Nga, Trung Quốc hay Mỹ sẽ cán đích trước trong cuộc đua vũ khí siêu thanh?

Sự kiện: Vũ khí quân sự

Mỹ đã nhiều lần thử vũ khí siêu thanh nhưng thất bại, trong khi Trung Quốc và Nga đạt được bước tiến. Vậy có thể kết luận nước nào sẽ cán đích trước trong cuộc đua vũ khí này hay không?

Cuộc thử nghiệm tên lửa siêu thanh mới nhất của Mỹ đã thất bại, trong khi Trung Quốc được cho là đã thử nghiệm một loại tên lửa siêu thanh bay quanh trái đất, còn Nga đã tiến hành vụ phóng thử tên lửa hành trình siêu thanh Zircon lần hai và đã thành công. Dù vậy, từ các diễn biến này có thể xác định được nước nào sẽ cán đích đầu tiên trong cuộc đua phát triển loại vũ khí tương lai này hay không?

Mỹ liên tục thử nghiệm thất bại vũ khí siêu thanh

Hôm 21-10, Lầu Năm Góc thông báo quân đội Mỹ đã thử nghiệm một vũ khí siêu thanh tại trung tâm vũ trụ Pacific Spaceport Complex ở TP Kodiak, bang Alaska, nhưng không thành công sau khi động cơ đẩy gặp lỗi kỹ thuật khiến tên lửa không thể bay lên.

Tên lửa AGM-183A của Mỹ. Ảnh: US AIR FORCE / GIANCARLO CASEM / HANDOUT/REUTERS

Tên lửa AGM-183A của Mỹ. Ảnh: US AIR FORCE / GIANCARLO CASEM / HANDOUT/REUTERS

Trước đó trong năm nay, Không quân Mỹ đã có hai lần thử nghiệm thất bại tên lửa siêu thanh AGM-183A.

Dù vậy, tuần trước, Mỹ thông báo nước này đã thử nghiệm thành công công nghệ tên lửa siêu thanh tại một cơ sở của Cơ quan Hàng không Vũ trụ Mỹ (NASA) ở Wallops, bang Virginia.

“Cuộc thử nghiệm này đã chứng minh các khả năng, những hệ thống nguyên mẫu cùng các công nghệ siêu thanh tiên tiến trong môi trường hoạt động thực tế” – Hải quân Mỹ cho biết trong một tuyên bố.

Tuyên bố nói thêm đây là một bước đi quan trọng trong việc phát triển tên lửa siêu thanh thông thường do Hải quân thiết kế.

Tuyên bố nhấn mạnh các cuộc thử nghiệm vũ khí và khí tài quân sự thất bại ở giai đoạn phát triển là điều bình thường của quá trình này.

Sau vụ phóng tên lửa AGM-183A không thành công đầu tiên tại biển Thái Bình Dương, một số hãng truyền thông nhanh chóng kết luận Mỹ không thể gia nhập câu lạc bộ những nước có vũ khí siêu thanh trong kho vũ khí của mình như Nga và Trung Quốc. Tuy nhiên, nhà bình luận quân sự người Nga Mikhail Khodarenok cho rằng các nhà quan sát đã đưa ra kết luận vội vã. Ông Khodarenok là đại tá về hưu, từng làm việc tại Ban tham mưu Lực lượng vũ trang Nga.

Còn quá sớm để kết luận

Theo ông Khodarenok, các cuộc thử nghiệm siêu thanh được coi là bí mật nhà nước và thông tin quân sự mật ở cả Mỹ, Nga và Trung Quốc.

Hiện không có dữ liệu về những vụ phóng thử vũ khí siêu thanh do phía Trung Quốc đưa ra. Mỹ thì cởi mở hơn trong khía cạnh này nhưng vẫn là thông tin mật. Công chúng không có cách nào biết được kết quả thực tế của các cuộc thử nghiệm vũ khí siêu thanh. Do đó, khi các nhà báo viết rằng Mỹ lần nữa thất bại thì đó không phải là một đánh giá chính xác.

Tên lửa hành trình siêu thanh Zircon được phóng từ tàu hộ vệ tên lửa dẫn đường Đô đốc Gorshkov trong một cuộc thử nghiệm ở Biển Trắng. Hình ảnh được cắt từ video công bố hôm 7-10-2020. Ảnh: REUTERS / RUSSIAN DEFENCE MINISTRY / HANDOUT

Tên lửa hành trình siêu thanh Zircon được phóng từ tàu hộ vệ tên lửa dẫn đường Đô đốc Gorshkov trong một cuộc thử nghiệm ở Biển Trắng. Hình ảnh được cắt từ video công bố hôm 7-10-2020. Ảnh: REUTERS / RUSSIAN DEFENCE MINISTRY / HANDOUT

Ông Khodarenok nhắc lại vụ phóng thử tên lửa chống đạn đạo V-1000 của Liên Xô thành công lần đầu tiên ngày 4-3-1961, khi chặn được tên lửa đạn đạo R-12. Đây là khoảnh khắc thành công của vũ khí Liên Xô. Tuy nhiên, trước đó Liên Xô đã có tới 11 lần phóng thất bại. Hàng trăm vụ thử vũ khí tên lửa phòng không đã diễn ra và không phải lần nào cũng thành công.

Theo chuyên gia Khodarenok, công chúng không biết chính xác những gì đã xảy ra với các vụ thử mới nhất của Mỹ và không thể tiếp cận thông tin đó. Nói chung, công chúng không biết nhiều về công nghệ đằng sau tên lửa của Mỹ. Các chi tiết và thông số kỹ thuật chưa bao giờ được công bố.

Đối với tên lửa siêu thanh của Trung Quốc, hoàn toàn không có thông tin xác thực về chúng. Bắc Kinh đã bác các báo cáo cho rằng nước này vừa thử nghiệm một loại tên lửa siêu thanh có thể mang đầu đạn hạt nhân. Trung Quốc nói rằng đó không phải là tên lửa mà chỉ là cuộc kiểm tra tàu vũ trụ thông thường. Tuy nhiên, khó có thể che giấu điều gì với hệ thống cảnh báo tên lửa tấn công của Mỹ và Nga.

Vì thế có thể giả định một số chuyên gia có thể có thông tin cần thiết liên quan tới tên lửa siêu thanh Trung Quốc. Ngay sau vụ phóng thử vũ khí của Trung Quốc, các đơn vị do thám vũ trụ của Mỹ và Hệ thống Radar cảnh báo sớm Tên lửa đạn đạo của Nga có thể đã tính toán được quỹ đạo của tên lửa Trung Quốc và quân đội hai nước được thông báo về tất cả tham số nhiệm vụ của nó.

Đó là lý do Tổng thống Mỹ Joe Biden cho biết ông lo ngại về khả năng hoạt động của vũ khí Trung Quốc. Tướng Mark A. Milley, Chủ tịch Hội đồng tham mưu trưởng liên quân Mỹ, coi vụ phóng tên lửa siêu thanh của Trung Quốc nói trên là rất đáng lo ngại và so vụ phóng với “khoảnh khắc Sputnik”, vụ Liên Xô phóng vệ tinh đầu tiên của thế giới năm 1957 trong cuộc chạy đua vũ trụ Mỹ-Liên Xô.

Máy bay ném bom B-52 của Mỹ mang phương tiện siêu thanh X-51 Waverider. Ảnh: BOBBI ZAPKA / REUTERS

Máy bay ném bom B-52 của Mỹ mang phương tiện siêu thanh X-51 Waverider. Ảnh: BOBBI ZAPKA / REUTERS

Cũng theo chuyên gia Khodarenok, thử nghiệm vũ khí siêu thanh là một cuộc chạy đường dài, không phải cuộc chạy nước rút, ở bất kỳ quốc gia nào. Vì thế, việc xem ai dẫn trước hay đi sau một chút trong cuộc đua này là điều vô nghĩa tại thời điểm này. Điều quan trọng ở đây không phải bản thân cuộc chạy đua mà là ai sẽ cán đích đầu tiên, tức là ai sẽ đưa vũ khí siêu thanh vào hoạt động và bắt đầu sản xuất hàng loạt. Và dù vậy đây cũng không phải là chỉ dấu thành công.

Chỉ khi sử dụng thành công phương tiện lượn siêu thanh trong thực chiến thì mới có thể xác định được quốc gia dẫn đầu thực sự. Đây là “kỳ thi cuối cùng” thực sự đối với bất kỳ loại vũ khí nào. Đây là bài kiểm tra thực tế có thể chứng minh rằng ý tưởng ban đầu có kết quả, các nguồn lực được đầu tư hiệu quả và các nhà phát triển đã đi đúng hướng. Còn tại thời điểm này ăn mừng hay hả hê đều sẽ là quá sớm.

CEO tập đoàn quốc phòng: Mỹ ”đi sau” TQ vài năm về vũ khí siêu thanh

Giám đốc điều hành của tập đoàn quốc phòng Mỹ Raytheon Technologies mới đây cho rằng, chính phủ Mỹ đang đi sau Trung Quốc...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo TRI TÚC ([Tên nguồn])
Vũ khí quân sự Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN