Nga sẵn sàng đối thoại tìm giải pháp hòa bình cho xung đột ở Ukraine
Trong bối cảnh cuộc xung đột Nga - Ukraine đã bước sang tháng thứ 16 mà vẫn bế tắc, Tổng thống Nga Vladimir Putin cho biết sẵn sàng đối thoại, tìm giải pháp hòa bình cho các mục tiêu của Matxcơva liên quan tới “chiến dịch quân sự đặc biệt” tại Ukraine.
Nga làm rõ các điều kiện để có thể đàm phán hòa bình
Trả lời trong chương trình “Moskva. Kremlin. Putin” của kênh truyền hình Rossiya-1, ông Dmitry Peskov - người phát ngôn Điện Kremlin nêu rõ, nhà lãnh đạo Nga đã, đang và sẽ cởi mở với bất kỳ kênh tiếp xúc nào liên quan các mục tiêu tại Ukraine thông qua các biện pháp hòa bình. Tuy nhiên, ông Peskov nói rằng: “Cả Tổng thống Pháp Emmanuel Macron và các nhà lãnh đạo châu Âu không cho Nga lựa chọn khác vào lúc này”.
Vũ khí của Mỹ đang được vận chuyển tới Ukraine
Khi phát động “chiến dịch quân sự đặc biệt” tại Ukraine, Nga tuyên bố mục tiêu của mình là nhằm “phi quân sự hóa và phi phát xít hóa Ukraine”. Theo thời gian, những diễn giải cụ thể hơn về điều này từng bước được làm rõ. Trong một cuộc phỏng vấn với Hãng tin TASS hôm 26-5, Thứ trưởng Ngoại giao Nga Mikhail Galuzin khẳng định, việc Ukraine từ chối gia nhập Tổ chức hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) và Liên minh châu Âu (EU), trở lại trạng thái trung lập như trong Tuyên bố chủ quyền quốc gia năm 1990 là những điều kiện để đạt được hòa bình. Ông Galuzin tin rằng, chỉ có thể đạt được một giải pháp nếu Lực lượng vũ trang Ukraine chấm dứt sự thù địch và phương Tây ngừng cung cấp vũ khí.
Trong khi đó, Đại sứ Nga tại Anh Andrei Kelin cho biết, Nga sẵn sàng đàm phán hòa bình với Ukraine nhưng sẽ không từ bỏ các điều kiện của mình. Cụ thể, với Nga có hai điều quan trọng, đó là không có đe dọa từ Ukraine với Nga và người Nga ở Ukraine sẽ được đối đãi giống như tất cả những quốc gia khác trên thế giới, giống như người Pháp được đối đãi ở Bỉ hoặc như người Italia và người Đức được đối đãi ở Thụy Sĩ. Ông Kelin cũng bày tỏ quan ngại về những diễn biến ở Ukraine trong những năm gần đây như “chủ nghĩa dân tộc cực đoan”, đồng thời tái khẳng định Matxcơva không có ý định sử dụng vũ khí hạt nhân trong xung đột ở Ukraine.
Nhiều nước trên thế giới cũng tích cực đưa ra các sáng kiến hòa bình cho xung đột ở Ukraine. Bộ Ngoại giao Trung Quốc đã công bố tài liệu 12 điểm về xung đột Nga - Ukraine cho biết, nước này tôn trọng chủ quyền của mọi quốc gia, kêu gọi các bên hỗ trợ Matxcơva và Kiev nối lại đối thoại giải quyết khủng hoảng. Trả lời họp báo sau chuyến công du châu Âu mới đây, ông Lý Huy - đặc phái viên Trung Quốc về các vấn đề Á - Âu cho biết Nga, Ukraine và Liên minh châu Âu (EU) đều ủng hộ lập trường của Trung Quốc về giải quyết xung đột bằng các biện pháp chính trị.
Tất cả đều sẵn sàng hợp tác chặt chẽ và ủng hộ đối thoại với Trung Quốc. Do đó, ông bày tỏ tin tưởng cả Nga và Ukraine đều không từ chối đàm phán, dù việc thúc đẩy đàm phán hiện nay vẫn đang gặp khó khăn. Theo ông Lý Huy, căng thẳng Nga - Ukraine là vấn đề đòi hỏi nỗ lực đa phương. Chuyến đi đầu tiên của ông chưa thể đem lại bất kỳ kết quả tức thời nào vì có một khoảng cách lớn giữa lập trường hai bên. Tuy nhiên, Trung Quốc sẵn sàng xem xét một chuyến công du châu Âu nữa để thúc đẩy các cuộc đàm phán giải quyết cuộc khủng hoảng Ukraine. Ông Lý Huy cũng đánh giá nguy cơ xung đột tại Ukraine leo thang vẫn cao và tất cả các bên cần phải đảm bảo an toàn cho các cơ sở hạt nhân và áp dụng các biện pháp cụ thể để hạ nhiệt căng thẳng.
