Nga loại biên tàu ngầm hạt nhân lớn nhất thế giới, Mỹ vẫn chưa thể soán ngôi
Nga vẫn là quốc gia sở hữu tàu ngầm hạt nhân lớn nhất thế giới sau khi chính thức loại biên tàu ngầm hạt nhân khổng lồ Dmitry Donskoy.
Tàu ngầm Dmitry Donskoy (trái) neo tại một bến tàu.
Sau nhiều tháng đồn đoán, Vladimir Maltsev, lãnh đạo tổ chức hỗ trợ hải quân Nga, xác nhận rằng Dmitry Donskoy - tàu ngầm hạt nhân lớn nhất thế giới - đã chính thức bị loại biên.
Dmitry Donskoy là tàu ngầm cuối cùng thuộc lớp Typhoon, được Liên Xô đóng trong thời Chiến tranh Lạnh. Đây là mẫu tàu ngầm khổng lồ với lượng giãn nước tối đa 48.000 tấn.
"Tàu ngầm hạt nhân Dmitry Donskoy đã không còn hoạt động trong biên chế hải quân Nga. Nó sẽ neo tại căn cứ ở Severodvinsk với hai tàu ngầm khác cùng lớp để chờ tháo dỡ", ông Maltsev cho biết, theo hãng thông tấn Nga TASS.
Trong những năm gần đây, Nga chủ yếu sử dụng tàu ngầm Dmitry Donskoy làm bệ phóng thử nghiệm mẫu tên lửa đạn đạo Bulava thế hệ mới. Năm 2017, tàu tham gia lễ duyệt binh của hải quân Nga trong biên chế Hạm đội Baltic.
Tàu ngầm hạt nhân Belgorod có thể mang theo tối đa 6 siêu ngư lôi Poseidon.
Theo báo Mỹ Newsweek, với việc tàu Dmitry Donskoy đã bị loại biên, tàu ngầm lớn nhất trong hải quân Nga hiện nay là Belgorod, mẫu tàu ngầm thuộc lớp Oscar II, được Nga đưa vào biên chế hồi tháng 7/2022.
Tàu ngầm hạt nhân Belgorod dài 184 mét và có lượng giãn nước tối đa khoảng 24.000 tấn. Các tàu ngầm lớp Ohio lớn nhất mà Mỹ từng chế tạo cũng chỉ dài 170 mét và có lượng giãn nước tối đa khoảng 18.750 tấn.
Nói cách khác, Mỹ vẫn chưa thể soán ngôi Nga để trở thành quốc gia sở hữu tàu ngầm hạt nhân lớn nhất, theo báo Mỹ. Trong tương lai, hải quân Mỹ sẽ thay thế các tàu ngầm lớp Ohio bằng tàu ngầm hạt nhân lớp Columbia. Tuy vậy, tàu ngầm lớp Columbia đang được đóng mới cũng chỉ dài 171 mét và có lượng giãn nước khoảng 20.810 tấn.
Tàu ngầm hạt nhân Belgorod của Nga cũng sở hữu năng lực tấn công đáng gờm khi được thiết kế để trang bị 6 ngư lôi hạt nhân Poseidon.
"Siêu ngư lôi Poseidon là vũ khí hoàn toàn mới, sẽ làm thay đổi hoàn toàn phương thức tác chiến của hải quân Nga và phương Tây, dẫn đến những yêu cầu mới và vũ khí đáp trả mới", H.I. Sutton chuyên gia quân sự người Mỹ, nhận định.
"Tàu ngầm Belgorod nếu đạt năng lực chiến đấu đúng như thiết kế, sẽ là khí tài quân sự chiến lược rất mạnh", chuyên gia quân sự Daniel Davis nói trên tờ Newsweek.
"Xét trên khía cạnh vũ khí chiến lược mang đầu đạn hạt nhân, Nga vẫn đang đi đầu. Mỹ rõ ràng không muốn đối đầu bằng vũ khí hạt nhân với Nga", ông Davis nói thêm.
Hãng thông tấn TASS hồi tháng 1 cho biết, lô đầu tiên của ngư lôi Poseidon đã được sản xuất và sẽ sớm được trang bị cho tàu ngầm Belgorod.
Velikiye Luki là tàu ngầm thứ ba trong lớp tàu ngầm diesel-điện hoạt động siêu yên tĩnh mới nhất mà Nga chế tạo.
Nguồn: [Link nguồn]