Nga nêu 2 kịch bản về khí đốt để châu Âu chọn
Chủ tịch Hạ viện Nga – ông Vyacheslav Volodin – cho rằng, châu Âu không thể có an ninh năng lượng, nếu thiếu nguồn cung khí đốt từ Nga.
Châu Âu đang phải đối mặt với mùa đông thiếu khí đốt (ảnh: CNN)
Dẫn lời ông Volodin, TASS hôm 2/9 cho rằng, châu Âu có thể giải quyết khủng hoảng năng lượng bằng cách hủy bỏ các lệnh trừng phạt nhằm vào Nga hoặc giữ nguyên trừng phạt và lãnh hậu quả.
“Thời khắc quyết định của các nhà lãnh đạo châu Âu đã đến. Họ có 2 lựa chọn cho tình thế do mình tự gây ra”, ông Volodin viết trên Telegram.
“Cách thứ nhất, họ phải dỡ bỏ các lệnh trừng phạt vô lý nhằm vào Nga và khởi động đường ống Nord Stream 2. Cách thứ hai, họ giữ nguyên mọi thứ, gánh chịu rắc rối đối với nền kinh tế và làm cuộc sống người dân khó khăn hơn”, ông Volodin nhấn mạnh.
Theo ông Volodin, châu Âu không thể có an ninh năng lượng nếu thiếu Nga.
“Năm ngoái, châu Âu đã mua khoảng 341 tỷ mét khối khí đốt, trong đó gần 50% đến từ đường ống của Nga. Các biện pháp trừng phạt nhằm vào Nga đang khiến nhiều nước châu Âu gánh chịu hậu quả mà họ tự gây ra”, ông Volodin cho hay.
“Ngay cả khi tất cả đường ống dẫn khí đốt từ châu Phi, Trung Đông hay nhiều nước khác cùng chuyển hướng sang châu Âu, châu Âu cũng không thể bù đắp được 62% lượng khí đốt tiêu thụ mà Nga cung cấp trước đây”, ông Volodin đặt giả thiết.
Theo RT, Nord Stream 2 là đường ống hoàn thành vào tháng 9/2021, được thiết kế để vận chuyển khí đốt từ Nga đến Đức qua biển Baltic mà không qua Ukraine hay Ba Lan. Đường ống này có thể nâng nguồn cung khí đốt từ Nga sang Đức lên 110 tỷ mét khối khí đốt mỗi năm.
Dự án Nord Stream 2 được hoàn thành với chi phí khoảng 11 tỷ USD, trong đó tập đoàn năng lượng Nga Gazprom chịu một nửa, phần còn lại do các công ty Shell (Anh), OMV (Áo), Engie (Pháp), Uniper và Wintershall (Đức) cùng đóng góp.
Hồi cuối tháng 2, Đức đã dừng cấp phép cho đường ống Nord Stream 2 hoạt động sau khi Nga công nhận khu vực Donbass độc lập khỏi Kiev.
Trong bối cảnh châu Âu rơi vào khủng hoảng năng lượng và giá nhiên liệu tăng vọt, các nước thuộc khối G7 đang thảo luận về việc áp giá trần đối với dầu Nga. Ông Dmitry Medvedev – phó Chủ tịch Hội đồng An ninh Nga – hôm 2/9 cảnh báo, nếu G7 nhất trí áp trần giá dầu Nga, Moscow có thể cắt hoàn toàn nguồn cung khí đốt sang châu Âu.
Nguồn: [Link nguồn]
Phó Thủ tướng Nga Alexander Novak khẳng định, chính người dân phương Tây phải chịu hậu quả nếu chính phủ của họ quyết định áp giá trần đối với dầu Nga.