Nga phóng thành công tên lửa hạt nhân từ tàu hỏa
Nga đang phát triển tàu hỏa hạt nhân tàng hình, có thể di chuyển 2.400 km/ngày.
Quân đội Nga đã thử nghiệm thành công hệ thống tên lửa trên đường ray Barguzin tại sân bay vũ trụ Plesetsk cách đây 2 tuần. Đoạn video ghi lại hiện trường cho thấy đoàn tàu hạt nhân dừng trên đường ray trước khi triển khai các bệ phóng tên lửa khổng lồ.
Tàu được ngụy trang lẫn với tàu chở khách hay tàu chở hàng thông thường. Nó có khả năng chở theo 6 tên lửa đạn đạo xuyên lục địa Yars hay Yars-M cùng các đơn vị chỉ huy. Hệ thống tên lửa này dự kiến sẽ bắt đầu hoạt động từ năm 2018 đến 2020.
Các tên lửa có thể mang theo 4 đầu đạn hạt nhân với mỗi đầu đạn nặng 250 kiloton và có tầm bắn khoảng 10.000 km. Tên lửa đạn đạo thường được phóng từ phương tiện đường bộ, nhưng tàu hỏa hạt nhân có thể di chuyển chúng xa hơn và mất ít thời gian hơn.
Tên lửa đạn đạo được phóng đi từ tàu hỏa đỗ trên đường ray ở Nga.
Chuyên gia quốc phòng Nga Victor Murakhovsky cho biết tàu hỏa hạt nhân mới sẽ là cơn ác mộng với gián điệp nước ngoài.
“Các toa tàu chở tên lửa đạn đạo từ thời Liên Xô có kích cỡ khác với toa tàu hỏa tiêu chuẩn, trong khi tổ hợp tên lửa mới có thể được đặt trên các toa tàu truyền thống”, Murakhovsky nói với hãng tin Sputnik.
Ông Murakhovsky cho biết Mỹ cũng từng cố gắng phát triển hệ thống tên lửa tương tự trong thời kỳ Chiến tranh Lạnh, nhưng dự án này đã bị dừng giữa chừng do vấn đề tài chính và Washintong không muốn tạo ra một vũ khí giống của Moscow.
Liên Xô từng sử dụng hệ thống tên lửa di động trên đường ray có tên 'Molodets' với 12 tàu hỏa hạt nhân đồn trú tại vùng Kostroma, Perm và Krasnoyarsk. Mỗi đoàn tàu chở theo 3 tên lửa đạn đạo.
Các hệ thống tên lửa 'Molodets' được đưa vào hoạt động từ năm 1987 và phương Tây gọi đây là “đoàn tàu ma” của Liên Xô. Tuy nhiên, chúng đã bị tháo dỡ trong thời gian từ năm 2003 đến 2005.