Nga nêu điều kiện rút vũ khí hạt nhân khỏi Belarus
Nga có thể xem xét rút vũ khí hạt nhân chiến thuật khỏi Belarus nếu Mỹ và Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) chấm dứt các chính sách đối đầu với Mátxcơva và Minsk, một quan chức cấp cao của Bộ Ngoại giao Nga cho biết.
Hệ thống tên lửa Iskander của Nga. Ảnh: Sputnik
Trong một cuộc phỏng vấn được công bố ngày 31/7, ông Aleksey Polishchuk, người phụ trách bộ phận xử lý các mối quan hệ với Belarus, Moldova và Ukraine, đã mô tả quyết định của Nga trong việc đặt vũ khí hạt nhân ở Belarus là một biện pháp cần thiết để củng cố an ninh của cả Mátxcơva và Minsk.
Ông Polishchuk nói rằng Nga gửi vũ khí hạt nhân tới Belarus “để đáp trả các chính sách hạt nhân gây bất ổn kéo dài nhiều năm của NATO và Washington, cũng như những thay đổi cơ bản gần đây trong các lĩnh vực an ninh then chốt của châu Âu”.
Tuy nhiên, số vũ khí này có thể sẽ được Nga thu hồi nếu Mỹ và NATO đảo ngược lộ trình của họ, loại bỏ kho vũ khí hạt nhân của Mỹ khỏi châu Âu và dỡ bỏ cơ sở hạ tầng liên quan, ông Polishchuk nói.
Quyết định bố trí vũ khí hạt nhân ở Belarus đã được Tổng thống Nga Vladimir Putin công bố vào cuối tháng 3. Ông cho biết đây là động thái đáp trả kế hoạch cung cấp vũ khí uranium nghèo của Anh cho Ukraine - một động thái bị Mátxcơva chỉ trích là liều lĩnh và vô trách nhiệm.
Ông Putin nói rằng cơ sở hạ tầng cần thiết cho vũ khí hạt nhân ở Belarus sẽ sẵn sàng vào đầu tháng 7, đồng thời cam kết Mátxcơva sẽ vẫn kiểm soát số vũ khí này và lưu ý rằng hành động của Mátxcơva không khác nhiều so với hành động của Mỹ.
Vũ khí hạt nhân chiến thuật của Mỹ hiện đang được lưu trữ tại năm quốc gia NATO ở châu Âu là Bỉ, Đức, Ý, Hà Lan và Thổ Nhĩ Kỳ.
Minsk đã nhiều lần yêu cầu Nga bố trí vũ khí hạt nhân trên lãnh thổ Belarus, viện dẫn các chính sách hiếu chiến của phương Tây đối với Minsk và mối đe dọa từ vũ khí hạt nhân của Mỹ ở châu Âu.
Nguồn: [Link nguồn]
Ngày 30/7, Phó Chủ tịch Hội đồng An ninh Nga Dmitry Medvedev tuyên bố rằng Mátxcơva sẽ cân nhắc sử dụng vũ khí hạt nhân nếu chiến dịch phản công của Ukraine thành công.