Nga lấn lướt phương Tây trong cuộc chiến dầu mỏ, nhưng hai đồng minh phải chịu thiệt?
Nga đang vẽ lại bản đồ địa chính trị bằng cách sử dụng năng lượng như một vũ khí trong cuộc đối đầu với phương Tây, nhưng điều này về lâu dài càng làm gia tăng căng thẳng đối với các đồng minh như Iran và Venezuela.
Tổng thống Nga Vladimir Putin gặp lãnh tụ tối cao Iran, Ayatollah Ali Khamenei tại Tehran vào năm 2017.
Trong bối cảnh Nga nỗ lực tìm kiếm đối tác dầu mỏ mới bù đắp tổn thất do các lệnh trừng phạt ngày càng khắc nghiệt của phương Tây, Moscow đang khiến thị phần của hai đồng minh là Iran và Venezuela ngày càng thu hẹp, theo báo Mỹ New York Times.
Cuộc cạnh tranh ở thị trường châu Á khiến Venezuela và Iran buộc phải đưa ra mức giá chiết khấu cạnh tranh để cố gắng giữ chân các đối tác. Hai quốc gia này đang chịu lệnh trừng phạt dầu mỏ của Mỹ, nên rất khó tìm kiếm các khách hàng mới, theo các nhà phân tích.
Iran và Venezuela đến nay đều công khai tuyên bố duy trì mối quan hệ gần gũi với Nga. Nhưng theo các chuyên gia, nếu cuộc chiến dầu mỏ càng kéo dài, hai nước sẽ càng bị tổn hại và làm sâu sắc thêm bất đồng với Nga.
Hôm 12.7, Điện kremlin thông báo ông Putin sẽ có chuyến thăm nước ngoài hiếm hoi, tới thủ đô Tehran của Iran. Đây được xem là nỗ lực của ông Putin nhằm giải quyết bất đồng và duy trì quan hệ thân thiện giữa hai nước.
Trong khi đó, cuộc cạnh tranh về dầu mỏ đã đẩy Venezuela xích lại gần phương Tây hơn một chút, theo New York Times.
Chevron, nhà sản xuất dầu cuối cùng của Mỹ còn hoạt động ở Venezuela, đã đàm phán với chính phủ để xúc tiến hợp tác. Bất cứ thỏa thuận dầu mỏ nào giúp cung ứng dầu thô của Venezuela ra thị trường quốc tế cũng có lợi cho Mỹ ở thời điểm hiện tại.
Một tàu chở dầu neo tại cảng biển ở Venezuela vào năm 2021.
“Cuộc xung đột ở Ukraine cho thấy các quốc gia luôn muốn theo đuổi lợi ích riêng, bất kể tác động đến đối thủ hay nước đồng minh ra sao”, Francisco Monaldi, chuyên gia người Venezuela am hiểu về chính trị dầu mỏ tại Đại học Rice ở Mỹ, nói.
Daniel Yergin, một chuyên gia nổi tiếng về lĩnh vực năng lượng, tác giả cuốn sách “Bản đồ mới: Năng lượng, khí hậu và xung đột của các quốc gia”, nói cuộc khủng hoảng năng lượng hiện nay báo hiệu một kỷ nguyên cạnh tranh quyền lực trong một thế giới ngày càng phân mảnh. “Dầu mỏ và khí đốt đã trở thành trọng tâm trong kết quả của cuộc đấu tranh mới này”, ông Yergin nói.
Nhu cầu dầu mỏ và khí đốt khổng lồ trên toàn cầu - trong đó Nga là nhà cung cấp hàng đầu - là vũ khí mạnh nhất giúp Nga vượt mặt phương Tây trong cuộc đối đầu căng thẳng, tạo ra sức mạnh địa chính trị vượt xa những gì mà nền kinh tế thứ 11 thế giới có thể đem lại, theo New York Times.
Mỹ và các đồng minh phương Tây áp đặt lệnh trừng phạt kinh tế, cấm vận dầu mỏ nhằm khiến Nga giảm doanh thu đến mức không thể duy trì xung đột ở Ukraine. Trên thực tế, giá dầu tăng vọt lên mức chưa từng thấy kể từ năm 2008, càng khiến Nga thu lời lớn từ dầu mỏ.
Trong ngắn hạn, Nga đang chiếm ưu thế hoàn toàn trước phương Tây nhờ doanh thu từ dầu mỏ. Ở chiều ngược lại, Nga có thể gây tổn hại đến quan hệ với Iran và Venezuela nếu hai đồng minh này chịu tổn thương quá lớn về kinh tế.
Ở Venezuela và Iran, các số liệu thống kê liên quan đến dầu mỏ là bí mật quốc gia. Do đó, rất khó để biết chính xác hai quốc gia này đang bị tổn hại đến mức nào, theo New York Times.
Nhưng khối lượng hàng hóa xuất khẩu của Iran đang giảm đáng kể, theo các nhà phân tích, đồng nghĩa nước này khó có thể hưởng lợi từ việc giá năng lượng tăng cao.
Venezuela đã chào bán dầu thô với mức giá chiết khấu cao nhất kể từ khi xung đột Ukraine nổ ra, theo các chuyên gia năng lượng và giám đốc điều hành dầu mỏ của Venezuela. Mỗi thùng dầu Venezuela chào bán cho thị trường châu Á có giá chiết khấu tới 45 USD/thùng, so mức giá tiêu chuẩn hiện nay vào khoảng 100 USD/thùng.
Trước xung đột, mức chiết khấu chỉ bằng một nửa hiện nay, một giám đốc điều hành dầu mỏ giấu tên của Venezuela, cho biết, theo New York Times.
Chưa dừng lại ở đó, kể từ khi xung đột nổ ra, các công ty vận tải biển của Nga đã ngừng trả cho Venezuela các khoản thanh toán mà các công ty này thay mặt Venezuela bán dầu thô ở thị trường châu Á.
Năm ngoái, hoạt động này giúp chính phủ Venezuela thu về 1,5 tỉ USD, chiếm 1/4 tổng doanh thu từ dầu mỏ của cả nước.
Các đường ống dẫn dầu ở Khuzestan, Iran.
“Nga dần không còn là đồng minh tin cậy của Venezuela”, Risa Grais-Targow, nhà phân tích khu vực Mỹ Latinh tại công ty tư vấn rủi ro Eurasia Group, nói. “Mối quan hệ kinh tế giữa hai nước đã có dấu hiệu rạn nứt”.
Sara Vakhshouri, chuyên gia về dầu mỏ tại Trung Đông, nói Iran đang phải đối mặt với những vấn đề tương tự. Vakhshouri nói Trung Quốc, đối tác dầu mỏ chính của Iran, ưu tiên mua dầu của Nga hơn vì quan hệ đối tác chiến lược gần gũi.
Trong hai tháng kể từ cuối tháng 3.2022, Iran chỉ đạt 37% lợi nhuận từ dầu mỏ so với mức dự kiến, theo số liệu từ Trung tâm Kiểm toán Tối cao của Iran.
Một thương nhân Iran giấu tên nói, cạnh tranh từ Nga khiến xuất khẩu dầu mỏ của Iran sang Trung Quốc giảm hơn 1/3 so với trước khi xung đột nổ ra.
Nguồn tin giấu tên nói xuất khẩu dầu thô của Iran sang châu Á đã giảm xuống dưới 700.000 thùng/ngày, bằng một nửa khối lượng xuất khẩu mà nước này đặt ra dựa trên ngân sách hàng năm. Alireza Haghighi, nhà phân tích chính trị tại Canada, nói: “Iran đang gặp bất lợi lớn về kinh tế và chính trị”.
Một số quan chức Iran đang muốn tận dụng căng thẳng giữa Nga và phương Tây để tìm kiếm những hướng đi mới. Một số phe phái chính trị muốn thúc đẩy hợp tác với phương Tây, tạo cơ hội để Iran thay thế Nga ở thị trường dầu mỏ châu Âu.
Nhìn chung, cả Iran và Venezuela đều đang tìm cách bù đắp việc Nga lấn lướt ở thị trường châu Á, bằng cách hướng tới xuất khẩu dầu mỏ sang các nước phương Tây.
Nhưng để làm được điều đó, Iran và Venezuela cần đạt được các thỏa thuận sâu rộng và lâu dài với Mỹ.
Nguồn: [Link nguồn]
Thông tin tình báo mới giải mật của Mỹ cho thấy Iran sẽ cung cấp cho Nga hàng trăm máy bay không người lái (UAV), bao gồm các UAV vũ trang để sử dụng trong xung đột ở Ukraine, quan...