Nga sẵn sàng giúp quốc gia thuộc NATO xây nhà máy điện hạt nhân
Ngoại trưởng Nga tuyên bố, tập đoàn hạt nhân nhà nước Nga Rosatom đã có kinh nghiệm làm việc tích cực với đối tác này.
Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov. Ảnh: Pool
Đài RT ngày 1/11 đưa tin, Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov tuyên bố, Nga và Thổ Nhĩ Kỳ đều sẽ được hưởng lợi nếu Moscow nhận được hợp đồng xây dựng nhà máy điện hạt nhân Sinop trên bờ biển Biển Đen (phần thuộc Thổ Nhĩ Kỳ).
Ngoại trưởng Nga đưa ra tuyên bố trên trong cuộc phỏng vấn của tờ báo Hurriyet (Thổ Nhĩ Kỳ) ngày 1/11. "Nếu có thể thống nhất về các điều khoản tham gia của Nga, đó sẽ là chiến thắng cho cả hai bên. Chúng ta đã có một ví dụ thành công về sự hợp tác này. Đó là việc xây dựng nhà máy điện hạt nhân Akkuyu", ông Lavrov nói.
Theo Ngoại trưởng Nga, chính quyền Thổ Nhĩ Kỳ sẽ là bên đưa ra quyết định cuối cùng.
"Nga đã thích nghi với áp lực trừng phạt và đang phát triển thành công”, ông Lavrov nói. “Nền kinh tế Nga dự kiến sẽ tăng trưởng 3,9% trong năm nay. Chúng tôi có tỷ lệ thất nghiệp thấp nhất trong số các nền kinh tế lớn nhất thế giới, chỉ 2,4%”.
Ngoại trưởng Nga cho rằng Mỹ đã cố gắng "ngăn cản" khả năng của Thổ Nhĩ Kỳ và các quốc gia khác trong việc duy trì hợp tác với Nga. "Triển vọng hợp tác thực tế của Nga và Thổ Nhĩ Kỳ phụ thuộc vào việc các chuyên gia có thể tìm ra các giải pháp chấp nhận được cho cả hai bên trong tương lai gần hay không."
Nhà máy điện hạt nhân Akkuyu (Thổ Nhĩ Kỳ) mà ông Lavrov nhắc đến ở trên đang được một công ty con của tập đoàn hạt nhân nhà nước Nga (Rosatom) xây dựng.
Lò phản ứng đầu tiên của nhà máy này dự kiến sẽ được đưa vào hoạt động vào năm 2025, sau một thời gian trì hoãn do khó khăn trong việc tiếp nhận thiết bị từ gã khổng lồ công nghệ Đức Siemens.
Cả bốn lò phản ứng dự kiến sẽ được đưa vào hoạt động vào năm 2028. Bộ trưởng Bộ Năng lượng và Tài nguyên thiên nhiên Thổ Nhĩ Kỳ Alparslan Bayraktar cho biết khi đi vào hoạt động hoàn toàn, cơ sở này có thể đáp ứng 10% nhu cầu năng lượng của Thổ Nhĩ Kỳ.
Theo RT, địa điểm xây dựng nhà máy điện hạt nhân Sinop đã được phê duyệt vào tháng 4. Đầu năm nay, ông Bayraktar cho biết, Rosatom đang “có ưu thế” trong quá trình đấu thầu, nhờ vào kinh nghiệm tích cực của tập đoàn này trong việc triển khai dự án tại Thổ Nhĩ Kỳ.
Bộ Ngoại giao Nga triệu tập Đại sứ Đức tại Moscow - ông Alexander Graf Lambsdorff để phản đối việc Đức cho phép Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương...
Nguồn: [Link nguồn]