Nga trấn an, kéo giảm nỗi lo vũ khí hạt nhân

Sức nóng về kịch bản Nga sử dụng vũ khí hạt nhân ở Ukraine được giải tỏa phần nào từ các động thái trấn an của Moscow, bên cạnh điều kiện khách quan từ chiến trường.

Gần đây, những lo ngại về khả năng Nga triển khai vũ khí hạt nhân lên chiến trường Ukraine xuất hiện thường xuyên hơn trong giới lãnh đạo và học giả phương Tây với lý do các lực lượng Nga đang rơi vào thế bị động trên nhiều mặt trận trong khi quân Ukraine liên tiếp giành thắng lợi chiến lược và tái chiếm được nhiều vùng lãnh thổ. Nga hiện đã chính thức lên tiếng về kịch bản này.

Nga cam kết “không cảm tính” về vấn đề hạt nhân

Những ngày qua Nga liên tục có các phát ngôn trấn an về nỗi lo chiến tranh hạt nhân. Ngày 3-10, phát ngôn viên điện Kremlin Dmitry Peskov cho biết các vấn đề liên quan tới vũ khí hạt nhân sẽ được Moscow tiếp cận “một cách cân bằng”, “không cảm tính”, theo hãng thông tấn TASS. Trước đó, lãnh đạo Cộng hòa Chechnya thuộc Nga Ramzan Kadyrov đã công khai chỉ trích khả năng cầm quân của giới tướng lĩnh Nga và kêu gọi Moscow nên cân nhắc dùng vũ khí hạt nhân quy mô nhỏ ở Ukraine.

Theo ước tính của Liên đoàn Các nhà khoa học Mỹ, Nga hiện có 5.977 đầu đạn hạt nhân, bao gồm khoảng 1.500 đầu đạn không còn biên chế sử dụng và chuẩn bị được tháo gỡ. Khoảng 1.500 đầu đạn khác đang trong tình trạng “triển khai” - tức đang được lắp đặt tại các căn cứ tên lửa, trên máy bay ném bom hoặc ở các tàu ngầm trên biển.

“Người đứng đầu các khu vực như ông Kadyrov có quyền bày tỏ quan điểm của mình nhưng ngay cả trong những thời điểm khó khăn nhất thì chúng tôi vẫn không được để cảm xúc xen vào bất kỳ hình thức đánh giá nào. Chúng tôi sẽ có cách tiếp cận cân bằng, “không cảm tính” - ông Peskov nói.

Ông Peskov khẳng định rằng học thuyết hạt nhân của Nga là cơ sở quan trọng cho bất kỳ quyết định nào về việc sử dụng vũ khí hạt nhân của nước này. Học thuyết này đặt ra khá nhiều tình huống mà Moscow có thể sử dụng kho vũ khí hạt nhân. Một trong các tình huống đó là khi đối thủ phát động chiến tranh đe dọa trực tiếp đến sự tồn tại của quốc gia - dân tộc Nga.

Dù vậy, ngưỡng đe dọa từ một cuộc tấn công nói trên chưa được giới chức Nga vạch rõ. Trong diễn văn mới đây về lệnh tổng động viên một phần, Tổng thống Vladimir Putin khẳng định Nga lúc này đang kẹt giữa “một cuộc đấu tranh sinh tồn”, theo hãng tin Reuters. Ông tái khẳng định quan điểm rằng mục tiêu của phương Tây là ủng hộ Ukraine để phá hủy Nga và đe dọa toàn thể dân tộc Nga. Ông Putin tuyên bố Moscow được phép sử dụng vũ khí hạt nhân nhằm bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ của Nga, mà hiện giờ bao gồm thêm cả bốn tỉnh ly khai của Ukraine mà Nga sáp nhập.

Một tên lửa đạn đạo có khả năng mang đầu đạn hạt nhân xuất hiện tại lễ duyệt binh mừng Ngày chiến thắng ở thủ đô Moscow (Nga) hồi tháng 6-2020. Ảnh: GETTY IMAGES

Một tên lửa đạn đạo có khả năng mang đầu đạn hạt nhân xuất hiện tại lễ duyệt binh mừng Ngày chiến thắng ở thủ đô Moscow (Nga) hồi tháng 6-2020. Ảnh: GETTY IMAGES

Dùng vũ khí hạt nhân không có lợi cho Nga

Tờ The Wall Street Journal dẫn nhận định của giới chuyên gia rằng ngay cả khi Moscow quyết tâm dùng vũ khí hạt nhân ở Ukraine thì đây cũng sẽ là một nước đi không hề có lợi cho Nga. Theo ông Francois Heisbourg, cố vấn về quốc phòng tại Quỹ nghiên cứu chiến lược (Pháp), ngay cả kịch bản Nga sử dụng vũ khí hạt nhân chiến thuật cỡ nhỏ trên chiến trường sẽ tạo ra “chấn động lớn nhưng không mang lại quá nhiều lợi thế quân sự”.

