Nga ngả về Trung Quốc hay Ấn Độ sau đụng độ chết người ở biên giới?
Nga được coi là nhân tố quan trọng có thể quyết định căng thẳng giữa Trung Quốc và Ấn Độ trong vấn đề tranh chấp chủ quyền biên giới.
Tổng thống Nga Vladimir Putin và Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi.
Căng thẳng Trung-Ấn đạt đến cao trào sau cuộc đụng độ chết người hôm 15.6. Đây là lần đầu tiên quân nhân Ấn Độ thiệt mạng ở biên giới giáp Trung Quốc kể từ năm 1975.
Hôm 23.6, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov tổ chức cuộc hội đàm trực tuyến ba bên với người đồng cấp Ấn Độ Subrahmanyam Jaishankar và người đồng cấp Trung Quốc Vương Nghị.
Cuộc điện đàm song phương giữa ông Jaishankar với ông Vương hôm 17.6 đã kết thúc với những lời chỉ trích, đổ lỗi lẫn nhau.
Đến ngày 24.6, Bộ trưởng Quốc phòng Ấn Độ Rajnath Singh và người đồng cấp Trung Quốc Wei Fenghe sẽ cùng dự lễ duyệt binh kỷ niệm 75 năm Ngày Chiến thắng ở Moscow. Bộ trưởng Quốc phòng của hai nước nhiều khả năng sẽ có cuộc trao đổi bên lề sự kiện.
Tờ Indian Express nhận định, Nga đang hết sức cố gắng để làm trung gian hòa giải cho căng thẳng Trung-Ấn. Kể từ khi bị phương Tây áp đặt lệnh cấm vận, Nga đang trở nên gắn bó với Trung Quốc hơn bao giờ hết trong linh vực kinh tế, thương mại.
Nhưng Ấn Độ lại là đối tác quốc phòng hàng đầu của Nga. Ấn Độ đã xây dựng mối quan hệ đối tác sâu rộng với Nga suốt 7 thập kỷ.
Ấn Độ đã chi những khoản tiền trị giá hàng tỉ USD để mua hàng loạt trang thiết bị vũ khí Nga, từ các vũ khí chiến lược như tàu ngầm hạt nhân, tàu sân bay, cho đến các vũ khí thông thường như xe tăng T-90. Liên doanh Ấn Độ, Nga cũng hợp tác sản xuất mẫu tên lửa hành trình siêu thanh BrahMos.
Ước tính 60-70% vũ khí Ấn Độ hiện nay có nguồn gốc từ Nga. Nhờ kho vũ khí này mà Nga thu lời lớn từ hoạt động bán phụ tùng, hỗ trợ bảo dưỡng cho khí tài quân sự Ấn Độ.
Trong bối cảnh Nga gặp nhiều khó khăn về kinh tế do tác động của dịch Covid-19, mối quan hệ hợp tác quốc phòng Nga-Ấn Độ là thứ mà Moscow không hề muốn từ bỏ.
Ấn Độ muốn Nga bàn giao sớm tổ hợp tên lửa phòng không S-400, trong khi Trung Quốc đã sở hữu các tổ hợp này.
Điều này phần nào được củng cố khi Bộ trưởng Quốc phòng Ấn Độ hôm 22.6 ngỏ ý muốn Nga bàn giao sớm các tổ hợp tên lửa phòng không S-400.
Trong quá khứ, Liên Xô không đứng về phía Ấn Độ trong cuộc chiến biên giới Trung-Ấn năm 1962. Nhưng lập trường này đã thay đổi trong cuộc chiến năm 1971.
Trong căng thẳng ở cao nguyên Doklam năm 2017, các nhà ngoại giao Nga được Bắc Kinh liên tục thông báo về các diễn biến mới nhất.
Báo Ấn Độ nhận định, Nga không hoàn toàn ngả về phía Ấn Độ, nhưng cũng không muốn Trung Quốc “bắt nạt” người hàng xóm. Với vị thế và tầm ảnh hưởng to lớn, Moscow có thể tác động để Bắc Kinh thay đổi lập trường cứng rắn trong vấn đề biên giới.
Hôm 17.6, đại sứ Nga tại Ấn Độ Kudashev bình luận: “Chúng tôi hoan nghênh các giải pháp tháo gỡ căng thẳng ở biên giới Trung-Ấn, bao gồm cuộc đối thoại giữa các ngoại trưởng. Nga đang bày tỏ sự tin tưởng lớn vào triển vọng đàm phán”.
Moscow cũng khẳng định lập trường trung lập qua tuyên bố của người phát ngôn Điện Kremlin, Dmitry Peskov. Ông Peskoiv nói trên TASS rằng Nga quan ngại về đụng độ chết người ở biên giới Trung-Ấn nhưng tin rằng hai quốc gia nên tự mình giải quyết xung đột.
“Chúng tôi sẽ luôn theo sát tình hình ở biên giới Trung-Ấn. Chúng tôi coi cuộc đụng độ gần đây là diễn biến đáng báo động”, ông Peskov nói. “Chúng tôi mong muốn hai quốc gia có thể ngăn sự cố tương tự xảy ra trong tương lai dể đảm bảo an ninh và ổn định trong khu vực, trước hết là có lợi cho cả Ấn Độ và Trung Quốc”.
Ông Peskov cũng nhấn mạnh rằng cả Ấn Độ và Trung Quốc đều là đối tác gần gũi và là đồng minh của Nga. “Chúng tôi có mối quan hệ gần gũi, hợp tác cùng có lợi trên cơ sở tin tưởng lẫn nhau”, ông Peskov nói.
Sau những căng thẳng gần đây ở khu vực biên giới Trung - Ấn và đỉnh điểm là vụ đụng độ đêm ngày 15.6 giữa binh sĩ...
Nguồn: [Link nguồn]