Nga nói Ukraine lần đầu sẵn sàng đáp ứng các yêu cầu khôi phục hòa bình
Trưởng đoàn đàm phán Nga Vladimir Medinsky ngày 30.3 nói Ukraine đã đồng ý về nguyên tắc chính thức trở thành quốc gia trung lập.
Trưởng đoàn đàm phán Nga Vladimir Medinsky.
Tham vọng gia nhập liên minh quân sự NATO của Ukraine là một trong những nguyên nhân khiến Nga phát động chiến dịch quân sự vào ngày 24.2.
Ông Medinsky đưa ra tuyên bố một ngày sau khi phái đoàn của hai nước đàm phán ở Istanbul, Thổ Nhĩ Kỳ. Ông nói phái đoàn Ukraine đã công bố lộ trình để tiến tới một thỏa thuận hòa bình.
“Ngày hôm qua, lần đầu tiên, Ukraine không chỉ thông báo bằng miệng, mà cả dưới dạng văn bản, rằng nước này sẵn sàng đáp ứng các yêu cầu quan trọng của Nga nhằm xây dựng quan hệ bình thường và thân thiện với Nga trong tương lai”, ông Medinsky nói.
Theo ông Medinsky, Nga đã đưa ra các đề nghị này từ sau cuộc Cách mạng Maidan ở Ukraine năm 2014, nhưng bị Kiev và các nước khác, đặc biệt là Mỹ phớt lờ.
Ukraine viết trong văn bản rằng sẵn sàng từ bỏ tham vọng gia nhập NATO, áp dụng quy chế "không gia nhập khối", không sở hữu vũ khí hạt nhân, cam kết không tiếp nhận quân đội hoặc căn cứ quân sự nước ngoài trên lãnh thổ, ông Medinsky nói.
Theo trưởng đoàn đàm phán Nga, vấn đề Ukraine không gia nhập NATO đã được giải quyết. Tuy nhiên, đàm phán sẽ vẫn được tiếp tục bởi Nga và Ukraine chưa thống nhất được quan điểm trong vấn đề bán đảo Crimea và vùng ly khai Donbass.
Ông Medinsky khẳng định Nga vẫn giữ yêu cầu Ukraine công nhận Crimea thuộc Nga và công nhận độc lập của hai vùng lãnh thổ ly khai ở miền đông Ukraine.
"Tôi muốn nhấn mạnh rằng lập trường của chúng tôi về nguyên tắc liên quan đến Crimea và Donbass vẫn không thay đổi", ông nói.
Phía Ukraine muốn giữ nguyên trạng đường biên giới quốc gia như giai đoạn năm 1991, nghĩa là bán đảo Crimea và vùng Donbass vẫn là vùng lãnh thổ của nước này.
Nguồn: [Link nguồn]
Cuộc đàm phán hôm 29.3 giữa Nga và Ukraine được giới quan sát đánh giá là mang lại nhiều kết quả nhất từ trước đến nay, nhằm giúp các bên chấm dứt xung đột.