Nga rút khỏi Hiệp ước cấm thử hạt nhân toàn diện: Lời cảnh tỉnh đanh thép!
Ngày 18/10/2023, Duma Quốc gia Nga đã hoàn tất việc thông qua trong lần đọc thứ hai và thứ ba của dự luật về việc hủy bỏ phê chuẩn Hiệp ước cấm thử hạt nhân toàn diện (CTBT) năm 1996, một hiệp ước đa phương ngăn cấm hoạt động thử nghiệm những vụ nổ hạt nhân, theo mong muốn của Tổng thống Vladimir Putin.
Trước đó, Nga đã chuẩn bị bãi thử cho một vụ thử hạt nhân, làm gia tăng căng thẳng với phương Tây. Điều này cũng có thể thúc đẩy những cường quốc thế giới khác quay trở lại với hoạt động thử nghiệm hạt nhân.
Thử nghiệm hạt nhân - một thông điệp chính trị
Chủ tịch Duma Quốc gia Nga Vyacheslav Volodin nói: “Chúng tôi hiểu trách nhiệm của mình đối với công dân của mình, chúng tôi bảo vệ đất nước của mình”. Nga, quốc gia đã phê chuẩn CTBT vào năm 2000, cho đến nay vẫn cho biết họ sẽ vẫn là một bên ký kết hiệp ước và tiếp tục cung cấp dữ liệu cho hệ thống giám sát thử nghiệm hạt nhân toàn cầu. Tuy nhiên, khi giới thiệu dự luật, Chủ tịch Volodin đã nêu lên khả năng Nga sẽ rút hoàn toàn khỏi hiệp ước.
Duma Quốc gia Nga thông qua Luật về việc hủy bỏ phê chuẩn Hiệp ước cấm thử hạt nhân toàn diện (CTBT) ngày 18/10/2023
Ông nói: “Chúng tôi sẽ không nói cho họ (Washington) biết chúng tôi sẽ làm gì tiếp theo, dù chúng tôi có còn là thành viên của hiệp ước hay không. Chúng tôi phải nghĩ đến an ninh toàn cầu, an ninh của công dân chúng tôi và hành động vì lợi ích của họ”. Luật sẽ được đệ trình lên Thượng viện và xin chữ ký của Tổng thống Nga Vladimir Putin trước khi ban hành.
Theo nhiều nhà phân tích phương Tây về an ninh, hiện đang có rất nhiều khả năng rằng Nga sẽ tiến hành một cuộc thử nghiệm hạt nhân. Dù vậy, Tổng thống Putin nói rằng đấy chỉ là quan điểm từ phía Mỹ - quốc gia đã ký CTBT, nhưng không phê chuẩn hiệp ước này.
Ông James Acton - Đồng giám đốc chương trình chính sách hạt nhân tại Carnegie Endowment for Peace International, cho biết: “Vụ thử hạt nhân của Nga rõ ràng nằm trong chương trình nghị sự. Tôi không nghĩ đó là điều chắc chắn, nhưng điều đó cũng không gây ngạc nhiên”. Ông Matthew Harries - Giám đốc về Chính sách và Phổ biến Hạt nhân tại Tổ chức cố vấn RUSI ở London, cho biết: Việc Nga hủy bỏ quyết định phê chuẩn sẽ tạo nên một "khuôn khổ pháp lý và bối cảnh cho Nga thực hiện thử nghiệm bất cứ khi nào họ muốn”.
Nếu Moscow tiến hành một cuộc thử nghiệm, thì có thể nói họ "đã phát đi một tín hiệu mạnh mẽ, nhằm gieo rắc mối đe dọa hạt nhân vào tâm trí người dân, nhằm thể hiện quyết tâm của họ và tạo ra nỗi sợ hãi". Ông Nikolai Sokov - Nhà nghiên cứu cấp cao tại Trung tâm Giải trừ và Chống phổ biến vũ khí hạt nhân Vienna kiêm cựu Nhà ngoại giao Liên Xô và Nga, còn chỉ ra nguy cơ nặng nề hơn: Vụ thử hạt nhân của Nga sẽ đánh dấu sự leo thang nghiêm trọng, khiến các nước đưa vũ khí hạt nhân đi vào sử dụng trong thực tiễn. Vì vậy, ông không kỳ vọng rằng Nga sẽ tiến hành thử nghiệm ở giai đoạn này. Đúng hơn, việc hủy bỏ phê chuẩn sẽ là một biện pháp chính trị của Moscow, trong khuôn khổ thực hiện đánh giá rộng rãi về nghĩa vụ an ninh của họ, nhằm loại bỏ tình trạng mất cân bằng hiện nay và "tạo ra sân chơi bình đẳng" với Mỹ. Dù vậy, ông nhận định rằng việc này vẫn gây ra “tình hình rất căng thẳng” và nguy cơ “leo thang không phải là điều không thể”. Cũng theo ông, Nga có thể sẽ thực hiện thử nghiệm hạt nhân nếu Tổng thống Putin nhận thấy tình hình tồi tệ trong cuộc chiến ở Ukraine.