Ukraine không tập trung nhiều quân tại một địa điểm mà phân tán lực lượng trên chiến tuyến kéo dài hàng trăm cây số, nên Nga sẽ rất khó gây tổn thất lớn cho binh lực đối phương bằng đòn tấn công hạt nhân chiến thuật. Trong khi đó, nếu sử dụng vũ khí hạt nhân, Nga sẽ tạo ra những đám bụi phóng xạ trên chiến trường mà các lực lượng này phải vượt qua nếu muốn tiến công.

Bên cạnh đó, Moscow cũng sẽ đi ngược xu hướng chung về hạn chế phổ biến vũ khí hạt nhân trên toàn cầu đã được áp dụng từ Thế chiến II, được thể hiện bằng Hiệp ước không phổ biến vũ khí hạt nhân (NPT) vào năm 1968 với hơn 190 nước ký và Hiệp ước cấm vũ khí hạt nhân (TPNW) vào năm 2017 với hơn 90 nước ký. Gần đây nhất, đầu năm nay, lãnh đạo năm nước sở hữu vũ khí hạt nhân gồm Trung Quốc, Nga, Mỹ, Anh, Pháp đã họp và ra “tuyên bố chung về ngăn ngừa chiến tranh hạt nhân và phòng tránh chạy đua vũ trang” với nội dung nói rõ “chiến tranh hạt nhân đánh không thắng và cũng không thể đánh được”.

Việc đi ngược lại xu hướng nói trên sẽ khiến Nga rơi vào tình cảnh khó khăn hơn vì chắc chắn phương Tây sẽ đáp trả mạnh không chỉ về quân sự mà cả bằng các đợt cấm vận nặng hơn nữa. Tổng thống Mỹ Joe Biden đã nhiều lần tuyên bố rằng Moscow sẽ phải đối mặt với phản ứng rắn từ Washington nếu sử dụng vũ khí hạt nhân. Nhiều quan chức Mỹ đã làm rõ là sẽ không phải là một đòn tấn công đáp trả bằng vũ khí hạt nhân mà thay vào đó Mỹ và đồng minh có thể trực tiếp đổ quân phá hủy những khí tài quân sự mà Nga đang triển khai ở Ukraine.

Ngoài ra, chưa kể Nga còn có rủi ro mất đồng minh vốn vẫn ủng hộ Nga kể từ khi xung đột với Ukraine, bởi đánh giá từ phương diện nào đi nữa thì việc sử dụng vũ khí hạt nhân là một hành động quá tay vì mức độ tàn phá khủng khiếp của nó.

Bộ Quốc phòng Mỹ: Không có dấu hiệu Nga sẽ tấn công hạt nhân

Ngày 8-10, phát ngôn viên Bộ Quốc phòng Mỹ J. Todd Breasseale nói với trang Politico rằng Mỹ vẫn không thấy bất kỳ dấu hiệu nào cho thấy Nga đang chuẩn bị cho một cuộc tấn công hạt nhân. Theo ông, “chúng tôi không thấy có lý do gì để điều chỉnh tư thế hạt nhân chiến lược của mình cũng như không thấy có dấu hiệu Nga đang chuẩn bị sử dụng vũ khí hạt nhân”. Ngày trước đó, thư ký báo chí Bộ Quốc phòng Mỹ - Chuẩn tướng Patrick Ryder cũng nói “chúng tôi không đánh giá rằng Tổng thống Putin đã đưa ra quyết định sử dụng vũ khí hạt nhân vào lúc này”. Ngày 3-10, Giám đốc Cục Tình báo Trung ương Mỹ (CIA) William Burns cũng nói với CIA đến nay chưa thấy bất kỳ bằng chứng thực tế nào cho thấy Nga sẽ sử dụng vũ khí hạt nhân chiến thuật ở Ukraine.

Trao đổi với đài BBC ngày 8-10, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky khẳng định rằng phát ngôn của ông liên quan khả năng NATO tấn công hạt nhân phủ đầu Nga đã bị hiểu sai, rằng ông thực sự muốn nói đến “những cú đá phòng ngừa” “chứ không phải tấn công”. BBC giải thích ý ông Zelensky là ám chỉ nên tăng trừng phạt Nga.

Nguồn: [Link nguồn]

Có gì trong kho vũ khí hạt nhân của Nga?

Theo ước tính, Nga hiện sở hữu khoảng 6.000 vũ khí hạt nhân với sức công phá vô cùng lớn.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo VĨ CƯỜNG ([Tên nguồn])
Xung đột Nga - Ukraine Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN