Nga: Phần Lan không thấy mối đe dọa từ Moscow, vậy vào NATO làm gì?
Nga đặt câu hỏi về mục đích vào NATO của Phần Lan và Thụy Điển, sau khi Tổng thống Phần Lan khẳng định ông không thấy đất nước mình gặp phải mối đe dọa nào từ Moscow.
Interfax ngày 19/5 dẫn lời Chủ tịch Hội đồng Liên bang (Thượng viện) Nga Valentina Matvienko cảnh báo, việc Phần Lan và Thụy Điển gia nhập liên minh quân sự Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) sẽ không tạo ra thêm sự ổn định mà còn tác động tiêu cực đến tình hình ở châu Âu.
Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg chuẩn bị tiếp nhận đơn gia nhập từ đại sứ Phần Lan và Thụy Điển hôm 18/5. Ảnh: AP
"Về quân sự, Nga sẽ phản ứng tương xứng với sự hiện diện của lực lượng và vũ khí NATO trên lãnh thổ của hai quốc gia này", bà Matvienko nói. "An ninh của Nga chắc chắn cần được đảm bảo".
Theo lời quan chức cấp cao của Nga, Moscow lâu nay rất coi trọng vị thế trung lập của Phần Lan và Thụy Điển. "Quyết định (gia nhập NATO) của hai quốc gia có thể kéo lùi việc tương tác và hợp tác giữa các bên", bà Matvienko nhấn mạnh.
Đáng chú ý, bà Matvienko tin rằng quyết định xin gia nhập NATO của Helsinki và Stockholm được đưa ra "dưới áp lực của phương Tây, chủ yếu là Mỹ". "Mọi việc diễn ra quá nhanh. Họ thậm chí không thấy cần thiết phải tổ chức một cuộc trưng cầu dân ý về việc quan trọng như vậy", bà chỉ trích.
Chủ tịch Thượng viện Nga cũng nhắc lại tuyên bố cách đây vài hôm của Tổng thống Phần Lan Sauli Niinisto khi ông thừa nhận Helsinki "không thấy mối đe dọa an ninh nào" từ Moscow.
"Tổng thống Phần Lan nói rằng ông không thấy mối đe dọa nào từ Nga và gia nhập NATO không phải để chống lại Nga. Vậy câu hỏi là chống lại ai?", bà Matvienko đặt câu hỏi.
Phần Lan và Thụy Điển đã chính thức đệ đơn xin gia nhập NATO hôm 18/5. Đơn xin gia nhập NATO của hai quốc gia này sẽ cần sự đồng ý của tất cả 30 thành viên trong liên minh.
Phần lớn các nước NATO đang tìm cách đẩy nhanh quá trình phê chuẩn tư cách thành viên của Thụy Điển và Phần Lan trong thời gian vài tháng. Tuy nhiên, ngoài Thổ Nhĩ Kỳ, Tổng thống Croatia mới đây kêu gọi ngăn kết nạp hai nước Bắc Âu vào NATO.
Trong chuyến thăm Mỹ, lãnh đạo một vùng lãnh thổ tranh chấp tuyên bố muốn khu vực này là một phần của NATO và EU.
Nguồn: [Link nguồn]