Bản thân ông Sokov cũng không nghĩ rằng Tổng thống Putin quan tâm thật sự đến việc sử dụng vũ khí hạt nhân, nhưng hành động này vẫn gây ra rủi ro nếu "không thể kiểm soát mọi sự kiện". Hơn nữa, tình trạng leo thang sẽ thúc đẩy các quốc gia thật sự sử dụng vũ khí hạt nhân, dù rằng đó không phải là điều mà Tổng thống Nga mong muốn.
Điều cấm kỵ mang tên “hạt nhân”
Nga đã không tiến hành thử nghiệm hạt nhân kể từ năm 1990, chỉ một năm trước khi Liên Xô sụp đổ. Ông Acton cho rằng, đúng như ông Sokov đã nói, việc ông Putin chuẩn bị phương án thử hạt nhân là một tín hiệu cảnh báo cho thấy, có thể chiến sự tại Ukraine đã trở nên tồi tệ hơn trong mắt Tổng thống Nga. Nhưng cũng có thể, ông Putin vẫn quyết định tiến hành một cuộc thử nghiệm, mặc kệ diễn biến chiến sự trở nên thế nào đi nữa. Trong trường hợp này, ý định thử nghiệm là cách Nga tuyên bố ý định tiếp tục phát triển vũ khí hạt nhân, cũng như khẳng định tầm quan trọng ngày một gia tăng của chúng trong hệ thống phòng thủ của nước này, vào thời điểm những lực lượng thường trực của Nga đang gặp khó khăn tại Ukraine.
Vụ thử hạt nhân của Pháp tại Mururoa ở Polynesia, năm 1971
Vào tuần trước, ông Putin đã đề cập đến hai loại vũ khí có khả năng mang hạt nhân: Tên lửa hành trình Burevestnik chạy bằng năng lượng hạt nhân và tên lửa đạn đạo xuyên lục địa Sarmat. Theo ông, Nga hiện đang sản xuất hàng loạt hai loại vũ khí này và đưa vào chiến đấu.
Kể từ khi bắt đầu chiến sự tại Ukraine, ông Putin đã nhiều lần nhắc nhở phương Tây rõ ràng về sức mạnh hạt nhân của Nga, nhất là thông qua lời tuyên bố triển khai vũ khí hạt nhân chiến thuật tại Belarus. Ông cũng đình chỉ quyết định cho Moscow tham gia hiệp ước New START về việc hạn chế số lượng đầu đạn hạt nhân mà Nga và Mỹ có thể triển khai.
Vào tuần trước, Tổng thống Nga đã bình luận về CTBT. Đó là câu trả lời trực tiếp cho câu hỏi do nhà phân tích an ninh Sergei Karaganov đặt ra. Vị chuyên gia này đề nghị Nga nên hạ thấp ngưỡng sử dụng hạt nhân để làm phương Tây “thức tỉnh lại”. Ông Vladimir Putin cho biết, việc thay đổi học thuyết “Nga sử dụng vũ khí hạt nhân nhằm đáp trả một cuộc tấn công hạt nhân hoặc lời đe dọa đến sự tồn vong của nhà nước” là điều không cần thiết. Tuy nhiên, ông tỏ ra mâu thuẫn về vấn đề thử nghiệm hạt nhân. Ông nói: “Về nguyên tắc chung, theo giới chuyên gia, nếu có một loại vũ khí mới, thì ta cần đảm bảo rằng đầu đạn chuyên biệt sẽ hoạt động trơn tru và ta cần tiến hành thử nghiệm”. Ngoài ra, ông cũng “chưa thể nói” rằng liệu hoạt động thử nghiệm có thật sự là điều cần thiết hay không.
