Nga thành công “né” trừng phạt, vẫn nhập khẩu hàng tỷ USD, Euro tiền mặt
Hàng tỷ USD và Euro tiền mặt đã được chuyển đến Nga từ các quốc gia không áp đặt các hạn chế thương mại với Moscow.
Khoảng 2,3 tỷ USD và Euro vẫn được chuyển đến Nga kể từ khi Mỹ và EU cấm xuất khẩu tiền mặt sang nước này từ hồi tháng 3/2022 để phản ứng với chiến dịch quân sự đặc biệt của Moscow ở Ukraine, Reuters đưa tin hôm 12/8.
Dẫn dữ liệu hải quan chưa từng được báo cáo trước đây, hãng tin này cho biết, Nga đã thành công trong việc "lách" các lệnh trừng phạt về tiền mặt, và cho thấy rằng USD và Euro vẫn là công cụ hữu ích cho thương mại và du lịch.
Dữ liệu hải quan mà Reuters thu được cho thấy một lượng tiền mặt đã được vận chuyển đến Nga từ các quốc gia không áp đặt các hạn chế thương mại với Moscow, như UAE và Thổ Nhĩ Kỳ. Quốc gia xuất xứ của lượng tiền mặt còn lại không được nêu trong tệp dữ liệu này.
Hồi tháng 12 năm ngoái, Washington đã đe dọa trừng phạt các tổ chức tài chính giúp Nga lách lệnh trừng phạt và đã áp lệnh trừng phạt đối với các công ty từ các quốc gia thứ 3 trong suốt năm 2023 và 2024.
Đồng Nhân dân tệ của Trung Quốc đã vượt qua đồng bạc xanh để trở thành loại tiền tệ nước ngoài được giao dịch nhiều nhất tại Moscow, mặc dù vẫn còn những vấn đề đáng kể về thanh toán.
Một góc Điện Kremlin với Tháp Spasskaya và Nhà thờ St. Basil ở Moscow, Nga. Ảnh: Sputnik
Ông Dmitry Polevoy, giám đốc đầu tư tại Astra Asset Management ở Nga, cho biết nhiều người Nga vẫn muốn có ngoại tệ tiền mặt để đi du lịch nước ngoài, cũng như cho các hoạt động nhập khẩu nhỏ lẻ và tiết kiệm trong nước. "Đối với cá nhân, USD vẫn là một loại tiền tệ đáng tin cậy", ông Polevoy nói.
Ngân hàng Trung ương Nga (CBR) và Văn phòng Kiểm soát Tài sản Nước ngoài (OFAC) thuộc Bộ Tài chính Mỹ chuyên trách vấn đề trừng phạt, đã không trả lời yêu cầu bình luận.
Nga bắt đầu gọi USD và Euro là các loại tiền tệ "độc hại" vào năm 2022 khi các lệnh trừng phạt toàn diện cản trở Moscow tiếp cận hệ thống tài chính toàn cầu, từ đó gây khó khăn cho hoạt động thanh toán và thương mại. Khoảng 300 tỷ USD dự trữ ngoại hối của Ngân hàng Trung ương Nga tại châu Âu đã bị đóng băng.
Một phát ngôn viên của Ủy ban châu Âu (EC) cho biết họ không thể bình luận về các trường hợp áp dụng lệnh trừng phạt riêng lẻ. Vị phát ngôn viên cũng cho biết, Liên minh châu Âu (EU) sẽ hợp tác với các nước thứ 3 khi nghi ngờ rằng các lệnh trừng phạt đang bị né tránh.
Reuters cho biết hồ sơ hải quan mà hãng tin này tiếp cận được là trong khoảng thời gian từ tháng 3/2022 đến tháng 12/2023, và họ không thể truy cập dữ liệu gần đây hơn.
Các tài liệu cho thấy lượng tiền mặt nhập khẩu tăng đột biến ngay trước khi xung đột Nga-Ukraine búng phát. Từ tháng 11/2021 đến tháng 2/2022, 18,9 tỷ USD và Euro tiền mặt đã vào Nga, so với chỉ 17 triệu USD trong 4 tháng trước đó.
Ông Daniel Pickard, Trưởng nhóm thực hành thương mại quốc tế và an ninh quốc gia tại công ty luật Buchanan Ingersoll & Rooney của Mỹ, cho biết sự gia tăng đột biến trong các giao dịch trước xung đột cho thấy có khả năng một số người Nga muốn phòng xa trong trường hợp các lệnh trừng phạt có thể xảy ra.
Ngay sau khi cuộc chiến ở Ukraine bắt đầu, Ngân hàng Trung ương Nga đã nhanh chóng hạn chế việc rút ngoại tệ của các cá nhân để hỗ trợ đồng Rúp. Dữ liệu cho thấy chỉ có 98 triệu USD và Euro tiền mặt được rút khỏi Nga từ tháng 2/2022 đến cuối năm 2023. Ngược lại, dòng tiền nước ngoài chảy vào cao hơn nhiều.
Theo Ukrainska Pravda, một cuộc điều tra trước đó của các nhà báo đã tiết lộ rằng máy bay không người lái, bộ xử lý máy tính, thiết bị GPS, thẻ nhớ và các hàng hóa lưỡng dụng khác vẫn tiếp tục được cung cấp cho Nga thông qua Gruzia (Georgia), mặc dù chính quyền Tbilisi tuyên bố đã đóng các lỗ hổng để lách lệnh trừng phạt của phương Tây.
Trong những tháng gần đây, phương Tây ngày càng tập trung vào việc đóng các lỗ hổng cho phép Nga tiếp tục "né" các lệnh trừng phạt.
Nguồn: [Link nguồn]
Trung Quốc đã trở thành đối tác thương mại lớn nhất của Nga, với thương mại song phương được cho là đã tăng lên 136 tỷ USD trong nửa đầu năm nay.