "một hành động xâm phạm chủ quyền của Syria”.

Theo hãng thông tấn SANA, các máy bay chiến đấu của Nga đồn trú tại Syria đã tiến hành các cuộc không kích vào các lực lượng phiến quân trong những ngày gần đây. SANA cho biết các cuộc không kích này đã tiêu diệt hàng trăm tay súng, cũng như phá hủy các sở chỉ huy, kho vũ khí và đạn dược của phe phiến quân.

Trung Quốc

Ngày 2-12, phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Lâm Kiếm cho biết Trung Quốc "rất quan ngại" trước tình hình căng thẳng ở Syria, nhấn mạnh rằng với tư cách là "người bạn" của Damascus, Bắc Kinh sẵn sàng thực hiện các bước tích cực để ngăn chặn tình hình leo thang, theo trang web Bộ này (fmprc.gov.cn).

"Trung Quốc rất quan ngại về tình hình ở Syria và hoàn toàn ủng hộ nỗ lực của nước này trong việc bảo vệ an ninh và ổn định quốc gia. Là bạn của Syria, Trung Quốc sẵn sàng đóng góp tích cực để tránh tình hình xấu đi" - ông Lâm nói.

Phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Lâm Kiếm. Ảnh: BỘ NGOẠI GIAO TRUNG QUỐC

Phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Lâm Kiếm. Ảnh: BỘ NGOẠI GIAO TRUNG QUỐC

Đại sứ quán Trung Quốc tại Syria cũng cho hay “đang theo dõi chặt chẽ tình hình địa phương” và đã ban hành cảnh báo an ninh cho công dân Trung Quốc đang cư trú tại quốc gia này.

Đại sứ quán khuyến cáo họ thực hiện các biện pháp phòng ngừa an ninh bổ sung và nếu có thể, hãy di chuyển đến những khu vực an toàn hơn, ông Lâm cho biết.

Mối quan hệ giữa Trung Quốc và Syria đã trở nên chặt chẽ hơn trong những năm gần đây. Tháng 9 năm ngoái, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và người đồng cấp Syria Bashar Assad đã ký một thỏa thuận “đối tác chiến lược”, cam kết hợp tác để “cùng nhau bảo vệ sự công bằng và công lý quốc tế” trước “tình hình quốc tế bất ổn và không chắc chắn”.

Vào thời điểm đó, ông Tập đã khẳng định với ông Assad rằng Bắc Kinh ủng hộ Syria trong việc “chống lại sự can thiệp từ bên ngoài và các hành động bắt nạt đơn phương, đồng thời bảo vệ độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của quốc gia” của Damascus.

Thổ Nhĩ Kỳ

Ngày 2-12, Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ Hakan Fidan nói rằng những diễn biến tại Syria nhấn mạnh nhu cầu cấp thiết để chính phủ Syria hòa giải với người dân và phe phiến quân, đồng thời khẳng định Ankara sẵn sàng hỗ trợ các cuộc đối thoại nhằm thúc đẩy tiến trình hòa giải này, theo hãng tin Reuters.

Tuyên bố được đưa ra sau cuộc gặp giữa ông Fidan và Ngoại trưởng Iran - ông Abbas Araqchi.

"Sẽ là sai lầm nếu giải thích các sự kiện ở Syria chỉ dựa trên sự can thiệp từ bên ngoài. Những diễn biến gần đây cho thấy rõ rằng Damascus cần hòa giải với người dân và [phe phiến quân] - ông Fidan nói.

Ông Fidan nhấn mạnh rằng tình trạng leo thang bạo lực tại Syria bắt nguồn từ các vấn đề chưa được giải quyết suốt hơn 13 năm qua, đồng thời bày tỏ sự phản đối của Thổ Nhĩ Kỳ đối với bất kỳ hành động leo thang nào ở Syria hoặc nguy cơ gây ra một làn sóng người tị nạn mới.

Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan sau đó bày tỏ hy vọng rằng bất ổn tại Syria có thể được giải quyết thông qua một thỏa thuận đáp ứng nguyện vọng của người dân Syria. Ông cũng khẳng định Ankara đang theo dõi sát tình hình và thực hiện các biện pháp cần thiết để bảo đảm an ninh quốc gia.

Ông Fidan cho biết nỗ lực khôi phục tiến trình hòa bình Astana đang được thực hiện, với khả năng một cuộc họp mới trong khuôn khổ này sẽ sớm diễn ra. Tiến trình hòa bình Astana là một sáng kiến do Iran, Thổ Nhĩ Kỳ và Nga đề xuất từ năm 2017, chỉ định các khu vực như Aleppo và Idlib là vùng giảm leo thang.

Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ nhấn mạnh rằng tất cả các bên liên quan cần đẩy mạnh việc thiết lập đối thoại giữa chính quyền Damascus và phe phiến quân.

Thổ Nhĩ Kỳ, Nga và Iran tiếp tục đóng vai trò quan trọng trong các cuộc đàm phán về tương lai của Syria thông qua. Theo Reuters, trong khi Nga và Iran ủng hộ chính quyền Tổng thống Bashar al-Assad, thì Thổ Nhĩ Kỳ vẫn đứng về phía phe đối lập chính trị và vũ trang ở Syria.

Trong những ngày qua, một số quốc gia như Iraq và Ai Cập cũng đã bày tỏ sự ủng hộ đối với Damascus, ca ngợi nỗ lực của chính quyền Syria trong cuộc chiến chống chủ nghĩa khủng bố. Tehran kêu gọi các quốc gia Hồi giáo đoàn kết để giúp Syria đẩy lùi các nhóm phiến quân, đồng thời quy trách nhiệm cho Israel và Mỹ về sự leo thang xung đột.

Không quân Nga – Syria tiếp tục xuất kích, giáng đòn vào “sào huyệt” của phiến quân trong khi Damascus đón thêm hàng trăm chiến binh từ nước ngoài.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo DƯƠNG KHANG ([Tên nguồn])
Tin tức Syria Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN