Nga nói Mỹ “trực tiếp can dự” vào xung đột Ukraine
Nga nói Mỹ cung cấp thông tin về tình hình chiến sự để Kiev phóng tên lửa tầm xa trong cuộc xung đột ở Ukraine.
Quan chức Ukraine nói Mỹ có quyền yêu cầu hủy đợt tấn công bằng hệ thống HIMARS.
Theo báo Anh Guardian, Bộ Quốc phòng Nga cáo buộc Washington “trực tiếp can dự” vào xung đột Ukraine, bằng cách cung cấp thông tin về tình hình chiến sự, dẫn tới các đợt phóng tên lửa và rocket tầm xa của Ukraine ở vùng Donbass và nhiều nơi khác.
“Tất cả những điều này cho thấy Washington trực tiếp can dự vào xung đột, trái với những tuyên bố của Nhà Trắng và Lầu Năm Góc”, Bộ Quốc phòng Nga cho biết.
Chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden đã hỗ trợ quân sự cho Ukraine với tổng giá trị trang thiết bị vũ khí và đạn được lên tới 8 tỉ USD. Hôm 1/8, Mỹ đã công bố gói hỗ trợ mới nhất trị giá 550 triệu USD, nhưng Washington luôn khẳng định không can dự vào cuộc xung đột hay có xung đột với Nga.
Bộ Quốc phòng Nga đưa ra tuyên bố sau khi Vadym Skibitsky, phó cục trưởng Cục Tình báo quân đội Ukraine, cho biết các hình ảnh vệ tinh có đột nét cao và thông tin được cung cấp thời gian thực giúp Ukraine sử dụng pháo phản lực HIMARS một cách hiệu quả.
Ông Skibitsky cũng nói rằng Mỹ trực tiếp giám sát hoạt động của các hệ thống HIMARS và Washington có quyền yêu cầu quân đội Ukraine hủy phóng rocket nếu cảm thấy không cần thiết.
Ông Skibitsky cũng phủ nhận Mỹ trực tiếp cung cấp vị trí mục tiêu để quân đội Ukraine tấn công, nói rằng các cố vấn Mỹ chỉ đóng vai trò tư vấn.
Cũng trong ngày 2/8, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Nga, Maria Zakharova nói với hãng thông tấn RIA Novosti: “Mỹ cung cấp vũ khí cho Ukraine không chỉ đi kèm với hướng dẫn sử dụng, mà trong trường hợp này, còn trực tiếp đóng vai trò chỉ định mục tiêu”.
“Không có tuyên bố nào xác thực về sự can dự của Mỹ trong xung đột Ukraine như tuyên bố đó”, bà Zakharova đề cập những tuyên bố của ông Skibitsky, theo Guardian.
Tính đến ngày 1/8, Mỹ đã cung cấp cho Ukraine 16 hệ thống HIMARS, giúp Kiev giáng đòn gây thiệt hại cho các lực lượng Nga ở tỉnh Kherson và vùng Donbass.
Nguồn: [Link nguồn]
Kho vũ khí phương Tây cung cấp cho Ukraine ngày 1/8 được mở rộng thêm với sự xuất hiện của các hệ thống pháo phản lực phóng loạt MARS II do Đức sản xuất.