Nga phủ quyết gia hạn lệnh trừng phạt của Liên Hợp Quốc với nước đồng minh của Niger

Moscow đã chặn đề xuất của Pháp và Các tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất (UAE) về việc gia hạn lệnh trừng phạt của Liên Hợp Quốc (LHQ) với Mali. 

Người Mali biểu tình phản đối Pháp và ủng hộ Nga nhân kỷ niệm 60 năm ngày độc lập vào tháng 9/2020. Ảnh: AP

Người Mali biểu tình phản đối Pháp và ủng hộ Nga nhân kỷ niệm 60 năm ngày độc lập vào tháng 9/2020. Ảnh: AP

Đài RT ngày 30/8 đưa tin, toàn bộ các biện pháp trừng phạt của LHQ với Mali sẽ kết thúc vào ngày 31/8, sau khi Nga phủ quyết đề xuất gia hạn của Pháp và UAE. Vassily Nebenzia, Đại sứ Nga tại LHQ, cho rằng, dự thảo nghị quyết của Hội đồng Bảo an LHQ do Pháp và UAE đề xuất hoàn toàn coi nhẹ những lo ngại của Nga và Mali. 

Dự thảo do Pháp và UAE đề xuất muốn kéo dài các lệnh trừng phạt của LHQ và thời gian làm nhiệm vụ của nhóm chuyên gia LHQ chịu trách nhiệm giám sát Mali lần lượt đến tháng 8/2024 và tháng 9/2024. Đề xuất này nhận được 13 phiếu trong Hội đồng Bảo an LHQ, nhưng không được phê duyệt vì Nga phủ quyết. Trung Quốc bỏ phiếu trắng với đề xuất này. 

Hội đồng Bảo an LHQ cũng bác bỏ dự thảo thay thế của Nga, với 13 phiếu trắng và một phiếu chống của Nhật Bản. Để được thông qua, một dự thảo nghị quyết của Hội đồng Bảo an cần có 9 phiếu thuận và không có quyền phủ quyết nào từ bất kỳ thành viên nào trong số 5 thành viên thường trực của hội đồng, gồm Nga, Mỹ, Anh, Trung Quốc, và Pháp.

Sau cuộc bỏ phiếu, Đại sứ Nga Nebenzia giải thích rằng Nga phải phủ quyết vì dự thảo do Pháp và UAE đề xuất hoàn toàn không tính đến lo ngại của phía Mali và lập trường của Nga". 

Ông Nebenzia lưu ý rằng, chính Mali đã yêu cầu có các biện pháp trừng phạt 8 cá nhân vào năm 2017, như một phần của tiến trình hòa bình.

Đại sứ Nga tại LHQ giải thích thêm về dự thảo của Moscow: "Đề xuất của Nga có tính đến quan điểm của các thành viên Hội đồng châu Phi. Theo quan điểm này, các biện pháp trừng phạt vẫn có hiệu lực trong một khoảng thời gian nhất định để thúc đẩy thực hiện thỏa thuận hòa bình nhưng không biến thành một công cụ gây áp lực của bên ngoài với các tiến trình chính trị trong nước của Mali".

Pháp đã rút toàn bộ binh sĩ khỏi Mali, một thuộc địa cũ của Paris, theo yêu cầu của chính quyền quân sự quốc gia Tây Phi. Mali cũng yêu cầu 15.000 nhân viên gìn giữ hòa bình và nhân viên dân sự của LHQ phải rời khỏi nước này, hạn chót là ngày 31/12.

Mali là một trong số các đồng minh của Niger, ủng hộ chính quyền quân sự trong cuộc đảo chính. Trước khả năng Cộng đồng Kinh tế các nước Tây Phi (ECOWAS) can thiệp quân sự vào Niger, Mali tuyên bố bất kỳ động thái can thiệp quân sự nào vào Niger đồng nghĩa là chống lại nước này. 

Theo hãng thông tấn Thổ Nhĩ Kỳ Anadolu, Mali cùng Burkina Faso ngày 18/8 đã gửi chiến đấu cơ tới Niger trong một động thái thể hiện sự đoàn kết và ủng hộ chính quyền quân sự ở nước này trước áp lực từ ECOWAS. 

Nguồn: [Link nguồn]

Châu Phi bất ổn, EU bất an

Một nhóm sĩ quan cấp cao ở Gabon tuyên bố nắm quyền hôm 30-8, sau khi cơ quan bầu cử của quốc gia giàu dầu mỏ này thông báo Tổng thống Ali Bongo Ondimba tái đắc cử nhiệm kỳ thứ...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo BẰNG LÂU - RT ([Tên nguồn])
Tin tức Nga Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN