Nga “trêu ngươi” các nước cung cấp vũ khí cho Ukraine
Nga có thể trưng bày khí tài quân sự bị phá hủy bên ngoài đại sứ quán của các quốc gia phương Tây cung cấp vũ khí cho Ukraine.
Đề xuất này đã được đưa ra tại Duma Quốc gia (Hạ viện Nga) hôm 12-7. Chủ tịch Hạ viện Nga Vyacheslav Volodin đã giao nhiệm vụ cho Ủy ban Quốc phòng Hạ viện thảo với Bộ Quốc phòng để bàn chi tiết về các cuộc "triển lãm" tiềm năng nói trên.
Chủ tịch Hạ viện Nga Volodin nói: "Đề xuất trưng bày những khí tài cháy rụi của phương Tây trước cổng đại sứ quán các quốc gia cung cấp chúng cho Ukraine rất thú vị".
Theo đài RT, đề xuất này gợi nhớ đến việc Ukraine từng tổ chức cuộc trưng bày thường trực ở Kiev về các thiết bị quân sự bị phá hủy mà họ tuyên bố là của Nga.
Nhiều phương tiện của Ukraine bị phá hủy: Ảnh: Russia Today
Ukraine được cho là đã chịu tổn thất nặng nề về thiết bị quân sự do phương Tây cung cấp trong tháng qua. Nhiều xe chiến đấu bộ binh Bradley do Mỹ sản xuất, xe bọc thép chở quân nhân M113 cũng như phiên bản nâng cấp do Hà Lan sản xuất YPR-765 và xe tăng Leopard 2 do Đức sản xuất đã bị phá hủy.
Kiev chịu thiệt hại khi phát động cuộc phản công vào đầu tháng 6. Theo Nga, chiến dịch của Ukraine không đạt được bất kỳ thắng lợi lớn nào.
Nga đã nhiều lần kêu gọi phương Tây ngừng "bơm" các loại vũ khí cho Ukraine, cảnh báo rằng điều này chỉ làm kéo dài tình trạng đối đầu hơn là thay đổi kết quả.
Các quan chức cấp cao ở Moscow cũng nhấn mạnh việc cung cấp vũ khí ngày càng tối tân cho Kiev sẽ làm tăng nguy cơ xung đột trực tiếp giữa Nga và NATO.
Trong diễn biến liên quan, Cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ Jake Sullivan cho biết Kiev có khả năng nhận được máy bay chiến đấu F-16 từ các đồng minh của Mỹ ở châu Âu. Trong khi đó, nhiều quốc gia NATO đã đề nghị đào tạo phi công Ukraine, dù vậy cho đến nay chưa có quốc gia nào cam kết gửi máy bay.
Ông Sullivan nói thêm: "Quy trình đào tạo sẽ mất một khoảng thời gian, sau đó là giai đoạn chuyển giao F-16, có thể là từ các quốc gia châu Âu có nguồn cung F-16 dư thừa".
Hôm 11-7, Đan Mạch đã công bố "liên minh" sẽ đảm nhận việc đào tạo phi công Ukraine điều khiển máy bay do Mỹ sản xuất, bắt đầu từ tháng 8. "Liên minh" này được dẫn đầu bởi Đan Mạch và Hà Lan, ngoài ra còn có Bỉ, Canada, Luxembourg, Na Uy, Ba Lan, Bồ Đào Nha, Romania, Anh và Thụy Điển.
Bộ trưởng Ngoại giao Ukraine Dmitry Kuleba cho biết khóa huấn luyện sẽ bắt đầu vào khoảng tháng 8, có thể là đầu tháng 9. Ông nói lý tưởng nhất là những chiếc F-16 đầu tiên do phi công Ukraine điều khiển sẽ được cất cánh "vào cuối quý đầu tiên của năm sau".
Lực lượng đánh thuê có ảnh hưởng nhất của Nga đã bàn giao hơn 2.000 trang thiết bị quân sự, 2.500 tấn đạn dược các loại và hơn 20.000 khẩu súng.
Nguồn: [Link nguồn]