Nga tính “chơi lớn” khi dùng tàu ngầm hạt nhân để vận chuyển LNG ra khỏi Bắc Cực?
Dự án tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân chở LNG của Nga đã được trình bày tại một hội nghị công nghiệp ở St. Petersburg.
Minh họa tàu ngầm phá băng của hãng Malachite Design Bureau, Nga. Ảnh: Splash 247
Nga đã bắt đầu thiết kế tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân để xuất khẩu khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) từ Bắc Cực sang châu Á nhằm cố gắng giảm gần một nửa thời gian di chuyển dọc theo Tuyến đường biển phía Bắc (NSR), một quan chức nhà nước cấp cao cho biết hồi đầu tuần trước.
Nga vẫn đang sử dụng tàu phá băng chạy bằng năng lượng hạt nhân để mở đường cho hoạt động vận chuyển như vậy qua NSR, tuyến đường chạy dọc theo bờ biển Bắc Cực của Nga từ Murmansk ở phía Tây đến Eo biển Bering ở phía Đông, một tuyến đường mà Moscow coi là giải pháp thay thế nhanh hơn cho Kênh đào Suez và có kế hoạch phát triển hơn nữa.
Nhưng do các lệnh trừng phạt của Mỹ và EU nhắm vào khả năng xuất khẩu LNG của Nga, Moscow hiện đang thiếu tàu có khả năng di chuyển qua lớp băng dày ở Bắc Cực. Điển hình cho tình trạng này được nhìn thấy ở dự án Artic LNG 2 của gã khổng lồ Novatek.
Cơ sở Artic LNG 2 ở Bắc Cực đã bắt đầu sản xuất LNG trên biển vào tháng 12 năm ngoái. Mặc dù những chuyến hàng đầu tiên chở loại khí siêu lạnh này đã được vận chuyển vào đầu tháng 8, nhưng nó vẫn chưa được chuyển cho người mua cuối cùng.
Thiết kế tàu ngầm phá băng của hãng Malachite Design Bureau, Nga. Ảnh: HI Sutton
Ông Mikhail Kovalchuk, một cộng sự thân cận của Tổng thống Nga Vladimir Putin và là Giám đốc Viện Kurchatov, cơ sở nghiên cứu hạt nhân hàng đầu của Nga, đã trình bày dự án tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân chở LNG tại một hội nghị công nghiệp ở St. Petersburg vào tuần trước, theo trang web chính thức của sự kiện.
"Đây là về việc tạo ra một lớp tàu hoàn toàn mới có khả năng trở thành phương án thay thế cho các tàu chở khí đốt truyền thống, vốn không thể di chuyển quanh năm trong điều kiện Bắc Cực mà không có tàu phá băng hộ tống", trang web Offshore Marintec Russia 2024 cho biết.
Trang web trích dẫn lời ông Kovalchuk, người đã có cuộc hội đàm tại Điện Kremlin với ông Putin vào ngày 24/9, phát biểu tại hội nghị: "Việc tạo ra các tàu chở khí đốt chạy bằng năng lượng hạt nhân dưới nước đã được thảo luận từ lâu, kể từ đầu những năm 2000. Bây giờ chúng tôi (Viện Kurchatov) và Gazprom đã bắt đầu thiết kế một chiếc và công việc này sẽ được xúc tiến".
Hãng tin RBC cho biết, ý tưởng này là cắt giảm thời gian di chuyển qua tuyến NSR từ 20 ngày xuống còn 12 ngày, và cho biết các tàu ngầm sẽ có thể mang theo khoảng 180.000 tấn LNG, tương đương với tàu phá băng Arc7 chuyên dụng hiện nay.
Theo hãng tin này, các tàu ngầm được lên kế hoạch xây dựng sẽ dài 360 m và rộng không quá 70 m, và sẽ được cung cấp năng lượng bởi lò phản ứng hạt nhân RITM-200, loại lò mà Nga sử dụng để cung cấp năng lượng cho các tàu phá băng mới nhất của mình.
Tuy nhiên, một số chuyên gia tỏ ra hoài nghi về tính khả thi của dự án tàu ngầm chở LNG.
Ông Alexander Nikitin, cựu sĩ quan Hải quân Nga, hiện là chuyên gia hạt nhân tại Trung tâm Minh bạch Môi trường Bellona có trụ sở tại Vilnius (Litva), cho rằng khó có khả năng Nga chế tạo được một chiếc tàu ngầm như vậy.
Vị chuyên gia cho biết thêm rằng cũng cần thêm các tàu dịch vụ và bến tàu cũng như thủy thủ đoàn được đào tạo đặc biệt để vận hành một chiếc tàu ngầm hạt nhân chuyên chở LNG như vậy. Ông nói: "Dù mọi người nghĩ rằng có lẽ dự án sẽ khả thi. Nhưng xét đến tình hình hiện tại, theo tôi điều đó khó có thể xảy ra".
Tàu ngầm hạt nhân Hoàng đế Alexander III của Nga đã nổi lên mặt nước sau khi hoàn thành hành trình ấn tượng dưới lớp băng qua 6 vùng biển Bắc Cực dài 4.000 hải lý.
Nguồn: [Link nguồn]