Nga tạm đóng đường ống khí đốt, châu Âu “đứng ngồi không yên”

Kể từ khi phương Tây áp đặt các lệnh trừng phạt kinh tế sau khi Nga phát động chiến dịch quân sự ở Ukraine, một câu hỏi luôn được để ngỏ. Đó là khi nào Nga sẽ ngừng cấp khí đốt cho châu Âu?

Bộ trưởng Kinh tế Đức Robert Habeck.

Bộ trưởng Kinh tế Đức Robert Habeck.

Đó là kịch bản ác mộng sẽ khiến nền kinh tế châu Âu rơi vào suy thoái nghiêm trọng, theo CNN. Kịch bản này một lần nữa được nhắc đến rộng rãi ở châu Âu, trong bối cảnh Nga đã đóng đường ống Nord Stream 1 từ ngày 11.7 để bảo dưỡng định kỳ. Giới chức châu Âu lo ngại rằng, Nga có thể sẽ không khôi phục hoạt động đường ống Nord Stream 1 sau khi kết thúc quá trình bảo trì kéo dài 10 ngày, CNN cho biết.

“Mặc dù đây là hoạt động bảo trì thông thường vốn không gây chú ý, nhưng lần này, có những lo ngại ở châu Âu về việc Nga sẽ không tiếp tục cung cấp khí đốt cho châu Âu nữa”, các nhà phân tích tại ngân hàng Commerzbank, Đức, nhận định.

Lưu lượng khí đốt mà Nga chuyển cho châu Âu qua đường ống Nord Stream 1 thực tế đã giảm 60% vào tháng trước. Tập đoàn năng lượng Nga Gazprom nêu lý do các tuabin khí bị Canada giữ lại là nguyên nhân ảnh hưởng đến khả năng vận hành của đường ống.

“Chuyện gì cũng có thể xảy ra. Khí đốt có thể được bơm nhiều hơn qua đường ống Nord Stream sau bảo trì. Nhưng cũng có thể là không có gì cả”, Bộ trưởng Kinh tế Đức, Robert Habeck nói. “Chúng ta phải luôn chuẩn bị cho kịch bản xấu nhất và nỗ lực hướng tới điều tốt nhất”.

Bộ trưởng Tài chính Pháp Bruno Le Maire cảnh báo Pháp cần hành động nhanh nhạy và hiệu quả để sẵn sàng cho kịch bản “Nga cắt hoàn toàn khí đốt”, dù Paris không phụ thuộc phần lớn vào khí đốt của Nga như Đức.

Theo ông Le Maire, Pháp cần đẩy nhanh tiến độ xây dựng một kho dự trữ khí đốt ngoài khơi bờ biển Đại Tây Dương và xây dựng thêm nhiều lò phản ứng hạt nhân mới.

Đường ống Nord Stream 1 đi vào hoạt động từ năm 2011. Mỗi năm có 55 tỉ m3 khí đốt được Nga bơm sang châu Âu qua biển Baltic. Như các năm trước, tập đoàn Gazprom sẽ tăng nguồn cung khí đốt cho châu Âu từ các nguồn khác để bù đắp cho quãng thời gian bảo trì đường ống Nord Stream 1. 

Nhưng lần này, Gazprom bảo trì đường ống mà không đưa ra giải pháp bù đắp cho châu Âu, theo CNN. Tập đoàn năng lượng Italia Eni ngày 11.7 nhận được thông điệp từ Gazprom, nói lưu lượng khí đốt vận chuyển sẽ giảm còn 21 triệu m3/ngày, so với mức 32 triệu m3 của những ngày trước.

Theo CNN, châu Âu đang nỗ lực chấm dứt phụ thuộc vào năng lượng Nga, nhưng giảm phụ thuộc vào khí đốt là điều hết sức khó khăn. 45% lượng khí đốt mà châu Âu nhập khẩu vào năm ngoái đến từ Nga.

Nhiều nước châu Âu đang tích cực lấp đầy các cơ sở lưu trữ khí đốt, chuẩn bị cho mùa đông năm nay. Đức đã kích hoạt giai đoạn hai của chương trình khẩn cấp khí đốt gồm ba giai đoạn. 

Nước này đang tiến gần hơn tới việc chính phủ trực tiếp can thiệp vào hoạt động phân phối khí đốt, giáng đòn mạnh vào các trung tâm sản xuất của nền kinh tế Đức.

Người tiêu dùng Đức và ở một số nước châu Âu được yêu cầu giảm nhu cầu sử dụng khí đốt. Tuần trước, các chủ sở hữu nhà lớn nhất ở Đức thông báo sẽ giảm tần suất bơm khí đốt phục vụ nhu cầu sinh hoạt của người dân trong những tháng tới.

Giá khí đốt tự nhiên ở châu Âu đã tăng lên mức cao nhất kể từ tháng 3 vào tuần trước. Mức giá có thể tiếp tục tăng trong những ngày tới, gia tăng áp lực lên các chính phủ ở châu Âu trong việc phát triển các kế hoạch dự phòng.

“Giá khí đốt sẽ còn tăng cao kỷ lục ở châu Âu cho đến khi có thông tin rõ ràng về điều gì sẽ xảy ra với nguồn cung khí đốt sau khi hoạt động bảo trì đường ống Nord Stream 1 hoàn tất”, các nhà phân tích tại Commerzbank cho biết, theo CNN.

Nguồn: [Link nguồn]

Đức đếm ngược đến ngày định mệnh với khí đốt Nga

Đức và các đồng minh lo ngại cột mốc ngày 11-7 tới khi đường ống dẫn khí đốt chính của Nga tới châu Âu tạm ngừng hoạt động 10 ngày để bảo trì.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Đăng Nguyễn - CNN ([Tên nguồn])
Xung đột Nga - Ukraine Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN