Nga siết khí đốt sang châu Âu, quan chức Mỹ nói “nỗi sợ lớn nhất” thành hiện thực

Chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden đang nỗ lực hết sức đằng sau hậu trường để đảm bảo các đồng minh châu Âu đoàn kết trong nỗ lực đối phó Nga, giới chức Mỹ cho biết.

Mỹ luôn lo ngại khả năng Nga biến quân bài khí đốt trở thành vũ khí. Ảnh minh họa.

Mỹ luôn lo ngại khả năng Nga biến quân bài khí đốt trở thành vũ khí. Ảnh minh họa.

Hôm 25.7, tập đoàn năng lượng Nga tuyên bố giảm thêm lưu lượng đường ống Nord Stream 1, từ mức 40% xuống còn 20%. Một quan chức Mỹ nói với CNN rằng, động thái này là để trả đũa các lệnh trừng phạt, khiến châu Âu đối mặt nguy cơ không tích trữ đủ khí đốt cho mùa đông.

Phản ứng trước diễn biến này, Nhà Trắng đã cử điều phối viên về năng lượng toàn cầu, Amos Hochstein đến châu Âu vào ngày 26.7. 

Ông Hochstein sẽ có mặt ở Paris và Brussels để thảo luận về kế hoạch dự phòng với lực lượng ứng phó năng lượng mà Mỹ - EU đã thành lập vào tháng 3, một tháng sau khi cuộc xung đột Ukraine nổ ra.

“Đây là nỗi sợ lớn nhất của chúng tôi”, một quan chức Mỹ nói trên CNN. “Hệ quả mà châu Âu gánh chịu sẽ có tác động trở lại Mỹ, làm tăng giá khí đốt và giá điện”.

Đây được coi là phép thử lớn nhất mà Mỹ và châu Âu đối mặt nhằm giữ sự kiên định trong chiến lược trừng phạt Nga. Trước mắt, Mỹ mong muốn các thành viên Liên minh châu Âu (EU) tích cực tích trữ, giảm mức tiêu thụ khí đốt. Hôm 26.7, EU đã thông qua đề xuất mới, trong đó các nước thành viên giảm 15% lượng tiêu thụ khí đốt kể từ tháng 8.2022 cho tới tháng 3.2023.

Giới chức Mỹ sẽ cố gắng thuyết phục các nước châu Âu tiếp tục thúc đẩy điện hạt nhân. Đức sẽ dừng hoạt động 3 nhà máy điện hạt nhân vào cuối năm nay, nhưng giới chức Mỹ hi vọng có thể thuyết phục Berlin thay đổi quyết định.

Theo CNN, nhiều nước EU sẽ không hoàn thành được mục tiêu lấp đầy kho dự trữ khí đốt với nguồn cung nhỏ giọt mà Nga cung cấp cho châu Âu như hiện nay.

Theo giới chức Mỹ, kế hoạch cắt giảm 15% mức tiêu thụ khí đốt ở châu Âu chỉ là biện pháp tình thế, chưa thể bù đắp sự thiếu hụt nguồn cung, ngay cả khi Mỹ đang là nhà cung cấp khí hóa lỏng lớn nhất cho châu Âu.

Người phát ngôn Hội đồng An ninh Quốc gia Mỹ mô tả động thái mới nhất của Nga giống như "sử dụng khí đốt làm vũ khí chính trị và kinh tế".

"Hành động cưỡng chế năng lượng của Nga đã gây áp lực lên thị trường năng lượng, tăng giá đối với người tiêu dùng và đe dọa an ninh năng lượng toàn cầu. Những hành động này chỉ càng nhấn mạnh tầm quan trọng trong việc chấm dứt sự phụ thuộc của EU vào năng lượng Nga", người phát ngôn cho biết, theo CNN.

"Chúng tôi sẽ tiếp tục phối hợp với các đối tác châu Âu để giảm sự phụ thuộc vào năng lượng Nga và hỗ trợ EU để chuẩn bị cho những hành động gây bất ổn khác của Nga đối với thị trường năng lượng”.

Nguồn: [Link nguồn]

Vì sao Nga đột ngột giảm thêm nguồn cung khí đốt cho châu Âu?

Ngay trước khi các lãnh đạo Liên minh châu Âu (EU) nhóm họp để thảo luận về kế hoạch tiết kiệm khí đốt nhằm hạn chế phụ thuộc vào Nga, Moscow đã thông báo cắt giảm thêm...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Minh An - CNN ([Tên nguồn])
Xung đột Nga - Ukraine Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN