Nga rục rịch trao quyền vận hành S-300 cho Syria, Israel "cuống cuồng" nhờ Mỹ can thiệp phút chót?
Một cuộc gặp "chưa từng có" giữa Nga-Mỹ-Israel sẽ giúp giải quyết các vấn đề ở Syria, bao gồm sự hiện diện của Iran, hệ thống S-300 và các cuộc không kích tranh cãi của Israel.
S-300 sẽ là mối lo ngại với Israel khi trao quyền cho người Syria.
Cuộc chiến ở Syria dường như đang dần lắng xuống, nhưng Israel ngày càng lo lắng sau tuyên bố bất ngờ của Nga về việc sẽ trao cho Syria toàn quyền kiểm soát các hệ thống phòng không S-300 tinh vi có thể đe dọa máy bay Israel.
Đó không chỉ là mối lo ngại về mặt lý thuyết mà rất có thể sẽ trở thành hiện thực trên bầu trời, bởi vì Israel đã tấn công các mục tiêu liên quan đến Iran và Hezbollah, bao gồm các căn cứ quân sự của Syria, với ít nhất 10 người đã thiệt mạng vào cuối tuần này.
Để xoa dịu căng thẳng đang gia tăng, cố vấn an ninh quốc gia của Tổng thống Donald Trump, John Bolton, sẽ sớm tới Jerusalem để gặp các đối tác Nga và Israel - một sự kiện ba bên mà Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu mô tả là “chưa từng có”.
Ông Bolton được cho là sẽ cân nhắc các bước đi ngoại giao cứng rắn hơn để buộc Iran rời khỏi Syria, giữa bối cảnh Nga đang có những vấn đề khúc mắc với Tehran cùng với việc nhận ra đã trao cho nước này quyền tự do quá lớn, theo Breaking Defense.
Mối đe dọa S-300
Tính đến mùa Thu năm ngoái, lực lượng phòng không Syria vẫn còn sử dụng hỗn hợp các tên lửa cũ do Liên Xô sản xuất - SA-2, SA-5, SA-6 - và các thiết bị hiện đại hơn của Nga như SA-17 (BUK) và SA-22 (Pantsir).
Tuy nhiên, vào tháng 10, Nga đã trao cho Syria hệ thống S-300 hiện đại hơn nhiều, một hệ thống phòng thủ tên lửa được coi là tương đương với Patriot của Mỹ. (Nga đã triển khai S-300 bảo vệ căn cứ riêng ở Syria và đã bán một số hệ thống cho Iran).
Trên thực tế, S-300 có phạm vi radar và tên lửa có thể khóa chặt các mục tiêu trong không phận Israel, mang đến khả năng đánh chặn máy bay Israel ngay sau khi chúng cất cánh.
Nhưng trong khi Nga đang huấn luyện cho binh sĩ Syria vận hành S-300, người Nga vẫn nắm quyền kiểm soát và chưa bao giờ kích hoạt trước các cuộc tấn công nhằm vào máy bay Israel. Về phần mình, Israel cũng tỏ ra thận trọng khi tránh xa các khu vực có thể làm tổn hại đến quân đội Nga.
Điều đó có thể sẽ thay đổi khi người Nga trao cho Syria toàn quyền kiểm soát - điều mà Israel đã yêu cầu Điện Kremlin không nên làm.
“Sẽ không có ai chịu trách nhiệm trong việc khai hỏa”, một nguồn tin quốc phòng của Israel lo ngại điều này làm tăng rủi ro không chỉ cho máy bay quân sự Israel mà còn cho cả máy bay dân sự.
Lo ngại của Israel xuất phát từ việc người Syria được đánh giá là còn thiếu kinh nghiệm vận hành, không phân biệt được mục tiêu cụ thể. Nó được minh chứng bởi việc một hệ thống phòng không Syria (không phải S-300) đã khai hỏa nhầm vào một máy bay tình báo IL-20M của Nga vào tháng 9 năm ngoái, khiến 15 người Nga thiệt mạng.
Một khi người Syria tiếp quản - và nhân viên Nga không còn nữa – hệ thống S-300 sẽ trở thành mục tiêu hợp pháp để tấn công, nguồn tin của Israel cho biết.
Cuộc họp chưa từng có
Cố vấn Bolton sẽ giải tỏa căng thẳng cho Israel
Khi căng thẳng gia tăng, Thủ tướng Netanyahu đã lần đầu tiên đề xuất một cuộc họp giữa Mỹ và Nga khi ông đến thăm Tổng thống Vladimir Putin tại Điện Kremlin vào tháng 2.
Tuần trước, Nhà Trắng đã chính thức tuyên bố, Cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ John Bolton, Cố vấn An ninh Quốc gia Israel Meir Ben-Shabbat và Thư ký Hội đồng Bảo an Nga Nikolay Patrushev sẽ gặp nhau tại Jerusalem, Israel, để thảo luận về các vấn đề an ninh khu vực vào một ngày không xác định trong tháng 6.
“Tôi đã đề nghị với ông Trump và ông Putin thành lập một ủy ban ba bên Mỹ-Nga-Israel, gặp nhau ở Jerusalem để thảo luận về tình hình an ninh ở Trung Đông và cả hai đều đồng ý”, ông Netanyahu cho biết. “Đây là điều chưa từng có. Một cuộc họp như vậy chưa từng có trước đây ở Israel. Chưa bao giờ".
Tổng thống Trump đã liên tục thể hiện sự ủng hộ mạnh mẽ đối với Israel, thậm chí còn chuyển Đại sứ quán Mỹ từ Tel Aviv về Jerusalem, nhưng ông lại cho thấy một chính sách mờ hồ về vai trò của Mỹ ở Syria.
Vào tháng 12, ông đã gây bất ngờ cho Lầu Năm Góc bằng cách thông báo sẽ rút lực lượng Mỹ khỏi Syria, khiến Bộ trưởng Quốc phòng Jim Mattis phải từ chức để phản đối.
Cả hai phía Mỹ và Israel đều cho rằng việc rút quân sẽ khiến Lực lượng Dân chủ Syria do Mỹ hậu thuẫn – do người Kurd lãnh đạo – gặp nguy hiểm vì chính quyền Assad, Iran và Thổ Nhĩ Kỳ.
Một báo cáo gần đây của Viện Nghiên cứu An ninh Quốc gia (INSS) có trụ sở tại Tel Aviv nhấn mạnh, việc Mỹ rút quân sẽ cho phép Iran củng cố quyền kiểm soát cả hai bên biên giới Syria-Iraq.
Không những vậy, các học giả của INSS còn lưu ý rằng, tình huống này cũng là một vấn đề đối với Nga, khi không chỉ khiến Moscow mất đi yếu tố quan trọng trong cuộc cạnh tranh giành ảnh hưởng ở Syria, mà thậm chí còn buộc phải chấp nhận sự kiểm soát của Iran đối với các khu vực giàu năng lượng ở phía Đông đất nước.
Do đó, trái ngược với những lời kêu gọi công khai của Nga về sự ra đi của các lực lượng Mỹ, các bước đi theo hướng phối hợp đầy đủ giữa Moscow và Washington sẽ được coi là hợp lý trong việc giảm thiệt hại lợi ích và hạn chế Iran.
Đáng chú ý gần đây, Nga đã từ chối bán hệ thống phòng không tiên tiến nhất của mình, S-400, cho Iran - một quyết định khiến cho cả Israel và Saudi Arabia, cũng như Mỹ có thể cảm thấy vui mừng.
Về phần mình, trong vài tuần qua, Israel đã giảm các cuộc tấn công vào các tiền đồn của Iran ở Syria, có lẽ là để tránh khiêu khích Nga, trước khi bắt đầu tấn công lại vào cuối tuần vừa rồi. Hiện tại, có một cơ hội cho phép Israel nỗ lực hợp tác với Nga và Mỹ để làm giảm ảnh hưởng của Iran. Nắm bắt cơ hội đó sẽ là cố vấn Bolton.
Khủng bố đã bỏ lại nhiều hòm vũ khí khi rút chạy khỏi đợt tiến công của quân đội Syria và có một loại vũ khí uy...