Nga phản hồi thông tin yêu cầu NATO rút quân khỏi sườn Đông châu Âu
NATO đã tăng cường lực lượng ở sườn Đông châu Âu sau khi Nga sáp nhập Crimea năm 2014 và sau chiến dịch quân sự của Moscow ở Ukraine vào tháng 2/2022.
Người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov hôm 21/2 cho biết trong các cuộc đàm phán gần đây tại Ả Rập Xê-út, Nga đã không yêu cầu Mỹ rút quân khỏi sườn phía Đông của NATO.
Tuyên bố trên được ông Peskov đưa ra để phản ứng lại một bài báo của tờ Financial Times (Anh) cho rằng trong các cuộc đàm phán tại Riyadh vào ngày 18/2, các đại biểu Nga đã yêu cầu NATO rút quân như một điều kiện để "bình thường hóa quan hệ".
"Không, điều này không đúng, điều này không phù hợp với thực tế", ông Peskov trả lời các nhà báo khi được hỏi về những tuyên bố này, hãng thông tấn nhà nước Nga TASS đưa tin.
"Lập trường của chúng tôi là, việc mở rộng cơ sở hạ tầng quân sự của NATO qua nhiều đợt tiến về phía biên giới của chúng tôi là nguyên nhân khiến chúng tôi lo ngại. Quan điểm này rất rõ ràng, không có gì là bí mật với bất kỳ ai", vị phát ngôn viên của Tổng thống Nga Vladimir Putin bổ sung.
Khí tài của Mỹ và Ba Lan trong cuộc tập trận quân sự NATO Dragon 24 gần Gniew, Ba Lan, ngày 4/3/2024. Ảnh: Army Technology
Trước đó, trong bài báo hôm 20/2, Financial Times đưa tin rằng, Nga đã sử dụng vòng đàm phán đầu tiên với Mỹ về việc chấm dứt chiến sự ở Ukraine để yêu cầu rút quân NATO khỏi sườn phía Đông của liên minh.
Tờ báo Anh dẫn lời ông Cristian Diaconescu, chánh văn phòng Tổng thống Romania và cố vấn về quốc phòng và an ninh quốc gia, phát biểu với một kênh truyền hình Romania hôm 19/2 rằng, phái đoàn Mỹ đã bác bỏ yêu cầu trên của Moscow, nhưng không có gì đảm bảo rằng Washington cuối cùng sẽ không nhượng bộ về vấn đề này.
Ông Diaconescu sau đó đã rút lại bình luận của mình, làm rõ rằng một yêu cầu như vậy đã được đưa ra trong quá khứ – vào năm 2021, trước khi Nga phát động "chiến dịch quân sự đặc biệt" ở Ukraine vào tháng 2/2022, Đài RFE/RL cho biết hôm 21/2.
Nga trong nhiều năm đã bày tỏ phẫn nộ, cả công khai và riêng tư, về sự hiện diện của quân đội NATO ở các quốc gia như 3 quốc gia Baltic (Estonia, Litva và Latvia) và Ba Lan.
Moscow cũng đã phàn nàn rất nhiều về các địa điểm phòng thủ tên lửa của NATO ở Ba Lan và Romania. Và việc NATO mở rộng về phía Đông – đầu tiên là vào năm 1997, và sau đó là 2 đợt vào những năm 2000 – được nhiều người ở Điện Kremlin có quan điểm cứng rắn coi là một hành động thù địch, và là một phần lý do cho cuộc xung đột hiện tại ở Ukraine.
Với việc chính quyền của Tổng thống Mỹ Donald Trump báo hiệu một cách tiếp cận mới cấp tiến đối với quan hệ châu Âu khi nhiều lần phàn nàn rằng các thành viên NATO ở bên kia bờ Đại Tây Dương không chi tiêu đủ cho phòng thủ, có sự báo động ngày càng tăng ở châu Âu về những nhượng bộ mà Nhà Trắng có thể cân nhắc để đảm bảo một thỏa thuận với Điện Kremlin.
Đầu tháng này, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Pete Hegseth đã làm chao đảo liên minh gồm 32 thành viên khi ông thẳng thừng loại trừ tư cách thành viên NATO của Ukraine và loại trừ khả năng quân đội Mỹ tham gia bất kỳ nỗ lực gìn giữ hòa bình tiềm năng nào ở Ukraine.
Người đứng đầu Lầu Năm Góc cũng cho biết, NATO sẽ không đến giải cứu bất kỳ quốc gia châu Âu nào nếu họ tham gia vào nỗ lực đó và bị Nga tấn công.
Tổng thống Andrzej Duda của Ba Lan, quốc gia ủng hộ mạnh mẽ nhất cho Ukraine và tăng cường triển khai quân đội NATO dọc theo sườn phía Đông của NATO, cho biết vào ngày 18/2 rằng, ông đã nhận được sự đảm bảo của Washington về việc không cắt giảm sự hiện diện của quân đội Mỹ ở quốc gia Đông Âu này.
"Không có lo ngại nào về việc Mỹ sẽ giảm mức độ hiện diện của mình tại quốc gia chúng tôi, rằng Mỹ sẽ rút khỏi trách nhiệm hoặc đồng trách nhiệm đối với an ninh của khu vực châu Âu này", ông Duda nói với các phóng viên tại Warsaw sau cuộc gặp với Đặc phái viên của ông Trump, ông Keith Kellogg.
Ngoài việc tiếp nhận các thành viên mới ở Đông Âu, NATO đã tăng cường lực lượng ở sườn phía Đông của mình sau khi Nga sáp nhập Crimea năm 2014 và sau chiến dịch quân sự của Moscow ở Ukraine vào tháng 2/2022, để trấn an các thành viên – đặc biệt là những nước từng thuộc Liên Xô cũ.
Tổng cộng, có 8 nhóm tác chiến NATO được triển khai ở Đông Âu và 3 quốc gia vùng Baltic, với tổng số gần 30.000 quân, theo dữ liệu gần đây nhất của liên minh này.
Tổng thống Mỹ Donald Trump hôm 13/2 đưa ra tuyên bố Ukraine sẽ không thể gia nhập liên minh quân sự NATO.
Nguồn: [Link nguồn]
-22/02/2025 14:21 PM (GMT+7)