Nga - Trung Quốc cùng nhau gây dựng nhóm đối trọng với G7?
Nhóm Các nền kinh tế mới nổi (BRICS) do Nga và Trung Quốc dẫn đầu có thể mở rộng thành viên để trở thành đối trọng với G7 – nhóm 7 nền công nghiệp hàng đầu thế giới do Mỹ dẫn đầu.
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Tổng thống Nga Putin cùng uống rượu (ảnh: CNN)
Hôm 30.6, tờ Frankfurter Allgemeine Zeitung (FAZ) của Đức đưa tin, Trung Quốc và Nga đang muốn mở rộng BRICS để cạnh tranh ảnh hưởng với G7. Hiện tại, BRICS bao gồm 5 nền kinh mới nổi hàng đầu là Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc và Nam Phi.
Theo FAZ, kể từ khi mở chiến dịch quân sự ở Ukraine và liên tục bị phương Tây trừng phạt, Nga đã cố gắng củng cố liên minh với các quốc gia ở khu vực châu Á, châu Phi và Mỹ Latinh. Nga đang ấp ủ hy vọng biến BRICS trở thành đối trọng với G7. Trước đây, với sự góp mặt của Nga, G7 có tên là G8.
Hôm 27.6, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga – bà Maria Zakharova – thông báo, Argentina và Iran đã nộp đơn xin gia nhập BRICS.
Bình luận trên Telegram, Aleksey Pushkov – thượng nghị sĩ Nga, người từng là lãnh đạo Ủy ban Đối ngoại của Hạ viện Nga – cho rằng, dù không tuyên bố chính thức, nhưng BRICS có mục tiêu trở thành “sự thay thế, thậm chí là đối trọng với G7 trong tương lai”.
Theo ông Pushkov, đơn xin gia nhập BRICS của Iran và Argentina là “bước đột phá”.
“Động thái này không chỉ làm suy yếu nỗ lực cô lập Nga của phương Tây mà còn mở rộng đáng kể một tổ chức kinh tế - chính trị hàng đầu thế giới không do phương Tây điều khiển”, ông Pushkov nhận xét.
Theo FAZ, Trung Quốc cũng rất mong đợi sự mở rộng của BRICS và nước này muốn mời Indonesia và Ai Cập tham gia. Giống với Nga, Trung Quốc cũng bị phương Tây gây sức ép và muốn có một tổ chức đối trọng với G7.
Với mục tiêu này, Trung Quốc đã cố gắng đẩy hội nghị của BRICS lên sớm hơn dự kiến (từ ngày 4.7 sang ngày 23.6). Đây cũng là thời điểm ngay trước khi hội nghị thượng đỉnh G7 khai mạc ở Đức hôm 26.6.
Hôm 28.6, trong khi hội nghị G7 đang diễn ra, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Triệu Lập Kiên đã đăng một hình ảnh “mỉa mai” lên mạng xã hội, ám chỉ “cộng đồng quốc tế” của G7 có tổng số dân chỉ 777 triệu người, trong khi khối BRICS là 3,2 tỉ dân.
Trong bài phát biểu tại BRICS, Chủ tịch Tập Cận Bình mô tả nhóm này là “đại gia đình”, trái ngược với “vòng tròn bá chủ” của G7.
Nguồn: [Link nguồn]
Trung Quốc cho rằng, với “tư duy Chiến tranh lạnh và thành kiến ý thức hệ”, chính NATO mới là bên “thách thức an ninh toàn cầu và phá hoại hòa bình thế giới”.