Nga muốn LHQ trừng phạt vụ Nord Stream sau tiết lộ "bom tấn"
Ủy ban quan hệ quốc tế của quốc hội Nga đã phê duyệt kiến nghị yêu cầu Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc (HĐBA LHQ) điều tra vụ nổ đường ống Nord Stream trên biển Baltic hồi tháng 9 năm ngoái.
Kiến nghị được đệ trình hôm 14-2 và dự kiến được Duma Quốc gia Nga thông qua trong tuần này.
Mô tả vụ nổ đường ống dẫn khí trên biển Baltic là "một hành động khủng bố quốc tế" và "một hành vi phá hoại khủng khiếp", kiến nghị kêu gọi LHQ trừng phạt những đối tượng ra lệnh cũng như những đối tượng thực hiện hành vi.
"Hành động phạm tội nêu trên đã đe dọa an ninh của toàn bộ lục địa Á-Âu" - kiến nghị nhấn mạnh, theo hãng thông tấn TASS.
Cáo buộc Mỹ "ra lệnh thực hiện hành động phi pháp và phải chịu toàn bộ trách nhiệm đối với mức thiệt hại hàng tỉ USD cơ sở hạ tầng của Nga, Đức, Pháp và Hà Lan", kiến nghị khẳng định vụ phá hoại đường ống dẫn khí đã gây ra tổn thất dài hạn đối với kinh tế, an ninh và môi trường của cả khu vực.
Đường ống dẫn khí Nord Stream (Dòng chảy phương Bắc) hư hại nặng sau một loạt vụ nổ hồi tháng 9-2022. Ảnh: Reuters
Tuần trước, theo đài RT, nhà báo điều tra Mỹ Seymour Hersh mô tả các đường ống Nord Stream đã bị một chiến dịch chung của Mỹ và Na Uy gây thiệt hại như thế nào.
Cần tiến hành "một cuộc điều tra quốc tế toàn diện để trừng phạt những kẻ chịu trách nhiệm và đền bù thiệt hại" theo sau các hành động của Mỹ, kiến nghị khẳng định.
Trước đó, vào tháng 9-2022, một loạt vụ nổ đã làm hư hại nặng nề cả 2 đường ống dẫn khí Nord Stream được xây dựng để vận chuyển khí đốt tự nhiên Nga đến Đức và phần còn lại của các nước Liên minh châu Âu (EU).
Các vụ nổ xảy ra gần đảo Bornholm của Đan Mạch, tại khu vực Hải quân Mỹ và các đồng minh NATO (Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương) tập trận BALTOPS 22 vài tháng trước đó.
Chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden chuẩn bị bán 26 triệu thùng dầu thô từ kho dự trữ chiến lược. Ảnh: Reuters
Trong khi đó, chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden ngày 13-2 thông báo sẽ tiếp tục bán theo lịch trình 26 triệu thùng dầu thô từ Cục Dự trữ Dầu mỏ Chiến lược Mỹ (SPR). Động thái này diễn ra sau khi Nga thông báo cắt giảm sản lượng 500.000 thùng dầu/ngày vào tháng tới.
Năm ngoái, chính quyền Tổng thống Biden đã bán kỷ lục 180 triệu thùng dầu thô từ SPR nhằm kiềm chế giá nhiên liệu tăng cao.
Đường ống Nord Stream bị hủy hoại vì Mỹ coi hợp tác năng lượng giữa Nga và Đức là mối de dọa, Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov nói.
Nguồn: [Link nguồn]