Mới đây nhất, trong khuôn khổ Đối thoại Shangri-La lần thứ 20 tại Singapore với sự tham dự của các bộ trưởng quốc phòng nhiều nước, trong đó có Ukraine và Mỹ, Bộ trưởng Quốc phòng Indonesia Prabowo Subianto đã đưa ra đề xuất hòa bình. Theo đó, sẽ ký kết một thỏa thuận ngừng bắn và thành lập khu phi quân sự (tương tự mô hình ở Triều Tiên và Hàn Quốc) giữa Nga và Ukraine, do Lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc giám sát.
Phương Tây tăng cường viện trợ vũ khí cho Ukraine
Tuy nhiên, cho đến nay, các sáng kiến hòa bình chưa nhận được sự phản ứng tích cực của Ukraine. Ông Mykhailo Podolyak, cố vấn cấp cao của Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky, cho rằng kế hoạch hòa bình của Trung Quốc là “phi thực tế”. Trong một bài đăng trên Twitter, ông Podolyak bình luận: “Nếu tuyên bố bạn là thế lực quan trọng toàn cầu, bạn không đưa ra một kế hoạch phi thực tế như vậy… Cửa sổ cơ hội không phải là vô tận. Ukraine cũng bác bỏ sáng kiến hòa bình của Indonesia. Hồi tháng 10-2022, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky đã ký sắc lệnh loại trừ mọi khả năng đàm phán với người đồng cấp Nga Putin, nhưng vẫn để ngỏ đối thoại với “Tổng thống khác của Nga”. Sắc lệnh này loại trừ mọi khả năng Ukraine tiến hành đàm phán với Nga khi ông Putin vẫn nắm quyền.
Đối với Mỹ và các nước phương Tây, các nước này chưa đưa ra bất cứ sáng kiến hòa bình cụ thể nào mà tập trung viện trợ vũ khí và trang thiết bị kỹ thuật quân sự cho Ukraine. Trong cuộc họp lần thứ 12 của Nhóm liên lạc quốc phòng Ukraine (UDCG), nơi tập hợp tất cả 31 quốc gia thành viên NATO và một số nước “không liên kết”, các bên tham gia đã cam kết viện trợ quân sự gần 65 tỷ USD để hỗ trợ Ukraine trong cuộc xung đột với Nga.
Liên minh do Đức đứng đầu gồm Ba Lan, Hà Lan, Thụy Điển, Bồ Đào Nha, Tây Ban Nha và Canada đã chuyển cho Ukraine 60 xe tăng Leopard 2 để hình thành 2 tiểu đoàn, mỗi tiểu đoàn 30 xe. Một trung tâm chuyên bảo dưỡng và sửa chữa xe tăng Leopard 2 sẽ được lập ra trên cơ sở nhà máy Bumar - Labendy ở thành phố Gliwice, nằm ở vùng Silesian Voivodeship của Ba Lan. Ngoài ra, Pháp cung cấp cho Ukraine xe tăng bánh lốp AMX-10RC, Anh cung cấp xe tăng Challenger.
Riêng với Mỹ, nước tài trợ lớn nhất cho Ukraine, hôm 24-5, Mỹ cho biết nước này đã thông qua thương vụ bán hệ thống phòng không NASAMS và các thiết bị liên quan trị giá 285 triệu USD cho Ukraine. Theo Cơ quan hợp tác an ninh quốc phòng Mỹ (DSCA), thương vụ này giúp Mỹ đạt được các mục tiêu an ninh quốc gia trong chính sách đối ngoại của nước này bằng cách tăng cường an ninh cho một quốc gia đối tác, góp phần thúc đẩy ổn định chính trị và phát triển kinh tế ở châu Âu. Tổng thống Mỹ Joe Biden cũng đã quyết định sẽ hỗ trợ nỗ lực chung với các đồng minh và đối tác để đào tạo phi công Ukraine sử dụng máy bay chiến đấu thế hệ thứ tư, trong đó có F-16, các khóa đào tạo sẽ sớm được bắt đầu. Còn Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Austin thì tuyên bố Washington “cam kết sát cánh với Ukraine trong thời gian dài”, đồng thời khẳng định những người ủng hộ Ukraine vẫn “đoàn kết hơn bao giờ hết”.
Trước các động thái của phương Tây, Nga nhiều lần cáo buộc Mỹ và đồng minh tìm cách cố tình kéo dài cuộc xung đột. Nga nêu rõ, việc phương Tây cung cấp cho Ukraine các loại vũ khí mới, trong đó có máy bay chiến đấu, sẽ không thể thay đổi căn bản diễn biến của chiến dịch quân sự đặc biệt. Nga khẳng định điều đó khiến phương Tây ngày càng tham gia vào cuộc xung đột cũng như kéo theo nhiều nguy cơ.
Nga và Ukraine đưa ra phản ứng trái ngược về kế hoạch hòa bình do quốc gia Đông Nam Á đề xuất.
Nguồn: [Link nguồn]