Còn theo vị chuyên gia của RUSI, điều cần theo dõi tiếp theo là liệu Nga sẽ chuẩn bị thêm bãi thử hạt nhân hay không (thông qua lời cáo buộc rằng Washington đang chuẩn bị thử hạt nhân), và liệu nước này sẽ tiếp tục ủng hộ CTBT hay không, bằng cách giữ lại những trạm giám sát toàn cầu chuyên về theo dõi hoạt động địa chấn và bức xạ liên quan đến thử nghiệm hạt nhân. Hiện nay, Mỹ và Trung Quốc cũng vận hành những trạm này.
Ông Acton cho rằng nếu Nga tiến hành thử nghiệm, Mỹ có thể cũng sẽ làm theo, và rồi Trung Quốc, Ấn Độ và Pakistan cũng sẽ làm điều tương tự. Vào tháng trước, CNN tiết lộ hình ảnh vệ tinh cho thấy Nga, Mỹ và Trung Quốc đều đã xây dựng những cơ sở mới và đào đường hầm mới tại những bãi thử hạt nhân của họ trong những năm gần đây.
Ông Acton nói: “Càng nhiều quốc gia thực hiện thử nghiệm, càng có nhiều khả năng những nước khác sẽ làm theo, điều này làm tôi rất lo lắng. Nếu thế giới tiếp tục thử nghiệm, thì điều đầu tiên ta nên nhận thấy, là rủi ro hạt nhân đã tăng lên”.
Chấm dứt thử nghiệm không thể ngăn cản phổ biến vũ khí hạt nhân
Ngày 29/8 là Ngày Quốc tế Chống Thử nghiệm Hạt nhân. Nhưng cũng vào ngày này năm nay, số lượng vũ khí hạt nhân trên toàn thế giới đã tăng so với năm 2022. Xu hướng này đã được xác nhận kể từ năm 2017. Tuy hầu hết các cường quốc hạt nhân đã từ bỏ thử nghiệm hạt nhân, họ vẫn tìm ra những phương tiện khác để thử nghiệm và phát triển kho vũ khí của họ.
Đối mặt với những rủi ro môi trường do các cuộc thử nghiệm hạt nhân gây ra, Hiệp ước Cấm thử Hạt nhân phần đầu tiên đã đi vào hiệu lực từ năm 1963. Theo như Mỹ, Nga và Vương quốc Anh phê chuẩn, hiệp ước này cấm tổ chức thử nghiệm hạt nhân trong bầu khí quyển, dưới nước và trong không gian. Vào năm 1996, Hiệp ước được bổ sung thông qua Hiệp ước Cấm thử Hạt nhân Toàn diện (CTBT), chủ yếu do Pháp, Anh và Nga phê chuẩn, nhưng lại không được những cường quốc hạt nhân khác như Mỹ, Trung Quốc, Ấn Độ, Pakistan, Israel phê chuẩn.
Do không có đủ chữ ký, CTBT vẫn chưa đi vào hiệu lực. Vì vậy, một quốc gia tiến hành thử nghiệm hạt nhân dưới lòng đất là một hoạt động không hề mang tính chất bất hợp pháp, nhưng trên thực tế, sự tồn tại của văn bản vẫn làm chấm dứt các cuộc thử nghiệm này. Nhiều lời chỉ trích và lo ngại về sức khỏe do thử nghiệm hạt nhân gây ra đã có công góp phần vào việc này. Tại Pháp, có 193 cuộc thử nghiệm đã diễn ra ở Polynesia, trên các đảo san hô Mururoa và Fangataufa, trong giai đoạn từ năm 1966 đến năm 1996, gây nên thảm họa đối với sức khỏe của cư dân quần đảo Thái Bình Dương - những người vẫn đang yêu cầu bồi thường.
Tuy nhiên, dù đại đa số các cường quốc hạt nhân không còn tiến hành thử nghiệm nữa, điều này vẫn không đồng nghĩa rằng họ không tiếp tục phát triển hoặc đổi mới kho vũ khí của mình. Vào năm 2022, kho đầu đạn hạt nhân toàn cầu đã bắt đầu tăng trở lại. Một ví dụ tiêu biểu là Trung Quốc: Tăng kho dự trữ từ 350 đầu đạn lên thành 410, vì mục đích lâu dài là có được số lượng ngang bằng với Mỹ và Nga (một số ước tính cho rằng số đầu đạn sẽ là 1.000 vào năm 2030). Ở mức độ thấp hơn, Ấn Độ, Pakistan cũng đã tăng số lượng đầu đạn sẵn sàng đi vào hoạt động, còn những các cường quốc khác thì giữ nguyên số lượng của họ.
Trong phòng thí nghiệm
Bà Héloise Fayet - Nhà nghiên cứu tại Trung tâm An ninh của IFRI kiêm chuyên gia vấn đáp về hạt nhân, giải thích: “Việc không thể tiến hành thử nghiệm gây một chút ít cản trở đến khả năng tiến bộ về công nghệ, nhưng ta vẫn có thể phát triển kho vũ khí hạt nhân của mình và sản xuất ra những đầu đạn mới, với hiệu quả ngày càng cao hơn mà không cần màng đến chuyện thử nghiệm. Đây là những gì mà Pháp đang làm: Nước này không phát triển kho vũ khí của mình về mặt số lượng mà là về chất lượng, bằng cách sản xuất những đầu đạn hạt nhân ngày càng tinh vi và chính xác, dù rằng đã ký và phê chuẩn CTBT”.
Nhằm đảm bảo tính hiệu quả cho kho vũ khí của mình, các cường quốc hạt nhân hiện nay đều thực hiện mô phỏng trong phòng thí nghiệm. Bằng cách sử dụng các phép tính toán học và vật lý, các nhà khoa học có thể mô phỏng các vụ phóng vũ khí hạt nhân ở quy mô nhỏ. “Tại Pháp, thiết bị nghiên cứu nhiệt hạch Laser Megajoule, nằm gần Bordeaux, cũng tham gia đóng góp vào mô phỏng thử nghiệm này. Một số thành phần của vũ khí hạt nhân được làm nóng bằng tia laser để xem chúng sẽ phản ứng như thế nào trong bối cảnh vụ nổ hạt nhân. Bằng cách tích lũy tất cả dữ liệu này thông qua những thử nghiệm toán học và vật lý, Ủy ban Năng lượng Hạt nhân có thể đảm bảo với Tổng thống nước Cộng hòa Pháp rằng vũ khí hạt nhân sẽ hoạt động”, bà Héloise Fayet giải thích thêm. Hơn nữa, không có điều gì cấm họ thử nghiệm “vật trung chuyển” (tức tên lửa mang đầu đạn hạt nhân) như Pháp đã làm: Bắn tên lửa M51 từ tàu ngầm mang tên lửa đạn đạo hạt nhân (SNLE) vào tháng 4/2023.
Mỹ là một trong những quốc gia tiên phong trong việc thực hiện các cuộc thử nghiệm trong phòng thí nghiệm hạt nhân mới này. Tiêu biểu là mức đầu tư gần 3,5 tỷ USD vào National Ignition Facility - thiết bị laser lớn nhất thế giới, đặt tại Phòng thí nghiệm Lawrence Livermore ở bang California, với khả năng tái tạo lại những điều kiện tạo nên một vụ nổ hạt nhân. Pháp cũng sở hữu loại công nghệ này thông qua thiết bị Megajoule Laser, được lắp đặt tại Trung tâm Nghiên cứu Khoa học và Kỹ thuật Aquitaine gần thành phố Bordeaux. Loại thiết bị này không chỉ được sử dụng cho mục đích quân sự mà còn cho phép các nhà khoa học đóng góp vào nghiên cứu về phản ứng tổng hợp hạt nhân để có thể thu được năng lượng sạch 100%.
Có thể nói, nếu chấm dứt thử nghiệm không thật sự ngăn cản được sự phát triển của kho vũ khí hạt nhân ở quy mô lớn, thì quyết định chấm dứt thử nghiệm nhằm xoa dịu quan hệ quốc tế cũng không mang về lợi ích đáng kể.
Nga cho rằng việc rút lại phê chuẩn Hiệp ước cấm thử hạt nhân toàn diện (CTBT) sẽ đặt Moscow ở "vị trí bình đẳng" với Mỹ khi Washington chưa phê chuẩn hiệp ước này.
Nguồn: [Link nguồn]